Cần làm rõ Việt Á có được ai chống lưng không mà hoành hành thổi giá kit?

23/12/2021 06:40
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Đại biểu quốc hội, việc mua sắm bộ xét nghiệm Covid-19 phải qua quy trình thẩm định và phê duyệt, chứ không chỉ riêng CDC Hải Dương quyết định.

Liên quan đến vụ việc thổi giá bộ xét nghiệm Covid-19 của Công ty Cổ phần Công ty Việt Á (Công ty Việt Á), cơ quan điều tra đã khởi tố Phan Quốc Việt - Tổng giám đốc Công ty và các đồng phạm. Bên cạnh đó cơ quan điều tra đang điều tra mở rộng vụ án.

Trong vụ việc trên, nhiều người đặt câu hỏi tại sao Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hải Dương (CDC) lại có thể dễ dàng mua bộ xét nghiệm của Công ty Việt Á với giá trị đơn hàng 151 tỷ đồng, cá nhân Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến được nhận lại quả 30 tỷ đồng. Phải chăng có lỗ hổng trong quy trình xét duyệt, thẩm định đấu thầu mua sắm?

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội nhấn mạnh, thời điểm đất nước ta chống dịch như chống giặc, chủ trương để các tỉnh lựa chọn nhà thầu là đúng đắn. Tuy nhiên, để xảy ra việc địa phương và nhà thầu lợi dụng để tăng giá trang thiết bị y tế nhằm trục lợi, đây là hành vi vi phạm pháp luật hết sức trắng trợn, đáng lên án, cần xử lý nghiêm.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương. (Ảnh: TK)Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương. (Ảnh: TK)

Hiện nay, quy định của Đảng cũng rất chặt chẽ, nghiêm trị mọi hành vi vi phạm về đạo đức của cán bộ, đảng viên. Các cơ quan thực thi pháp luật cũng xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu mua sắm có sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên thời gian vừa qua, liên tục phát hiện sai phạm và khởi tố các vụ án liên quan tiêu cực tại Bệnh viện Tim Hà Nội, CDC Hà Nội, bây giờ là Việt Á với CDC Hải Dương…

“Ngân sách nhà nước chính là tiền thuế do người dân đóng góp, được các địa phương chi cho việc mua sắm trang thiết bị y tế, trong đó có bộ xét nghiệm để phòng chống Covid-19. Vậy nhưng cơ quan trực tiếp thực thi, CDC Hải Dương lại thông đồng để đẩy giá bộ xét nghiệm, khiến ngân sách nhà nước bị thất thoát, người dân và bệnh nhân phải gánh hậu quả", ông Hòa chia sẻ.

Đại biểu quốc hội Phạm Văn Hòa nhận định, trong vụ việc vừa qua, Giám đốc CDC Hải Dương đã không vượt qua được sự cám dỗ quá lớn, khi được nhận lại quả gần 30 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% giá trị của gói thầu 151 tỷ đồng.

“Việc Giám đốc CDC Hải Dương nhận lại quả khoảng 30 tỷ đồng, là ngoài sức tưởng tượng của tôi. Tôi nghĩ rằng không chỉ riêng Giám đốc CDC Hải Dương nhận cả khoản tiền này, nên cơ quan điều tra phải làm rõ vấn đề này. Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ tại các CDC khác trên cả nước”.

Đại biểu quốc hội đánh giá, vụ án này cần đưa vào diện do Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương trực tiếp chỉ đạo sẽ quyết liệt hơn. Bởi tính chất của vụ án này và hậu quả nó gây ra với xã hội là rất lớn.

Đại biểu Hòa cho rằng, vụ án trên cũng là bài học kinh nghiệm xương máu quý báu trong chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện việc mua sắm phụ vụ phòng chống Covid-19.

Ông Hòa cũng đặt ra câu hỏi là tại sao Công ty Việt Á lại cung cấp trang thiết bị y tế cho nhiều tỉnh thành. Phải chăng có sự chống lưng của ai đó để công ty này hoành hành, làm ăn phi pháp như vậy.

Chia sẻ quan điểm về vụ việc trên, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) cho hay, qua báo chí thông tin, thì còn rất nhiều tỉnh mua sắm bộ xét nghiệm của Việt Á, thậm chí có tỉnh còn mua giá cao hơn của CDC Hải Dương. Vì vậy, chắc chắn vụ việc sẽ được tiếp tục điều tra mở rộng.

“Tôi đánh giá, trong lúc bà con đang lao đao vì Covid-19, thì việc thổi giá bộ xét nghiệm là hành vi bất nhân, trái ngược với đạo lí của Việt Nam. Điều này đã đổ gánh nặng lên vai người dân, bệnh nhân mắc Covid-19. Đó là hành vi không thể nào chấp nhận được và phải vào cuộc thật sớm và xử lý thật nghiêm”, ông Tiến cho hay.

Bên cạnh đó, ông Tiến cũng nhận định, quy trình đấu thầu mua sắm với giá trị hàng hóa lớn như vậy không thể chỉ có một lãnh đạo là Giám đốc CDC Hải Dương làm được, bởi vì trước khi được phê duyệt mua bộ xét nghiệm thì phải có thẩm định của Sở Tài chính và phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Ông Tiến nhận định, một mình Giám đốc CDC Hải Dương không thể làm được. Vì vậy, cơ quan điều tra cần sơm làm rõ trách nhiệm liên quan của các cá nhân.

“Để tránh lặp lại những sai lầm trên, chúng ta không được buông lỏng kiểm tra, thanh tra trong việc mua sắm thiết bị y tế. Trong một đơn vị còn có rất nhiều cơ quan tổ chức kiểm tra, giám sát như Đảng ủy, các tổ chức đoàn thể, bộ phận thanh tra… nhưng lại không phát hiện tố giác một vài người tự tung tự tác như vậy thì chúng ta phải xem lại”, ông Tiến nhấn mạnh.

Mạnh Đoàn