Lo ngại kiến nghị sẽ “mở đường” cho tham nhũng nhiều hơn
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (giai đoạn 2012 - 2022), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã kiến nghị Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng cho chủ trương giao Ban Nội chính Trung ương hoặc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu đề xuất cách làm theo hướng tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự, mà thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả.
“Làm như vậy chúng ta sẽ thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát và việc khắc phục hậu quả sẽ tốt hơn nhiều do chủ thể vi phạm sẽ chủ động khắc phục để họ không bị xử lý hình sự nữa và chúng ta cũng không phải xử lý hình sự nhiều. Cách làm này vừa hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, vừa nhân văn và thuyết phục”, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề cập.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về kiến nghị trên, Tiến sĩ Cao Vũ Minh (giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) nhìn nhận: “Theo tôi, kiến nghị mà Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã nêu là quan điểm cá nhân, cho dù đó là ý kiến của người đứng đầu ngành kiểm sát. Ý kiến này nên được cân nhắc và thảo luận một cách kỹ lưỡng”.
Tiến sĩ Cao Vũ Minh (giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: NVCC). |
Tiến sĩ Cao Vũ Minh chỉ ra: “Trên thế giới, hiện nay, một số nước áp dụng phạt tiền thay cho phạt tù, thực tế này cũng khá phổ biến. Tuy nhiên, chỉ áp dụng đối với nhóm tội phạm kinh tế, chẳng hạn, trốn thuế, “lũng đoạn” thị trường chứng khoán... Hình phạt nộp tiền thay cho phạt tù chỉ áp dụng được với tội phạm kinh tế, bởi bản chất, mục đích của loại tội phạm này là “lũng đoạn” để lấy tiền, thì buộc phải nộp lại tiền để có thể không cần phạt tù.
Còn đối với nhóm tội phạm về chức vụ đang được đề cập, trước hết, phải có trách nhiệm đối với Nhà nước và thứ hai, phải có trách nhiệm trong việc thực hiện công vụ. Đối với nhóm tội phạm chức vụ, mục đích phạm tội không phải chỉ là để lấy tiền không, mà còn khiến cho bộ máy hành chính không còn trong sạch.
Vậy nên, phải căn cứ vào từng nhóm tội phạm khác nhau, không phải với bất kỳ nhóm nào, cũng cứ nộp tiền là được.
Tội phạm tham nhũng không thể áp dụng cho phép nộp tiền để không bị phạt tù. Làm như vậy sẽ “mở đường” cho tiêu cực, ở một góc độ nào đó sẽ càng kích thích cho hiện tượng tham nhũng xuất hiện”.
Vị giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cũng phân tích thêm: “Bởi vì, tham nhũng có một đặc điểm, đó là tính tiềm ẩn rất cao, rất khó để chứng minh. Rất nguy hại nếu như sau khi bị phát hiện, nhóm tội phạm chức vụ chỉ cần nộp lại tài sản đã tham nhũng. Trong một chừng mực nào đó, đối tượng này có thể biết “lỗ hổng” ở đâu để tiếp tục vi phạm, dưới hình thức tinh vi hơn, che đậy kín đáo hơn, càng khó có thể phát hiện ra. Không có gì đảm bảo, sau khi bị phát hiện và nộp lại tài sản, đối tượng sẽ không “ngựa quen đường cũ”.
Theo tôi, đối với nhóm tội phạm chức vụ, khi đã thực hiện hành vi phạm tội thì không thể dùng tiền để được miễn xử lý hình sự. Cơ chế hiện nay về thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ta vẫn thực hiện bằng cơ chế dân sự, nên không thể dùng cơ chế dân sự để vô hiệu hóa hình sự.
Bên cạnh đó, khi áp dụng chế tài hình sự thì mới có thể áp dụng các biện pháp tư pháp, hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ trong một thời gian thì sẽ “triệt tiêu” nọc tham nhũng”.
Cho phép tố cáo nặc danh để có thêm kênh thông tin
Để tăng tỉ lệ thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát, và hạn chế loại tội phạm này, Tiến sĩ Cao Vũ Minh cho rằng: “Đối với nhóm tội phạm về tham nhũng, theo tôi, quan trọng nhất là chúng ta phải thực hiện tốt công tác phòng ngừa ngay từ đầu. Chẳng hạn, đối với các hình thức kê khai tài sản, thu nhập hiện nay, vấp phải một thực tiễn, chỉ kê khai đến phạm vi chồng/vợ/con... còn đối với những trường hợp tinh vi hơn, nhằm tẩu tán tài sản... thì rất khó để xác minh.
Tôi cho rằng, đối với nhóm tội phạm này, nên mở rộng phạm vi phải kê khai. Những cán bộ đang đương chức phải có trách nhiệm kê khai mở rộng đến những người thân quen như anh em ruột, anh em vợ, anh em dâu rể… Nếu cảm thấy việc phải kê khai này bí bách quá thì người đó có thể không làm ở vị trí đó nữa... Ngược lại, nếu đã làm thì phải kê khai cụ thể, rõ ràng.
Thứ hai, chúng ta phải phát huy hơn nữa vai trò của thông tin. Trước đây, trong Nghị định số 59/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng chống tham nhũng, cho phép tố cáo tham nhũng bằng hình thức nặc danh. Tuy nhiên, hiện nay, trong Luật Tố cáo năm 2018 lại không thừa nhận hình thức tố cáo nặc danh, chỉ xem như một kênh thông tin tham khảo.
Để tăng tính kịp thời trong phát hiện và xử lý tham nhũng, tôi cho rằng, cần cho phép tố cáo nặc danh với loại tội phạm tham nhũng này, với đầy đủ chứng cứ rõ ràng, có thể xác minh điều tra thêm, chứ không phải chỉ là vu khống, đưa vào giải quyết tố cáo mà tổn hại đến uy tín, danh dự của người bị tố cáo. Làm như vậy, chúng ta vẫn vừa hạn chế được tình trạng “tố cáo ẩu”, hạ thấp danh dự, mà vẫn tạo ra được một kênh thông tin, rộng đường dư luận.
Thứ ba, hiện nay, chúng ta vẫn đang thực hiện, song cần tăng cường hơn nữa, phát huy hơn nữa vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị xã hội trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực”.
“Thậm chí, chúng ta có thể áp dụng phương pháp quản lý mang tính chất kinh tế là khen thưởng cho người phát hiện những thông tin không chính xác trong bảng kê khai tài sản, thu nhập của các quan chức. Vì lẽ đó mà các bảng kê khai tài sản, thu nhập của các quan chức cũng phải mang tính chất công khai, dư luận có thể cùng tham gia giám sát và có căn cứ để tố cáo nếu phát hiện ra tiêu cực...”, Tiến sĩ Cao Vũ Minh nhấn mạnh.