Ngày 13/6, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước.
Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - đoàn Thành phố Hà Nội đề cập đến các giải pháp phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai. Ảnh: Quochoi.vn |
Theo đại biểu, có thể nói 6 tháng qua là khoảng thời gian đáng nhớ trong lịch sử nhân loại. Đó là những ngày tháng mà cả thế giới phải chống chọi với dịch bệnh, đó là những ngày tháng mà cuộc chiến giữa sự sống và chết diễn ra hơn lúc nào hết.
Chính từ những ngày tháng đó đất nước của chúng ta, một đất nước chưa giàu về kinh tế, chưa mạnh về công nghệ nhưng đã một lần nữa lại tỏa sáng bởi ý chí của dân tộc, bởi sự cố gắng của mỗi người dân, sự điều hành đúng đắn của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và sự đồng hành của Quốc hội.
Trong đó, có những ngày tháng Quốc hội luôn sát cánh bên Chính phủ trong những thời khắc khó khăn nhất.
Thế giới thì ca ngợi chúng ta. Tờ tạp chí The Washington Post là cơ quan thông tin hàng đầu của Mỹ đã nói về Việt Nam, đó là “Câu chuyện thành công ngoại lệ” và đặc biệt chúng ta đã đứng đầu trong danh sách các nước khi khảo sát về lòng tin của người dân trong đại dịch COVID đối với Chính phủ.
Chúng ta tự hào nhưng cũng ý thức được rất rõ những khó khăn, thách thức trong giai đoạn tới đây.
Đại biểu tán thành với rất nhiều giải pháp của Chính phủ. Tuy nhiên, về một số giải pháp đại biểu cũng muốn được trao đổi thêm.
Thứ nhất là về lĩnh vực đầu tư công. Năm 2020 là năm cuối cùng của kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 và những nhiệm vụ mà 4 năm trước chúng ta chưa thực hiện được thì sẽ là áp lực rất lớn đối với 6 tháng còn lại.
Tiến độ giải ngân đã có chuyển biến nhưng cũng chưa đạt yêu cầu. Đến hết Quý I vẫn còn 29 bộ, ngành, địa phương có số giải ngân dưới 5%.
Có rất nhiều ý kiến cho rằng đẩy nhanh tiến độ giải ngân là yếu tố quan trọng. Quan điểm đó hoàn toàn đúng, nhưng theo đại biểu là chưa đủ.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nếu như giải ngân tăng 1% thì GDP tăng 0,06%. Nếu hạ một lần chỉ số ICO thì GDP tăng 1,42%.
Như vậy, giải pháp chúng ta phải theo đuổi lâu dài đó phải là nâng cao hiệu quả vốn đầu tư chứ không phải giải ngân bằng mọi giá.
Liên quan đến đường cao tốc Bắc - Nam, đại biểu cho hay, chiều ngày 12/6, các đại biểu nhận được Tờ trình số 290.
Tại tờ trình này có điểm mới liên quan đến đường cao tốc Bắc - Nam.
Tại Tờ trình số 282, Chính phủ đề nghị đối với 5 dự án thành phần còn lại sẽ đầu tư theo hình thức PPP.
Tuy nhiên, trong Tờ trình 290 đề cập Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu và sẽ báo cáo Quốc hội sau.
"Tôi nghĩ đây là vấn đề lớn liên quan đến tiến độ và hiệu quả dự án. Nếu như có thể được thì rất mong Chính phủ khẳng định rõ quan điểm về vấn đề này", đại biểu nêu.
Liên quan đến kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách và việc trước mắt chưa ban hành nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ vốn đầu tư công.
Hiện nay, Nghị quyết 1023 về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công đã không còn phù hợp với Luật Đầu tư công hiện hành.
Nếu như chúng ta không có văn bản thay thế thì sẽ không có căn cứ để xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2021. Vì vậy, đại biểu đề nghị có biện pháp xử lý.
Liên quan đến nhóm giải pháp về thuế. Tại kỳ họp này Chính phủ cũng đề xuất một số giải pháp liên quan đến miễn, giảm thuế, bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt vào tháng 10 và thuế bảo vệ môi trường, trước đó ban hành nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân.
Có thể nói, những chính sách thuế này có tác dụng động viên rất lớn. Tuy nhiên, xét về lâu dài đại biểu cho rằng cần phải tính toán thận trọng để đảm bảo một số nguyên tắc cơ bản sau đây:
Thứ nhất, phải đảm bảo cân đối thu chi và bảo đảm tỷ lệ động viên từ thuế, phí, lệ phí vào ngân sách nhà nước.
Hiện nay, việc giảm thuế có tác động lớn đến ngân sách nhà nước. Riêng năm 2020 giảm thuế thu nhập cá nhân là 10.800 tỷ, thuế thu nhập doanh nghiệp là 10.300 tỷ, đó là chưa tính đến thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước từ thuế, phí, lệ phí cũng đang rất thấp so với các nước trong khu vực, hiện nay chỉ đạt 21,1% và với tiến độ giảm thuế dài hạn và trên diện rộng sẽ tác động rất lớn đến tính an toàn và tính ổn định của ngân sách nhà nước và cũng phá vỡ tính trung lập của chính sách thuế.
Nguyên tắc thứ hai, đó là việc miễn, giảm thuế phải đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, phải hướng đến những người khó khăn nhất và đảm bảo tỷ lệ thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Hiện nay, các chính sách về thuế thu nhập cơ bản thông qua việc giảm trừ gia cảnh thì mới có tác động lớn đến những người mà trong bối cảnh dịch bệnh vẫn có thu nhập cao.
Còn chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp thì đang hướng đến những doanh nghiệp mà trong dịch bệnh cũng vẫn có doanh thu. Trong khi đó thì còn rất nhiều doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động hoặc kinh doanh nhưng chưa có lãi.
Vấn đề cuối cùng đó là liên quan đến khoảng cách giàu nghèo. Hiện nay khoảng cách giàu nghèo trong xã hội Việt Nam có xu hướng gia tăng.
Năm 2014 khoảng cách này là 9,7 lần, nhưng năm 2018 khoảng cách này là 10 lần. Và trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, nếu như không có chính sách phù hợp thì rất có thể khoảng cách này sẽ còn gia tăng.
Cũng liên quan đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Nguyễn Thanh Hải - đoàn Tiền Giang nhấn mạnh với tình hình bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước hiện nay, đại biểu thống nhất cao với việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ở thời điểm này là nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Đây là giải pháp tác động tổng cầu, nghiên cứu đề xuất của các cơ quan có thẩm quyền từ trung ương và địa phương xem xét, điều chỉnh chuyển vốn đầu tư công từ dự án chậm giải ngân sang dự án khác.
"Tuy nhiên, cần lưu ý phải xây dựng bộ tiêu chí cụ thể, rõ ràng để tránh cơ chế xin - cho tiêu cực có thể xảy ra.
Đẩy mạnh việc giải ngân vốn đầu tư công thời điểm hiện nay, tôi cũng xin đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp hiệu quả, nghiên cứu tháo gỡ rào cản liên quan đến thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng để thu hút đầu tư của tư nhân.
Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 29/5/2020 tín dụng tăng trưởng mới chỉ đạt 1,96% so với cuối năm 2019, tỷ lệ rất thấp so với mức tăng trưởng 5,71% của 5 tháng đầu năm 2019.
Tuy nhiên, đi kèm với đó là việc theo dõi sát diễn biến của nợ xấu tiềm ẩn và có những biện pháp cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, điều chỉnh thời hạn trả nợ", đại biểu Hải nói.