Căng thẳng Mỹ-Iran bộc lộ khoảng trống vấn đề nhân sự của quân đội Hoa Kỳ

10/07/2019 08:34
Thanh Bình
(GDVN) - Sự kiện máy bay không người lái của Mỹ bị bắn rơi chứng tỏ trước sự đối đầu ngày càng gia tăng với Iran, chính quyền Trump bộc lộ những lỗ hổng chính sách lớn.

Sự kiện máy bay không người lái của Mỹ bị bắn rơi trên eo biển Hormuz ngày 20/6/2019 đã làm nổi bật vấn đề nhân sự của quân đội Mỹ.

Điều tệ hại hơn là sự kiện này càng chứng tỏ trước sự đối đầu ngày càng gia tăng với Iran, chính quyền Donald Trump đã bộc lộ những lỗ hổng chính sách lớn. Ở đó thiếu vắng quy hoạch mang tính hệ thống và thiếu sự lựa chọn có sức hấp dẫn.

Tạp chí Popular Mechanics của Mỹ nhận định, máy bay không người lái của quân đội Hoa Kỳ bị Iran bắn rơi là một trong những máy bay không người lái lớn nhất, hiện đại nhất và đắt nhất trong kho vũ khí nước này với trị giá mỗi chiếc 131 triệu đô-la Mỹ.

Căng thẳng Mỹ-Iran đang làm cộng đồng quốc tế lo ngại (Ảnh:Reuters).
Căng thẳng Mỹ-Iran đang làm cộng đồng quốc tế lo ngại (Ảnh:Reuters).

Điều khiến mọi người quan tâm là Tổng thống Donald Trump đã xác nhận hủy quyết định ném bom vào 03 mục tiêu ở Iran để trả đũa cho việc Tehran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ chỉ 10 phút trước khi thực hiện.

Một cựu quan chức của Lầu Năm Góc cho biết các Tổng thống Mỹ trước đây như Bill Clinton hay Barack Obama đều từng quyết định vào phút chót từ bỏ cuộc tấn công quân sự đã thực hiện được giai đoạn đầu.

Tuy nhiên, mô tả của Tổng thống Donald Trump về việc hủy lệnh ném bom đã dấy lên những quan ngại cho mọi người.

Nếu đúng như ông Donald Trump nói thì điều này có nghĩa hoặc là chuỗi chỉ huy quân sự đã sụp đổ, hoặc là hệ thống đưa ra quyết sách đã xa rời biện pháp truyền thống. Trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào cũng phải đánh giá toàn diện hậu quả của hành động đó.

Ngay sau đó, Tổng thống Donald Trump đã cử Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đến Israel và Saudi Arabia để cố gắng tìm cách tăng cường biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, đến nay, Iran luôn tỏ ra cứng rắn.

Mới đây nhất, Tehran đã làm giàu uranium vượt giới hạn 3,67% trong thỏa thuận hạt nhân ký với các cường quốc năm 2015 và cảnh báo sẵn sàng đạt mức 20% trong tương lai.

Tehran cũng tỏ ý sẵn sàng tiếp tục rút bớt cam kết với thỏa thuận hạt nhân, bao gồm việc tái khởi động hàng loạt máy ly tâm dùng trong quá trình làm giàu uranium.

Mặc dù nền kinh tế Iran có phần kém hơn so với năm 2018, nhưng họ đã nắm được kỹ năng chưa từng có trong cuộc khủng hoảng hạt nhân trước kia: có thể tấn công tàu chính xác hơn, bắn hạ máy bay và có một lực lượng an ninh mạng hùng hậu.

Con đường dẫn đến leo thang căng thẳng Mỹ-Iran
Con đường dẫn đến leo thang căng thẳng Mỹ-Iran

Trong 7 năm qua, lực lượng này đã khiến các ngân hàng của Mỹ tê liệt, từng thâm nhập vào một con đập lớn ở ngoại ô New York và tấn công một sòng bạc ở Las Vegas.

Năng lực đó của Iran đã làm thay đổi tính toán rủi ro, khiến cho vấn đề Iran mà Tổng thống Donald Trump đang phải đối mặt hóc búa hơn so với các Tổng thống tiền nhiệm.

Ngày 20/6/2019, khi Nhà Trắng triệu tập các quan chức cao nhất của Lầu Năm Góc thảo luận về cuộc tấn công quân sự có khả năng xảy ra, hai người đã nhận được điện thoại: Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick M.Shanahan mới từ chức và Quyền Bộ trưởng Quốc phòng sắp nhậm chức Mark Esper.

Khi hai ông này đến Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump có thể đã ý thức được sau khi ông James Mattis từ chức, Lầu Năm Góc vẫn thiếu vị Bộ trưởng có kinh nghiệm và năng lực.

Mark Esper, người sẽ kế nhiệm vị trí của James Mattis, từng là quan chức lục quân, cố vấn quốc hội và quản lý cấp cao của những người vận động hành lang của giới quân đội và tham mưu của phe bảo thủ, kinh nghiệm về quốc phòng vượt trội so với Shanahan.

Esper là bạn học cùng lớp của Ngoại trưởng Mike Pompeo ở Học viện quân sự Mỹ, đã duy trì quan hệ lâu dài với phần lớn quan chức cấp cao trong chính phủ.

Giáo sư Mara Karlin thuộc Đại học Johns Hopkins, Mỹ cho biết: Lầu Năm Góc cần có một người vận hành mà có thể nhận định được môi trường an ninh quốc tế và vấn đề xuyên khu vực, có thể nhận ra những ưu và nhược điểm của việc sử dụng sức mạnh quân sự, điều này rất quan trọng.

Các chuyên gia cho rằng, về tổng thể, Mỹ đã thể hiện nỗi lo ngại chiến lược đối với Iran. Lầu Năm Góc và Nhà Trắng đã tranh cãi quyết liệt xung quanh việc gây sức ép quân sự, luôn không đạt được nhận thức chung về các vấn đề cốt lõi như mục tiêu hành động, phương án hành động.

Vị trí người đứng đầu Lầu Năm Góc đã 03 lần thay đổi gây ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi chỉ huy quân sự của Mỹ (Ảnh: Asia Times)
Vị trí người đứng đầu Lầu Năm Góc đã 03 lần thay đổi gây ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi chỉ huy quân sự của Mỹ (Ảnh: Asia Times)

Có thể có hai nguyên nhân: thứ nhất, không có người có đủ năng lực ở vị trí Bộ trưởng Quốc phòng. Theo đó, vị trí này đến nay đã có sự thay đổi 03 lần. Thứ hai, quy mô hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực vùng Vịnh hiện tại có 50.000 người, kém xa so với thời kỳ trước Chiến tranh vùng Vịnh 1991 và Chiến tranh Iraq 2003.

Thời báo New York cho rằng áp đặt lệnh trừng phạt cũng tốt, chiến tranh mạng cũng không phải lựa chọn tồi, nhưng chính quyền Donald Trump đang thiếu một sự lựa chọn hấp dẫn trong cuộc đối đầu với Iran.

Mong muốn của Iran là được dỡ bỏ lệnh trừng phạt trong khi Washington muốn Iran phải từ bỏ các chương trình hạt nhân. Giờ là lúc hai bên cần ngồi vào bàn đàm phán để tìm lại tiếng nói chung.

Tài liệu tham khảo:

1. Tài liệu tham khảo 160 ngày 27/6/2019 của Thông tấn xã Việt Nam;

2. https://www.asiatimes.com/2019/07/article/iran-threatens-to-exceed-uranium-enrichment-cap/

3. https://www.reuters.com/article/us-usa-military-shakeup/shakeup-in-u-s-navy-leadership-adds-to-pentagon-churn-idUSKCN1U32C6

https://www.nytimes.com/2019/07/08/opinion/iran-trump.html?action=click&module=Opinion&pgtype=Homepage

Thanh Bình