Hiện nay, công tác chuẩn bị cho bầu cử đều được các địa phương thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ và quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thời gian từ nay đến ngày bầu cử 22.5 không còn nhiều.
Thời gian càng khẩn trương, các địa phương càng phải thận trọng, chu đáo, bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra thật sự an toàn, dân chủ, tiết kiệm và thành công...
Đó là lưu ý của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân đối với 3 tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang và An Giang trong chuyến giám sát, kiểm tra công tác chuẩn bị cho bầu cử vừa qua.
Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân kiểm tra công tác bầu cử tại Hậu Giang. |
Xử lý dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo
Một trong những điểm đáng ghi nhận tại 3 tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, và An Giang trong tổ chức thực hiện các công việc chuẩn bị cho bầu cử là kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Hậu Giang Huỳnh Thanh Tạo cho biết, tính đến ngày 4.5, toàn bộ 17 đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn đã được giải quyết xong.
Để xử lý các đơn thư khiếu nại, tố cáo, Ủy ban Bầu cử tỉnh đã giao Ủy ban Bầu cử và Ban Bầu cử cấp huyện, xã xử lý.
Đối với các đơn thư khiếu nại, tố cáo nặc danh về nguyên tắc là không xem xét, song Ủy ban Bầu cử tỉnh Hậu Giang xác định, dù là nặc danh nhưng ẩn chứa trong đó có sự không hài lòng từ cử tri và người dân về một số ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp.
Vì thế, những đơn thư như vậy cũng được giao cho Ủy ban Bầu cử các cấp chỉ đạo thực hiện xử lý hết.
Còn đối với Kiên Giang và An Giang, về cơ bản các đơn thư khiếu nại, tố cáo đều đã được xử lý triệt để, công khai. Còn một số đang chờ xác minh, làm rõ, nhưng chủ yếu tập trung vào ứng cử viên đại biểu HĐND cấp xã, không có đơn thư nào đối với ứng cử viên ĐBQH Khóa XIV và đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện.
Đánh giá cao những kết quả 3 địa phương đã làm được, Đoàn giám sát chỉ rõ, việc giải quyết tốt những vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến bầu cử là một trong những điều kiện quan trọng tạo ra niềm tin và sự đồng thuận cao trong nhân dân đối với các ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp trong ngày bầu cử sắp tới.
Đồng tình với các thành viên Đoàn giám sát, song Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý các địa phương không được chủ quan mà cần tiếp tục theo dõi đối với tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn.
Bởi có thể những khiếu nại, tố cáo đó không đơn thuần liên quan đến bầu cử mà có khi lại phản ánh vấn đề trong đời sống nhân dân.
Chính vì vậy, dù ngày 12.5 mới là hạn cuối cùng nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến bầu cử, nhưng để cử tri yên tâm và dành sự ủng hộ cao nhất cho cuộc bầu cử, các địa phương cần tiếp tục tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo, dù ở trong lĩnh vực nào.
Đồng thời, thông báo rõ với cử tri và nhân dân thời gian giải quyết các đơn thư đó. Có như vậy, cử tri và nhân dân biết được đơn thư đã được chính quyền tiếp nhận hay chưa và khi nào xử lý.
Ưu tiên tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ tại tổ bầu cử
Đến giai đoạn tăng tốc và chuẩn bị về đích hiện nay, khi chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến ngày bầu cử, nội dung được đoàn giám sát quan tâm tại cả 3 tỉnh là việc tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho các tổ phụ trách bầu cử trên địa bàn. Thực tế giám sát tại 3 tỉnh cho thấy, đến ngày 8.5, hầu như việc tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ tại các tổ bầu cử để hướng dẫn cử tri đi bỏ phiếu đúng thời gian và quy định chưa triển khai được bao nhiêu.
Trong khi đó, số lượng tổ bầu cử và cử tri ở cả 3 tỉnh đều khá lớn. Hậu Giang hiện có 877 tổ bầu cử, với tổng số cử tri là 558.726 người; Kiên Giang là 1.848 tổ bầu cử với danh sách cử tri được lập và niêm yết là 1.186.760 người; An Giang là 1.448 tổ, với 1.665.712 cử tri.
Với số lượng tổ bầu cử và cử tri nhiều như vậy liệu có bảo đảm tất cả các tổ bầu cử đều đã nắm rõ nguyên tắc và quy định của pháp luật về bầu cử hay chưa? Thực tế các cuộc bầu cử trước cho thấy, nếu các tổ bầu cử để xảy ra sai sót trong quá trình cử tri bỏ phiếu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả của cuộc bầu cử.
Chỉ rõ nguy cơ này, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Lê Minh Thông đề nghị, trong thời gian còn lại của công tác chuẩn bị cho bầu cử, các địa phương cần ưu tiên tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ tại các tổ bầu cử.
Nội dung tập huấn tập trung vào việc hướng dẫn các biểu mẫu, công tác thống kê, báo cáo cũng như nhiệm vụ và công tác cần chuẩn bị trước, trong và sau ngày bầu cử.
Đối tượng tập huấn cần lưu ý là Tổ trưởng các Tổ bầu cử. Nếu khâu tập huấn được làm tốt, chắc chắn sẽ hạn chế tối đa tình trạng nhầm lẫn, ghi sai quy định hoặc sai quy trình trong ngày bầu cử 22.5 sắp tới.
Trong suốt mấy tháng qua, các địa phương đã tiến hành các bước chuẩn bị cho bầu cử đúng tiến độ, đúng pháp luật và hướng dẫn của Trung ương. Song, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, càng gần đến ngày bầu cử càng phải thận trọng và chu đáo hơn, tránh những sai sót không đáng có, lường trước mọi tình huống có thể xảy ra để chủ động ứng phó, không được chủ quan.
Được vậy, tin rằng công tác bầu cử tại 3 tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang và An Giang nói riêng cũng như các địa phương trên cả nước sẽ thành công, lựa chọn được những ứng cử viên thật sự ưu tú, tiêu biểu vào Quốc hội và HĐND các cấp trong nhiệm kỳ mới.