Tờ Wall Street Journal của Mỹ dẫn nguồn tin từ hãng nghiên cứu IHS cho thấy Trung Quốc có tới 16 giàn khoan dầu ở Biển Đông. Thông tin được đưa ra sau khi Cục hải sự Trung Quốc thông báo hôm 18/6 về việc di chuyển giàn khoan Nam Hải số 9 tới gần bờ biển Việt Nam, nhưng bên ngoài khu vực tranh chấp.
Theo IHS, hầu hết là các giàn khoan dầu của Trung Quốc ở Biển Đông là các giàn khoan tự nâng loại nhỏ và 4 trong số đó là các giàn khoan nửa chìm nửa nổi.
Đàm phán về căng thẳng xung quanh giàn khoan Hải Dương 981 không có tiến triển đáng kể. Ảnh AP |
"Bước đi chiến lược"
Trong một diễn biến khác, hãng tin Reuters ngày 20/6 đưa tin Trung Quốc đã gửi bốn giàn khoan dầu vào Biển Đông trong một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang đẩy mạnh thăm dò dầu khí trong khu vực căng thẳng, chưa đầy hai tháng sau khi hạ đặt giàn khoan 981 ở vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Tọa độ được đăng trên trang web của Cục Quản lý an toàn hàng hải của Trung Quốc cho thấy giàn khoan Nam Hải số 2 và 5 đã được triển khai ở khoảng giữa phía nam Trung Quốc và các đảo Pratas, do Đài Loan quản lý. Giàn khoan Nam Hải 4 được kéo gần bờ biển Trung Quốc.
Cơ quan này đã không nói ai là người sở hữu các giàn khoan.
Đầu tuần này, họ đã cho biết tọa độ của một giàn khoan thứ tư, Nam Hải 9. Họ nói sẽ được bố trí ngay bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vào ngày Thứ Sáu.
Thông báo này được đưa ra tại một thời điểm khi nhiều quốc gia ở châu Á, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, đang lo lắng bởi sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong Biển Đông.
Hoàn Cầu Thời báo, một tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dẫn lời Zhuang Guotu, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Hạ Môn, cho rằng việc triển khai giàn khoan một "bước đi chiến lược".
"Sự gia tăng giàn khoan dầu chắc chắn sẽ chạm vào dây thần kinh nhạy cảm đối với Việt Nam và Philippines", Zhuang nói.
Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) cho biết có bốn dự án mới dự kiến sẽ đi vào hoạt động ở phía tây và phía đông Biển Đông trong nửa năm sau của năm 2014.
CNOOC cho biết họ sẽ tăng một phần ba chi phí đầu tư hàng năm cho năm 2014, lên đến gần 20 tỷ USD.
Vị trí 4 giàn khoan mà Trung Quốc thông báo dịch chuyển trên Biển Đông. |
Cần theo dõi chặt chẽ vị trí các giàn khoan
BBC đưa tin hôm 20/6 ở Washington, người phát ngôn ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói Mỹ biết về tin tức nói Trung Quốc kéo theo giàn khoan ra Biển Đông.
"Không có nhiều thông tin tại thời điểm này về hướng đi của giàn khoan. Nếu giàn khoan được đặt trong vùng biển tranh chấp, đó sẽ là lo ngại."
"Lúc này chúng tôi không có đủ thông tin về điểm đến của các giàn khoan này, nên chúng tôi chưa có đánh giá," người phát ngôn của Mỹ nói.
Trong khi đó, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói bốn giàn khoan "nằm ở vùng biển gần tỉnh Quảng Đông và đảo Hải Nam, bên ngoài không cần thiết suy đoán thái quá về hoạt động bình thường này".
Xét cho cùng, nếu Trung Quốc chỉ đặt các giàn khoan ở vùng biển của họ mà không xâm phạm chủ quyền của Việt Nam thì không có vấn đề gì. Là một nước lớn Trung Quốc nên hành xử có trách nhiệm.
Tuy nhiên, chúng ta cũng biết Bắc Kinh đã không ít lần hành động ngang ngược, phớt lờ luật pháp quốc tế. Vì vậy, cần phải theo dõi chặt chẽ các động thái của họ, nhất là theo dõi vị trí của các giàn khoan dầu nói trên.