Nhu cầu năng lượng của nước ta cần cho tăng trưởng là rất lớn, nhưng chúng ta cần phải khai thác các nguồn năng lượng an toàn, công nghệ đơn giản, không đắt tiền, bảo vệ môi trường, trước tiên đó chính là nguồn năng lượng gió.
Tiếp theo là các nguồn năng lượng tái tạo khác như nhiệt điện từ mặt trời, quang điện, thủy triều, địa nhiệt, sinh khối, nhiên liệu sinh học, và tiết kiệm năng lượng... kết hợp với điện khí, điện than, khai thác thủy điện với các nước Đông Dương.
Đây chính là những việc dễ cần làm trước và chúng ta có thể tự chủ và chủ động được, rồi mới đến những cái khó và rất đắt tiền, mạo hiểm mà các nước tư bản đi trước muốn bán hoặc chuyển giao cho các nước đi sau như đường sắt cao tốc Shinkansen, điện hạt nhân...
Năng lượng gió. Ảnh: Internet. |
Những vấn đề hệ trọng này không thể vội vàng mà phải hết sức thận trọng và chuẩn bị thật kỹ, 10-20 năm nữa thế hệ chúng ta làm cũng chưa muộn, vì đất nước ta vốn bị động và đã có quá nhiều những bài học đắt giá từ trước đến nay.
Thế kỷ 21 là thế kỷ của nền kinh tế tri thức, cái mà chúng ta đang rất thiếu và rất cần từ đội ngũ trí thức trong nước và hàng vạn kiều bào trí thức yêu nước ở nước ngoài.
Theo như tính toán của Ngân hàng thế giới (WB) thì tiềm năng điện gió của Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á, với tổng công suất ước tính khoảng 513.360MW gấp 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện về nhu cầu điện của đất nước ta vào năm 2020.
Đây là mức tính cho tốc độ gió khá từ 6m/s trở lên, chỉ riêng tỉnh Ninh Thuận, trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước thì về tiềm năng gió đã hơn cả một số nước khác.
Đây là một lợi thế "trời cho" mà nước nào cũng mơ ước. Về năng lượng mặt trời (NLMT), miền trung và miền nam của Việt Nam ánh nắng chan hòa quanh năm, thiên đường cho du lịch và năng lượng, trong khi đó cả Châu Âu, Trung Quốc, Bắc Mỹ... chìm trong băng giá.
Năng lượng mặt trời. Ảnh: Internet. |
NLMT chúng ta gấp đôi họ thế mà những hải đảo của chúng ta như Côn Đảo, Phú Quốc và hàng ngàn hòn đảo vẫn phải dùng máy phát điện diesel ô nhiễm chạy suốt ngày đêm với giá điện đắt hơn nhiều điện gió và điện mặt trời.
Nhìn mỗi ngày nắng mưa trôi qua mà không sử dụng được thật tiếc. Những nguồn tiềm năng khổng lồ này chưa được đầu tư khai thác, chưa được quan tâm, đầu tư trong suốt mấy chục năm qua, từ khi chúng tôi còn ngồi trên ghế nhà trường tại trung tâm năng lượng mới đại học Bách khoa Hà Nội.
Chúng ta đã bỏ quên những thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của đất nước như năng lượng tái tạo, nhiên liệu sinh học, nông nghiệp...
Thành công của Ấn Độ hay Trung Quốc về điện gió, NLMT cũng chính là do chính sách vĩ mô, sự đầu tư đúng đắn về chiến lược nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ và sản xuất để có được giá thành thấp hơn nhiều so với nhập khẩu và nội địa hóa sản phẩm giá thành rẻ và tạo rất nhiều công việc cho tăng trưởng xanh từ ngành này.
Với định hướng về tầm nhìn và chiến lược, đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo, xây dựng ngành công nghiệp điện gió còn xa vời, chưa có gì cụ thể như hiện nay thì tiềm năng vẫn chỉ là tiềm năng.
Quy hoạch điện của EVN về năng lượng tái tạo đóng góp cho tổng nhu cầu vào năm 2020 là 4,5%, điện hạt nhân 2,1% và điện nhập khẩu là 3% thì quá khiêm tốn so với tiềm năng.
Giá thành điện gió như hiện nay được mua $7,8 cent/1KWh vẫn thấp hơn nhiều so với các nước xung quanh (như Philipines là 17,52 cent, Campuchia 17,68 cent) thì chưa thể khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ cho ngành này.
Nếu Nhà nước tăng giá mua điện gió từ 7,8 cent lên $12 cent thì các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ tự bỏ tiền đầu tư mà nhà nước không cần phải đầu tư.
Tuy vậy giá điện gió hiện tại và tương lai dù có tăng vẫn thấp hơn nhiều tất cả các loại điện sản xuất từ khí thiên nhiên, diesel và điện hạt nhân mà hiện nay chúng ta đã và đang sắp phải sử dụng do thiếu hụt nguồn điện.
Do vậy nhà nước phải sớm có luật về năng lượng tái tạo để ưu tiên, hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành NLMT vì đây là nguồn điện bổ sung tốt nhất, sạch nhất, chủ động nhất và rẻ nhất so với điện khí, diesel, hạt nhân và mua của nước ngoài để bổ sung thiếu hụt.
Người dân sẽ hoàn toàn được sử dụng điện từ NLMT, điện gió với giá thành thấp, sử dụng nhiên liệu sinh học để bảo vệ môi trường như các nước phát triển và khối Asean đang sử dụng rất an toàn, hiệu quả.
Nếu nhà nước đầu tư bằng 1/5 của điện hạt nhân để xây dựng ngành công nghiệp điện gió, chuyển giao công nghệ và nội địa hóa sản phẩm để giá thành thiết bị giảm một nửa so với chỉ nhập khẩu như hiện nay, thì nước ta sẽ hoàn toàn chủ động về công nghệ và đủ nguồn điện để bù đắp cho sự tăng trưởng kinh tế tới năm 2030 vì các dự án điện gió triển khai rất nhanh nếu được quan tâm đúng mức.
Song song với việc này là việc tiết kiệm năng lượng vì tăng trưởng kinh tế của nước ta quá lãng phí năng lượng, gấp đôi tăng trưởng GDP trong khi các nước khác chỉ tương đương giữa tăng trưởng kinh tế và năng lượng.
Hàng loạt nhà máy thép, xi măng, phân bón công nghệ lạc hậu...của nước ngoài tiêu tốn lượng điện khổng lồ được hưởng lợi từ giá điện thấp.
Người Đức nói 1 đồng tiết kiệm bằng 5 đồng đầu tư, chúng ta chỉ lo xây nhà máy mà không quan tâm đầu tư đúng mức cho việc tiết kiệm năng lượng, nâng cao ý thức cho xã hội, cho nhân dân thì bao nhiêu nhà máy điện vẫn thiếu, như thất thoát nước 40% là một ví dụ.
Cũng như ngành giao thông vận tải nước ta không nhanh chóng phát triển giao thông công cộng, chuyển giao công nghệ tàu điện 1 ray, đường sắt 1m45... mà lại hạn chế ôtô và để 30 triệu xe máy như hiện nay (1 xe máy 100cc tốn 3 lít xăng 100 km, trong khi xe ôtô 8 chỗ Isuzu 2500cc chỉ tốn 6 lít dầu 100 km là đủ thấy hiệu suất xe máy thấp thế nào).
Cũng như ngành giao thông vận tải nước ta không nhanh chóng phát triển giao thông công cộng, chuyển giao công nghệ tàu điện 1 ray, đường sắt 1m45... mà lại hạn chế ôtô và để 30 triệu xe máy như hiện nay (1 xe máy 100cc tốn 3 lít xăng 100 km, trong khi xe ôtô 8 chỗ Isuzu 2500cc chỉ tốn 6 lít dầu 100 km là đủ thấy hiệu suất xe máy thấp thế nào).
Con số 30 triệu xe máy gây lãng phí hàng tỷ đô la nhiên liệu do hiệu suất thấp, đốt cháy không hết gây ra mưa axít, gây ung thư do ô nhiễm nghiêm trọng khiến ai cũng bị ảnh hưởng.
Hàng vạn người chết, bị thương hàng năm tạo nên một cái văn hóa xe máy hỗn loạn như một cái chợ. Nếu cứ vậy thì đến năm 2020 nước ta chỉ là nước công nghiệp xe máy.
Đặng Quốc Toản/ VnExpress