Trước bối cảnh thế giới đã có nhiều thay đổi trong hoạt động khai thác và nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch bao gồm dầu thô và khí đốt, việc sửa đổi Luật Dầu khí, bổ sung quy định về ưu đãi đầu tư là rất cần thiết, nhằm cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
Tuy nhiên, một điều nhà đầu tư đang rất băn khoăn là các dự án dầu khí đã và đang triển khai trước ngày Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực có được hưởng các ưu đãi theo quy định của Luật Dầu khí mới này hay không?
Nhiều dự án khí lớn chậm đưa vào khai thác do gặp các vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan trong quá trình triển khai. Ảnh: PVN |
Các chuyên gia cho rằng, việc cho phép các dự án dầu khí đã và đang triển khai trước ngày Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực được hưởng các ưu đãi theo quy định của Luật Dầu khí (sửa đổi) là phù hợp và cần bổ sung điều này vào Dự thảo Luật. Việc này cũng phù hợp với chính sách đảm bảo đầu tư cho các nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, phù hợp với bất kỳ hệ thống pháp luật nào trên thế giới về đảm bảo đầu tư; đồng thời cũng phù hợp với thực tiễn triển khai các hoạt động dầu khí, cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là nâng cao tính thực thi và hiệu lực của các chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
Do đó, việc bổ sung nội dung về đảm bảo đầu tư tại Điều khoản chuyển tiếp trong Luật Dầu khí (sửa đổi) là cần thiết, phù hợp và đảm bảo tính thống nhất trong quy định pháp luật đầu tư của hệ thống pháp luật Việt Nam.
Tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 13 Luật Đầu tư năm 2020 về Bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật đã quy định: Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư mới, ưu đãi đầu tư cao hơn thì nhà đầu tư hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án đầu tư, trừ ưu đãi đặc biệt đối với dự án đầu tư thuộc trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 20 của Luật này. Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng trước đó thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án đầu tư.
Ông Nguyễn Minh - Trưởng ban pháp lý và thương mại Eni Việt Nam cho rằng, “Mục đích của Luật Dầu khí là làm cho môi trường đầu tư dầu khí ngày càng tốt hơn để có thêm những nhà đầu tư mới và giữ lại những nhà đầu tư đang đầu tư tại Việt Nam, trong bối cảnh rất khó khăn của ngành Dầu khí trên toàn thế giới, mặc dù giá dầu đang có cải thiện nhưng xu hướng chuyển dịch năng lượng chi phối rất lớn.
Trong quá trình làm Luật Dầu khí, Eni Việt Nam đã tích cực góp ý cho dự thảo Luật. Những gì đạt được hôm nay chúng tôi đánh giá rất cao, có những điều khoản tốt hơn, khuyến khích cho đầu tư nhiều hơn. Chúng tôi mong muốn Luật Dầu khí đi vào thực tế sẽ góp phần giải quyết các vướng mắc hiện nay, góp phần sớm đưa các dự án vào khai thác, đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng cao của Việt Nam”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An trao đổi về phân cấp, phân quyền trong Luật Dầu khí (sửa đổi) tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) được tổ chức vào đầu tháng 8. Ảnh: PVN |
Tương tự, việc cho phép chuyển tiếp để áp dụng Luật Dầu khí (sửa đổi) nhằm tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn đang diễn ra trong hoạt động của ngành cũng đang được nhà đầu tư trông chờ.
Các chuyên gia cho rằng, việc áp dụng quy định về xử lý chi phí của Petrovietnam cũng cần được quy định tại Điều khoản chuyển tiếp để cho phép giải quyết được các vấn đề vướng mắc liên quan đã và đang phải xử lý trước thời điểm Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực.
Dự thảo Luật thực hiện phân cấp, phân quyền, giao cho Petrovietnam thực hiện các phần việc quản lý nhà nước về dầu khí đã được phân công, không liên quan đến vai trò của Petrovietnam với tư cách là doanh nghiệp, không ảnh hưởng đến quyền lợi của nước chủ nhà trong các hợp đồng dầu khí đã ký.
Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất và tính khả thi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền, và tháo gỡ các vướng mắc hiện hữu thì cần quy định việc xử lý chi phí của Petrovietnam theo quy định tại Khoản 4 Điều 63 được áp dụng đối với các hợp đồng dầu khí được ký kết trước ngày Luật Dầu khí mới có hiệu lực.
Ông Đặng Hoàng An – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, Luật Dầu khí (sửa đổi) có đặc thù là phân cấp, phân quyền trong trường hợp đặc biệt là với công ty dầu khí quốc gia - Petrovietnam. Việc giao quyền cho Petrovietnam bản chất là giao trách nhiệm, giao quyền đến đâu thì trách nhiệm đến đó, kèm theo là công tác kiểm tra, giám sát.
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng khẳng định, Petrovietnam là doanh nghiệp nhà nước, được nhà nước giao, ủy quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước là theo đúng tinh thần của Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) về phân cấp, phân quyền và cũng phù hợp với hệ thống pháp luật dầu khí ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tất nhiên, trong Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) cũng có kèm theo các cơ chế giám sát, như giám sát của Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ông Đỗ Ngọc Thanh - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dầu khí Việt Nhật (JVPC) trao đổi về vai trò của Petrovietnam trong hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào lĩnh vực Dầu khí tại Việt Nam. Ảnh: PVN |
Về vấn đề phân cấp, phân quyền cho Petrovietnam cũng nhận được sự đồng thuận rất cao của các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Đỗ Ngọc Thanh - Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Dầu khí Việt Nhật (JVPC) cho biết: “Trong mắt nhà đầu tư nước ngoài thì Petrovietnam chính là nhà nước Việt Nam, tại vì đây là cơ quan làm việc hằng ngày, trực tiếp và luôn có những đóng góp, hướng dẫn để chúng tôi làm việc một cách có hiệu quả trong việc kết nối với các ban, bộ, ngành và Chính phủ Việt Nam. Do đó, việc phân cấp, phân quyền cho Petrovietnam là rất cần trong hỗ trợ thúc đẩy hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực Dầu khí tại Việt Nam”.