Phấn đấu cải tạo tốt để được hưởng những phút giây tình cảm cùng gia đình, người thân tại “Thiên đường tình yêu” đã trở thành động lực phấn đấu của hàng nghìn phạm nhân đang cải tạo tại trại giam này.
Ý tưởng đầy tính nhân văn
Trại giam Hoàng Tiến (Bộ Công an) đóng tại địa bàn thị xã Chí Linh (tỉnh Hải Dương) có một khu nhà đặc biệt. Đó là dãy nhà khang trang, được xây dựng từng phòng khép kín, riêng biệt với đầy đủ tiện nghi giống như trong những nhà nghỉ, khách sạn. Điều “kỳ diệu” của dãy nhà đó ẩn đằng sau dòng chữ lớn màu son “Buồng Hạnh phúc” được gắn bên trên nó.
|
Một dãy Nhà Hạnh phú |
Buồng Hạnh phúc là ý tưởng đầy nhân văn dành cho các phạm nhân cải tạo tốt sẽ được gặp, “gần gũi” bạn đời, người thân của mình mỗi tháng 1 lần, mỗi lần gặp nửa ngày.
Thượng tá Phạm Văn Thân (Trưởng phòng theo dõi công tác Giáo dục - Cải tạo - Tổng cục 8 - Bộ Công an) cho biết: “Theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và nội quy trại giam thì căn cứ vào kết quả xếp loại cải tạo hàng tháng, mỗi phạm nhân khi được xếp loại cải tạo từ khá, tốt trở lên, mỗi tháng có thể được gặp gia đình qua đêm tại Buồng Hạnh phúc của trại giam.
|
và cận cảnh một Buồng Hạnh phúc. |
Đối với những phạm nhân có thành tích trong lao động học tập, cải tạo, thì có thể được gặp vợ hoặc chồng 24 tiếng. Nếu có thành tích đặc biệt xuất sắc, phạm nhân có thể được gặp vợ hoặc chồng 48 tiếng.
Với các trại tạm giam, không có Buồng Hạnh phúc, nhưng đối với phân trại cải tạo trong trại tạm giam, thì được phép xây dựng Buồng Hạnh phúc để các phạm nhân cải tạo tốt, “đủ tiêu chuẩn” được phép gặp gỡ, gần gũi gia đình, người thân của mình”.
Phân trại cải tạo trong Trại tạm giam số 2 Công an TP Hà Nội đã cho áp dụng mô hình Buồng Hạnh phúc từ vài năm nay đối với phạm nhân lao động, cải tạo tại đây.
Trước đây, Buồng Hạnh phúc hầu như chỉ ưu tiên cho dành cho phạm nhân nam. Lý do không có Buồng Hạnh phúc dành cho nữ phạm là bởi: Thứ nhất, hầu hết các phạm nhân nữ khi đã vào đây là bị bạn đời bỏ lửng, ly hôn nên nhiều người không có “đối tác” hạnh phúc; thứ hai là các phạm nhân nữ khó kiểm soát việc có thể sẽ mang thai trong điều kiện các trại giam không có điều kiện cưu mang việc này.
Vài năm gần đây, các trại giam cũng đã cho phép các phạm nhân nữ được gặp gỡ người thân, gia đình trong Buồng Hạnh phúc, bình đẳng như đối với các phạm nhân nam.
Ước mơ hạnh phúc của phạm nhân
Đã lỡ sa chân vào sau song sắt, phạm nhân nào cũng khát khao được bù đắp tình cảm sau những tháng ngày dài thụ án nên được đặt chân đến Buồng Hạnh phúc là mơ ước của nhiều người. Những khoảnh khắc ấm áp, thiêng liêng đó sẽ là động lực để phạm nhân quyết tâm cải tạo tốt, rút ngắn ngày đoàn tụ.
Ở Trại giam Hoàng Tiến, câu chuyện về Buồng Hạnh phúc khiến các phạm nhân bất kể nữ hay nam, già hay trẻ đều vô cùng phấn khởi. Ai cũng có khát vọng được gặp gỡ, gần gũi người thân yêu của mình, tùy hoàn cảnh mà người được gặp trong Buồng Hạnh phúc có thể là bạn đời hay mẹ già, con nhỏ của mình.
Bao năm cách xa, dẫu có được gặp người nhà qua những lần thăm nuôi nhưng những lần đó chỉ được gặp và nói chuyện qua vách kính nên mới chỉ nghĩ đến cảm giác được cầm tay, ôm con vào lòng thôi đã cảm động lắm rồi.
Các phạm nhân động viên nhau hãy cố gắng hết sức để trong thời gian thụ án được vào căn phòng này cho thỏa nỗi khát khao.
Tâm sự xoay quanh câu chuyện Buồng Hạnh phúc, Giám thị Nguyễn Hữu Ấm trầm ngâm: “Phạm nhân là những người bị mất quyền công dân, nhưng họ vẫn còn những quyền cơ bản của một con người. Không có biện pháp giáo dục nào đối với các phạm nhân tốt hơn là khơi gợi sự hướng thiện của họ bằng mối dây liên hệ tình cảm khăng khít với người thân trong gia đình, đặc biệt là tình cảm vợ chồng. Chính vì vậy, câu chuyện về Buồng Hạnh phúc hết sức cần thiết, cảm động và nhân văn!”.
Kết nối bền chặt nghĩa tình
Trại Hoàng Tiến có trên 3.000 phạm nhân, trong đó có 35 phạm nhân thụ án tù chung thân và nhiều phạm nhân chịu mức án tù dài hạn. Vì vậy, tạo điều kiện để các phạm nhân được gặp gỡ, gần gũi vợ (chồng), người thân là quy định hết sức nhân văn. Đối với phạm nhân nữ, việc tạo điều kiện để họ được gặp thân nhân, gia đình trong buồng hạnh phúc có khó khăn, phức tạp hơn vì phải có những quy chế riêng, nội quy riêng (như phát thuốc tránh thai khẩn cấp, phát bao cao su...).
Phạm nhân Nguyễn Đức Duy (31 tuổi) thụ án 8 năm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tâm sự, ngày mới vào trại, tâm trạng Duy rơi vào trạng thái chán nản, trầm uất. Mặc dù vợ con vẫn đều đặn lên thăm, vẫn chung thủy hứa đợi nhưng mỗi khi vợ về rồi, cảm giác hẫng hụt, lo sợ hạnh phúc tuột khỏi tầm tay lại khiến anh thấp thỏm, không yên.
Cô vợ kém Duy 5 tuổi, công chức nhà nước, đang ở độ gái một con trông mòn con mắt, lại xinh đẹp nữa nên việc Duy lo lắng cũng là điều dễ hiểu! Nhưng rồi nhờ cán bộ trại động viên tinh thần, Duy đã yên tâm nỗ lực cải tạo tốt. Và anh chàng này đã được gặp vợ ở Buồng Hạnh phúc trại giam. Thật không hạnh phúc nào bằng!
Nữ phạm nhân Nguyễn Thị Lan (48 tuổi), thụ án 20 năm tù về tội danh liên quan đến ma túy thì tâm sự: Chị vừa bị bắt thì chồng đã đưa đơn ly hôn. Tháng ngày mòn mỏi trong tù, có lúc nghĩ tới hạnh phúc tuột khỏi tầm tay lại khiến chị Lan đau đớn, tiếc nuối và lại trách bản thân. Nhờ cải tạo tốt, chị Lan đã được gặp các con trong Buồng Hạnh phúc. Chị tâm sự rằng, được ôm con vào lòng, được ngủ cùng con là niềm hạnh phúc vô bờ, là động lực để chị phấn đấu cải tạo tốt để sớm mãn hạn tù.
Thượng tá Quách Ngọc Ân (Phó Giám thị Trại giam Hoàng Tiến) cho biết: Nhiều phạm nhân tâm sự rằng sau những ngày thụ án, có lẽ nơi để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong họ chính là Buồng Hạnh phúc vì nơi đây đã giải tỏa được ức chế tinh thần về nỗi lo lắng áp lực bị vợ hoặc chồng ly hôn, gia đình tan vỡ. Bước ra từ căn buồng xinh xắn, giản dị đó, nhiều số phận nhận được ánh sáng của sự hoàn lương, biết hướng thiện, vị tha từ chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với những người một thời lầm lỗi.
Theo Pháp luật Việt Nam