Cần coi việc tự học là nhu cầu, thói quen hằng ngày

11/11/2023 06:30
Phạm Thùy Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cần coi việc tự học là nhu cầu, thói quen, hành vi hằng ngày, là một tiêu chuẩn, một giá trị đạo đức của con người Việt Nam trong thời đại mới.

Học là một quá trình tiếp thu bổ sung kiến thức, rèn luyện trí tuệ, hình thành cho bản thân năng lực tư duy phục vụ trong công việc cũng như cuộc sống.

Mục đích của việc học là học để hiểu, học để biết, học để làm việc, học để ứng dụng tạo ra các đóng góp có ích cho xã hội.

Xét đến vai trò của học tập, nâng cao trình độ đối với công tác cán bộ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Học để làm gì? Học để sửa chữa tư tưởng... Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng... Học để tin tưởng... Học để hành...”

Nhưng hiện nay, trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân ta có quan điểm cho rằng "không học cũng làm được" hay "không cần học cũng làm việc tốt"... Vậy, cần đánh giá, nhìn nhận như thế nào về vấn đề này.

Theo tôi, đây là một quan điểm sai lầm, thể hiện cách nhìn phiến diện, bao biện, chủ quan, bảo thủ, lười biếng, đi ngược lại với xu thế, quy luật giáo dục của nhân loại, của dân tộc Việt Nam, trái với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta về chủ trương xây dựng một xã hội học tập, học tập suốt đời.

Trước hết, quan điểm trên là biểu hiện của bệnh lười biếng, một căn bệnh xấu tiềm ẩn trong xã hội. Suốt lịch sử loài người, nhân loại đã sản sinh ra một kho tri thức khổng lồ về tự nhiên và xã hội. Những tri thức ấy được lưu truyền từ đời này sang đời khác qua nhiều hình thức. Muốn tiếp thu tinh hoa trí tuệ đó, con người chỉ có một con đường duy nhất là học suốt đời.

Người xưa đã từng dạy: “Nhân bất học, bất tri lý", nghĩa là người mà không học thì không biết điều hay, lẽ phải của cuộc đời. Con người ta khi sinh ra, phải học bò, rồi mới biết đi. Khi chưa có hiểu biết về cuộc sống, chưa biết làm gì cả, phải học từ việc nhỏ nhất, “học ăn, học nói, học gói, học mở” là vậy.

Lớn lên bắt đầu phải học đọc, học viết, học những kiến thức tự nhiên và xã hội để sinh tồn. Khi trưởng thành lại cần phải học để làm việc, để nuôi sống bản thân, gia đình và xã hội.

Lênin, người thầy vĩ đại của giai cấp công nhân, nhà tư tưởng vĩ đại của loài người đã chỉ dẫn: “Học, học nữa, học mãi”, hay nhà bác học Đác-uyn lừng danh cũng nói rằng: "Bác học không có nghĩa là ngừng học”.

Điều đó có nghĩa là ngay cả những người có trí tuệ uyên bác, có giỏi đến đâu chăng nữa vẫn cần phải học tập, tu dưỡng thường xuyên, suốt đời.

Các nhà khoa học đã nhận định: Tri thức của loài người ở thế kỷ XIX cứ 50 năm thì tăng gấp đôi, sang đầu thế kỷ XX cứ 30 năm tăng gấp đôi, vào giữa thế kỷ XX cứ 10 năm tăng gấp đôi, đến những năm 1970 cứ 5 năm tăng gấp đôi và đến những năm 1980 cứ 3 năm tăng gấp đôi.

Có thể nói, càng lùi vào quá khứ thì quãng thời gian nhân đôi tri thức càng lớn, đo bằng thế kỷ, thiên niên kỷ.

Nếu chúng ta ngừng học tập thì sẽ bị lạc hậu, tụt lùi, không đảm đương được các công việc được giao, không hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công.

Bác Hồ đã chỉ rõ: “Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu khó học thì lạc hậu, mà lạc hậu thì bị đào thải, tự mình đào thải mình”.

Người nói về tấm gương của chính mình và cũng là căn dặn tất cả chúng ta: "Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn, việc nhỏ, tôi phải tham gia. Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau".

Vậy, những ai cần phải học? Ai cũng phải học, không kể người sang hay hèn; giàu hay nghèo; quan chức hay nhân dân, không phân biệt nghề nghiệp, giới tính, tôn giáo, dân tộc...

Khi đã xác định việc học là một nhu cầu thì tự giác ai cũng phải học. Có những người cho rằng mình học như vậy là đã đủ rồi, đã giỏi rồi, không cần học nữa, hay mình già rồi không cần phải học, việc học chỉ dành cho giới trẻ thôi. Nghĩ như vậy là không đúng.

Bác Hồ là danh nhân văn hóa thế giới, trí tuệ uyên bác, kết tinh của tinh hoa văn hóa Việt Nam và thế giới chính là kết quả của quá trình tự học tập suốt đời.

Sinh thời, Bác đã nhắc nhở: “Bác thường nghe nói có đồng chí 40 tuổi đã cho mình là già nên ít chịu khó học tập. 40 tuổi chưa phải là già. Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”.

Thứ hai, quan điểm trên có biểu hiện của bệnh khinh lý luận, coi thường, xem nhẹ việc học tập. Trên thực tế, chúng ta thấy có những người không được học qua trường lớp nào nhưng vẫn có thể làm việc được. Điều đó không sai và rất đáng quý, đáng khâm phục và trân trọng. Nhưng những người đó vẫn phải học, họ học ở trường học cuộc đời, trường học thực tế, trường học nhân dân.

Những người có quan điểm cho rằng "không học vẫn làm được" đã mắc phải cái bệnh khinh lý luận, coi nhẹ, xao nhãng việc học tập.

Họ tách rời lý luận với thực tiễn. Cách làm như trên chỉ thích hợp với các công việc giản đơn, không cần nhiều đến trí tuệ.

Còn đối với những công việc phức tạp liên quan đến khoa học kĩ thuật thì cung cách làm việc ấy là lạc hậu, lỗi thời.

Họ quên rằng: nếu họ đã có kinh nghiệm mà lại biết thêm lý luận thì công việc tốt hơn nhiều. Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ. Muốn đạt hiệu quả trong mọi lĩnh vực, chúng ta bắt buộc phải học, phải được đào tạo chính theo từng chuyên ngành và trong suốt quá trình làm việc vẫn phải học tập không ngừng, bằng mọi hình thức khác nhau.

Rất nhiều trường hợp khi làm việc, quyết định những vấn đề quan trọng nhưng đã vi phạm, vướng vào vòng lao lý, khi ra trước tòa họ "giải thích" rằng "do lúc đó không nhận thức đúng", "do trình độ còn hạn chế".

Lời giải thích ấy có thể là sự "biện hộ", cũng có thể là họ nói thật lòng về trình độ của mình. Đó là lời cảnh tỉnh cho những ai đã và đang còn xem nhẹ việc học, xem thường tri thức, ganh ghét, đố kỵ, trù dập người tài.

Trong thời đại khoa học kĩ thuật phát triển với tốc độ nhanh như hiện nay, tri thức (chất xám) của con người là tiền đề vô cùng quan trọng. Có nắm vững lí thuyết, chúng ta mới làm được những công việc phức tạp.

Thực tế đã chỉ ra rằng, trong Top 10 tỷ phú giàu có nhất thế giới thì có đến 9 người là tỷ phú công nghệ, làm giàu từ chất xám của mình và của người khác. Đó cũng là xu hướng chung của thế giới. Bill Gates, Steve Jobs, Mark Zuckerberg, nếu không học hỏi, không biết về công nghệ, tri thức thì liệu có sáng lập và điều hành nổi Microsoft, Apple, Facebook không? Chắc chắn là không.

Thứ ba, đó còn là biểu hiện của căn bệnh kiêu căng, tự mãn. Họ luôn tỏ ra vẻ ta đây, cái gì cũng biết rồi, cái gì cũng giỏi rồi, rằng mình luôn giỏi hơn người khác nên không cần phải học tập, học hỏi từ ai cả. Từ đó sinh ra bảo thủ, trì trệ, đường mòn, không chịu đổi mới, không muốn đổi mới.

Chính tư tưởng bảo thủ đó như là những sợi dây cột chân cột tay người ta. Bởi tự cao, tự đại thì hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang vênh váo, cho ai cũng không bằng mình.

Không thèm học hỏi người khác, không muốn cho người ta phê bình. Việc gì cũng muốn làm thầy người khác.

Sinh thời, Bác Hồ đã nhắc nhở chúng ta: “Cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”.

Mà muốn biết thì phải học. Tính khiêm tốn yêu cầu người ta không được thỏa mãn với vốn kiến thức và thành tích đã đạt được.

Thứ tư, đó là biểu hiện của việc nói và viết không đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta về xây dựng xã hội học tập suốt đời.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII (1996) đã chỉ rõ: "Mọi cán bộ, đảng viên trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải có kế hoạch thường xuyên học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn... Lười học tập, lười suy nghĩ, không thường xuyên tiếp nhận những thông tin mới, những biểu hiện mới, cũng là biểu hiện của sự thoái hóa”.

Cũng trong năm 1996, UNESCO đã đưa ra triết lý giáo dục: "Học để biết, học để làm, học để tồn tại và học để chung sống", điều có nét tương đồng với triết lý giáo dục Hồ Chí Minh đã nói ngay từ năm 1949: "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ".

Hay gần đây nhất là Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 4 Khóa XII cũng chỉ rõ, một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị là: "Lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước".

Thực tế cho thấy, để “làm được” thông qua hai con đường cơ bản. Một là, bằng cách học tập trong sách vở, ở trường lớp; hai là, học qua thực tiễn, bằng kinh nghiệm, thực hành nhiều, làm đi làm lại nhiều lần thành kỹ năng, kinh nghiệm.

Nếu đơn thuần làm theo kỹ năng hoặc kinh nghiệm có sẵn thì công việc sẽ tiến triển chậm, hiệu quả không cao, thiếu cải tiến và sáng tạo. Cách làm như trên chỉ phù hợp với các công việc đơn giản, không cần nhiều trí tuệ. Có một số cá nhân không học nhiều vẫn giỏi, thành công và trở thành thiên tài.

Những cá nhân có tư chất thông minh, nhạy bén và linh hoạt trong nhận thức cũng như hành động nên đạt kết quả cao trong công việc. Tuy nhiên, chỉ tồn tại số rất ít người như vậy, được xem là “hiện tượng” của xã hội chứ không mang tính phổ quát trong xã hội.

Còn đại đa số công việc không học thì không thể làm được. Một cán bộ tuyên truyền nếu không được đào tạo kiến thức lý luận nền tảng, không thường xuyên học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước thì việc thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách không mang lại hiệu quả; một cán bộ học tập không đúng chuyên môn, chuyên ngành, không có kiến thức chuyên sâu lại được bố trí làm công tác lý luận, tuyên truyền, rồi bao biện cho quyết định của tổ chức và cá nhân mình, thậm chí còn cho rằng “không học vẫn làm được”.

Quan điểm "không học cũng làm được", hay "không học cũng làm được "quan" đã mắc phải nhiều căn bệnh nặng. Mà đã bệnh nặng thì quan trọng phải bắt đúng bệnh và uống đúng thuốc.

Bệnh thiếu kiến thức nền tảng, dẫn đến cán bộ khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, thiếu tính sáng tạo, non yếu trong việc vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng, khi đó cán bộ đó thực hiện nhiệm vụ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, dễ tuyệt đối hóa vai trò của kinh nghiệm, thậm chí có thể dẫn đến hạ thấp hoặc phủ nhận vai trò của lí luận, có nơi, có lúc mang tư tưởng coi thường lí luận, chỉ dựa vào kinh nghiệm để xét đoán và giải quyết công việc...

Để chữa được bệnh đó không có gì hay hơn bằng cách mỗi người chúng ta phải luôn coi trọng việc học, học tập mọi lúc, mọi nơi, học tập suốt đời để nâng cao trình độ hiểu biết mọi mặt, đáp ứng yêu cầu công việc và vị trí công tác của bản thân.

Trong đó cần coi việc tự học là nhu cầu, thói quen, hành vi hằng ngày, là một tiêu chuẩn, một giá trị đạo đức của con người Việt Nam trong thời đại mới.

Phạm Thùy Dương