Tiếp theo phần 2 và hết: Những "hạt sạn" cần bỏ trong triển khai Chiến lược biển Việt Nam
Xuất phát từ vai trò, vị trí địa - chính trị, địa - kinh tế, địa - chiến lược của biển đảo Việt Nam trong bối cảnh hiện nay và căn cứ vào những thành tựu cũng như những hạn chế của quá trình hoàn thiện, ban hành chủ trương, chính sách và pháp luật về biển của Việt Nam, cũng như công tác tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian qua, việc nghiên cứu đề xuất những định hướng để hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật quản lý phát triển biển Việt Nam trong tình hình hiện nay là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, thiết thực và cầu thị. Cụ thể là:
Trên cơ sở kế thừa Chiến lược biển đã được ban hành, cần sửa chữa, bổ sung, hoàn chỉnh Chiến lược biển, đảo Việt Nam mới sao cho phù hợp với những định hướng tổng quát ở tầm vĩ mô và những mục tiêu quản lý tổng hợp biển, đảo quốc gia.
Đặc biệt, trong tình trạng có những tranh chấp phức tạp đang diễn ra trong Biển Đông, chiến lược đó cần ưu tiên cho việc tạo ra môi trường chính trị, pháp lý ổn định để triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo Việt Nam.
Bài học cho Việt Nam trong đàm phán với Trung Quốc về Biển Đông |
Hoàn thiện chính sách, pháp luật quản lý theo ngành, theo lãnh thổ; khắc phục những bất cập của cơ chế quản lý theo ngành trong thời gian qua.
Rà soát, hệ thống hóa các văn bản pháp luật về biển; sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp;
Ban hành các văn bản pháp luật mới về biển, đảo nhằm từng bước tiến hành xây dựng một hệ thống đồng bộ các luật và văn bản quy phạm pháp luật về biển, đảo có giá trị pháp lý cao, điều chỉnh các lĩnh vực hoạt động trên biển, trên cơ sở phù hợp với pháp luật và tình hình thực tiễn quốc tế, thể hiện rõ quan điểm, lập trường và đáp ứng yêu cầu của Nhà nước ta trong công tác quản lý, khai thác, đấu tranh bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong Biển Đông.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, chủ động, thường xuyên và có hệ thống trong nhân dân nhằm nâng cao và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, giáo viên, sinh viên, học sinh các cấp… về vị trí, vai trò của biển đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, gắn với nhiệm vụ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong Biển Đông;
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay.
Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ của cán bộ các cấp, của nhân dân, đặc biệt là ngư dân, thế hệ trẻ;
Có chính sách ưu tiên, thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn về quản lý, khai thác, sử dụng và về chính trị, pháp lý nhằm hỗ trợ công tác quản lý, công tác xây dựng pháp luật cũng như hoạt động đấu tranh bảo các quyền hợp pháp của Việt Nam trong Biển Đông.
Tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế về biển để tranh thủ công nghệ tiên tiến, thu hút thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế, khoa học - công nghệ biển, cho khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên biển, quản lý và bảo vệ môi trường biển.
Nâng cao năng lực canh tranh của các ngành kinh tế biển và sản phẩm biển của Việt Nam trên trường quốc tế;
Tham gia ký kết các điều ước quan trọng về biển, trở thành thành viên đầy đủ của cộng đồng quốc tế, hành xử theo luật pháp quốc tế, đặc biệt phải tính đến việc Việt Nam nhanh chóng có kế hoạch thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình tại khu vực “biển cả” (high sea) và “vùng” (Zones-Đáy và lòng đất dưới đáy nằm ngoài giới hạn thềm lục địa của quốc gia ven biển) theo quy định của UNCLOS 1982.
Mở rộng giao lưu, hợp tác khu vực và quốc tế về biển. Chủ động đàm phán, đối thoại với các quốc gia về các vấn đề liên quan đến biển của Việt Nam trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển, giữ vững sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Hợp tác trên Biển Đông theo đúng UNCLOS 1982, Trung Quốc có dám? |
Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế biển hợp lý gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân.
Khuyến khích nhân dân định cư ổn định trên các hải đảo và hoạt động dài ngày trên biển.
Triển khai quy hoạch khai thác, sử dụng biển và hải đảo ở các cấp độ khác nhau, tiến tới chấm dứt việc khai thác tự phát, giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích trong sử dụng giữa các ngành, các địa phương.
Đẩy mạnh điều tra cơ bản và phát triển khoa học - công nghệ biển mạnh và hiện đại; tăng cường năng lực giám sát, quan trắc, giảm thiểu và xử lý các thảm họa thiên tai, sự cố môi trường biển, ven biển và hải đảo.
Đảm bảo chất lượng môi trường biển cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Phòng ngừa và sẵn sàng ứng cứu các sự cố môi trường biển. Ngăn ngừa suy thoái, phục hồi hệ sinh thái biển, hải đảo.
Chủ động phòng ngừa và thực thi các biện pháp thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến vùng ven biển, biển và hải đảo. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trước tác động của biến đổi khí hậu.
Cơ quan quản lý nhà nước về biển đảo phải đảm bảo tính tập trung, thống nhất, vừa làm nhiệm vụ tham mưu trực tiếp, kịp thời cho lãnh đạo tối cao của đất nước, vừa trực tiếp điều phối, phối hợp liên ngành trong việc triển khai các nội dung của Chiến lược biển, đảo.
Vì vậy, cần xem xét và tái cấu trúc lại hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về biển, đảo và tăng cường sức mạnh về phương tiện, khí tài, cũng như trình độ, năng lực quản lý, chỉ huy tác chiến của các cơ quan, lực lượng quản lý, bảo vệ, thực thi pháp luật, giữ gìn trật tự, an ninh, an toàn trên biển, đảo, nhất là trong tình hình có những tranh chấp phức tạp, đan xen và nhạy cảm đang diễn ra trong Biển Đông.
Tài liệu tham khảo:
1. Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
2. Vũ Quang Việt (2005),"Vấn đề tranh chấp biển Đông", tạp chí Thời Đại Mới Số 4 - Tháng 3/2005.
3. PGS.TS. Nguyễn Bá Diến, “Các vùng khai thác chung trong Luật Quốc tế hiện đại”, tạp chí Khoa học.
4. Nguyễn Hồng Thao, “Nhứng điều cần biết về Luật Biển”, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 1997.
5. PGS.TS. Nguyễn Bá Diến (chủ biên), Hợp tác khai thác chung trong Luật Biển quốc tế”, NXB Tư pháp, 2009.
6. Biển Đông và tầm quan trọng chiến lược của các nước trong khu vực, đăng tải trên trang web http://www.nhontrach-dongnai.gov.vn.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam, 2007. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Hà Nội.
8. Nguyễn Thanh Minh, 2011. Tiềm năng biển Việt Nam và chính sách hợp tác quốc tế về biển trong thập niên đầu thế kỷ XXI. Nxb. Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội. 2011. Bàn về các nguyên tắc cơ bản của Chiến lược biển Việt Nam trong thế kỷ XXI, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 7.
9. Vũ Dương Ninh, 2007. Việt Nam - Thế giới và sự hội nhập (một số công trình tuyển chọn). Nxb. Giáo dục, Hà Nội; Những định hướng cơ bản của chiến lượcbiển Việt Nam.
10. Infonet : “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 như thế nào?” 10:27 - 05/05/2014 Hồng Chuyên (chọn đăng),
11. Ban Biên giới của Chính phủ, 1994, “Cơ sở khoa học cho việc xác định ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam”,Ủy ban Biên giới Quốc gia - Bộ Ngoại giao, “Giới thiệu một số vấn đề cơ bản của luật biển ở Việt Nam”, NXB: Chính trị Quốc gia, 2004.
12. Vụ Biển, Ban Biên giới của Chính phủ (2000), Tài liệu nghiên cứu về hợp tác khai thác chung thềm lục địa chồng lấn Việt Nam – Malaysia,
13. HỒNG THỦY, giaoduc.net.vn, 19/03/18: “Đánh giá của học giả Trung Quốc về chiến lược của Việt Nam ở Biển Đông.”
14. Tiệp Nguyễn / Viet times, Thứ Hai, ngày 25/6/2018 - 04:22 Báo Mỹ: “Việt Nam đã có chiến lược chiến thắng kẻ địch trên Biển Đông”.