Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Hoàng Linh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội); Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam đã có những chia sẻ về chuyện “bắt lửa” và “giữ lửa” với đam mê toán học, cũng như đối với các bộ môn khoa học cơ bản nói chung.
Được “truyền lửa” từ tấm gương các thầy cô
Xuất phát từ một cựu học sinh khối chuyên Toán, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Hoàng Linh đã có những chia sẻ về tầm quan trọng của môi trường trong việc hình thành và nuôi dưỡng đam mê với toán học.
“Khi tôi còn là học sinh phổ thông, sự hấp dẫn của toán học đơn giản đến từ những kiến thức mới, những bài toán hay, những ý tưởng và lời giải đẹp, thậm chí là cả từ những tranh luận, thách đố vui với bạn bè.
Chính vì thế, vai trò của thầy cô giáo dạy toán ở bậc phổ thông rất quan trọng khi khơi dậy sự tò mò và quan tâm của học sinh, truyền đạt được kiến thức cần thiết một cách có hệ thống, đồng thời phát hiện và bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu.
Việc sau này tôi tiếp tục theo đuổi con đường học tập, nghiên cứu toán học, một phần do tấm gương của các thầy cô giáo mình được học từ bậc phổ thông đến đại học, phần khác do sự may mắn khi có được cơ hội học tập, nghiên cứu chuyên sâu” - thầy Linh tâm sự.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Hoàng Linh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội); Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam chia sẻ, cảm hứng tiếp tục theo đuổi con đường học tập, nghiên cứu toán học, một phần do tấm gương của các thầy cô giáo được học từ bậc phổ thông đến đại học. Ảnh: Mộc Trà. |
Trước một số quan điểm cho rằng toán học khá “khô khan”, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam cũng có một số chia sẻ muốn gửi gắm đến những người trẻ: “Hội Toán học Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tự nguyện của các tổ chức, công dân Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giảng dạy, đào tạo, phổ biến, ứng dụng toán học và liên quan. Vì thế, cộng đồng những người đam mê, yêu thích và làm việc trong lĩnh vực này cần chung tay để nền toán học Việt Nam ngày càng phát triển.
Nếu không yêu thích, không thấy được vẻ đẹp của toán học, đặc biệt, nếu không thấy được những ứng dụng của toán học trong cuộc sống hàng ngày thì đúng là toán học dường như khá “khô khan”, chỉ là những con số, công thức, hình vẽ,… nhàm chán. Chính vì vậy, việc quảng bá để thấy toán học gần gũi với cuộc sống là một việc làm rất quan trọng”.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Hoàng Linh, gần đây, trong khuôn khổ Chương trình trọng điểm Quốc gia phát triển toán học, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán phối hợp với Hội Toán học Việt Nam và các trường đại học, Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động như vậy, ví dụ ngày hội toán học mở hay các chuỗi bài giảng đại chúng về ứng dụng toán học.
“Những hoạt động như vậy sẽ giúp các bạn học sinh, sinh viên không còn cảm thấy “sợ” toán, có thể sau này không phải ai cũng sẽ theo đuổi toán học nhưng mọi người sẽ có thêm hiểu biết về toán học và những ứng dụng của toán học” - thầy Linh đánh giá.
Cần thay đổi từ nội dung, phương pháp giảng dạy toán học từ phổ thông đến đại học
Tại Hội nghị Toán học toàn quốc lần thứ X (năm 2023), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã khẳng định toán học, giáo dục toán học là một hợp phần hết sức quan trọng của nền giáo dục.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, ngày nay khi có các điều kiện tốt hơn, nền giáo dục hướng đến toàn diện; để cải thiện, tạo ra chất lượng giáo dục cần rất nhiều yếu tố, tuy nhiên vai trò của toán học vẫn là một trụ đỡ hết sức quan trọng và lâu dài. Để thực hiện mục tiêu đó, giáo dục cần một sự đổi mới có tầm vĩ mô: Đổi mới ở triết lý và định hướng chương trình đồng thời cần đổi mới từng phần, từng nội dung của giáo dục. Trong đó, toán học vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng nhưng toán học, giáo dục toán học “cần một phen đổi mới”.
Trước những chia sẻ trên của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Hoàng Linh bày tỏ: “Những hoạt động chính liên quan đến toán học bao gồm giảng dạy, nghiên cứu và ứng dụng toán học. Mặc dù có thể nói là trình độ toán học của học sinh phổ thông Việt Nam là khá tốt so với mặt bằng chung của các nước khác trên thế giới. Và thời gian gần đây, số lượng công bố quốc tế của các nhà toán học Việt Nam làm việc trong nước tăng rõ rệt, đúng là cần nhìn nhận, đánh giá lại các hoạt động giáo dục, nghiên cứu liên quan đến toán học ở trong nước.
Để toán học thực sự có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là đóng góp cho sự phát triển khoa học - công nghệ, cần có sự thay đổi từ nội dung, phương pháp giảng dạy toán học các bậc từ phổ thông đến đại học, đẩy mạnh hơn nữa các nghiên cứu mang tính ứng dụng, học hỏi việc “làm toán” ở các nước công nghiệp phát triển.
Hội Toán học Việt Nam sẵn sàng chung tay cùng cơ quan quản lý, các cơ sở giáo dục và nghiên cứu để cùng có những hoạt động hiệu quả, góp phần đổi mới và phát triển toán học Việt Nam. Hội cũng có kế hoạch tổ chức một số buổi tọa đàm để lắng nghe ý kiến, góc nhìn khác của các bên liên quan, của cả những người từng học toán, không làm toán chuyên nghiệp nhưng có hiểu biết và quan tâm đến sự phát triển toán học ở Việt Nam”.
Sinh viên khoa Toán - Cơ -Tin học (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Mộc Trà. |
Bên cạnh đó, theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Hoàng Linh, Đại hội Đại biểu Hội Toán học Việt Nam lần thứ IX tổ chức tháng 8 năm 2023 đã thảo luận và xác định phương hướng hoạt động của Hội trong giai đoạn 2023-2028, trong đó một số công việc then chốt được đề cập như:
Một là, tích cực phối hợp, tham gia Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2021 đến 2030, trong đó đặc biệt chú trọng việc phối hợp với Viện Nghiên cứu cao cấp Toán, Viện Toán học (Viện Hàn lâm Khoa học - công nghệ Việt Nam) và các trường đại học trọng điểm trong các hoạt động chuyên môn.
Hai là, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng toán học, đề xuất với các bộ, ban, ngành các đề tài nghiên cứu cấp quốc gia về ứng dụng toán học trong các ngành lĩnh vực để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuyên truyền quảng bá ứng dụng toán học.
Ba là, động viên các nhà toán học, đặc biệt là các giảng viên trẻ của các trường đại học, đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu toán học. Có giải pháp phát triển đội ngũ giáo sư, phó giáo sư trẻ và đội ngũ các nhà toán học nữ.
Bốn là, nâng cao chất lượng của hai tạp chí Acta Mathematica Vietnamica và Vietnam Journal of Mathematics, đưa hai tạp chí này vào danh sách ISI; Hỗ trợ phát triển Tạp chí Pi: tổ chức tuyên truyền quảng bá, huy động hội viên viết bài, đẩy mạnh sâu rộng việc đưa Pi vào giảng dạy - học tập trong nhà trường phổ thông và khoa toán các trường sư phạm,...
Năm là, duy trì và nâng cao chất lượng phong trào thi Olympic và phát hiện tài năng của Hội, cụ thể là kỳ thi Olympic Toán học sinh viên - học sinh và kỳ thi Thách thức tài năng toán học trẻ.
Sáu là, chủ động tham gia công tác phản biện một cách tích cực về các chính sách khoa học và giáo dục, đặc biệt là vấn đề thời lượng, nội dung, phương pháp giảng dạy các môn toán trong chương trình đào tạo bậc đại học và sau đại học.
“Ban chấp hành Hội Toán học Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 sẽ sớm bàn bạc, trao đổi để xây dựng kế hoạch công tác cụ thể, triển khai thành công các hoạt động nói trên” - Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Hoàng Linh thông tin thêm.
Sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Mộc Trà. |
Phát huy vai trò là nơi ươm mầm tài năng trẻ trong khoa học tự nhiên
Chia sẻ về những định hướng sắp tới của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) trong việc nâng cao chất lượng đào tạo cũng như khích lệ người học đối với toán học nói riêng cũng như các ngành khoa học cơ bản khác, vị Hiệu trưởng cũng nhấn mạnh, nhà trường kế thừa truyền thống của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây, là cơ sở giáo dục đại học hàng đầu Việt Nam trong khoa học cơ bản.
Theo đó, thế mạnh của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) là đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học trình độ cao và sự kết hợp công tác đào tạo với nghiên cứu. Hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng của nhà trường hoạt động từ năm 1997 đến nay là nơi ươm mầm các tài năng trẻ trong khoa học tự nhiên, bao gồm toán học, vật lý, hóa học và sinh học.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Hoàng Linh, nếu không yêu thích, không thấy được vẻ đẹp của toán học, đặc biệt, nếu không thấy được những ứng dụng của toán học trong cuộc sống hàng ngày thì đúng là toán học dường như khá “khô khan”, chỉ là những con số, công thức, hình vẽ,… nhàm chán. Ảnh: Mộc Trà. |
Bên cạnh việc đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy, nhà trường cũng tích cực triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế, tạo điều kiện để đội ngũ giảng viên trẻ được bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, tham gia các đề tài, dự án nghiên cứu, tích lũy các điều kiện đạt chuẩn chức danh phó giáo sư, giáo sư.
“Để khích lệ người học đối với toán học nói riêng cũng như các ngành khoa học cơ bản khác, nhà trường đảm bảo để sinh viên có điều kiện học tập với các giảng viên xuất sắc, có cơ hội nhận học bổng từ nhiều nguồn và chương trình khác nhau, được tham gia các hoạt động khoa học ngay khi là sinh viên, trải nghiệm các chương trình trao đổi sinh viên, hoạt động hợp tác quốc tế,...” - vị Hiệu trưởng cho biết thêm.