Cắt chi thường xuyên, khả năng trường ĐH ở vùng khó khăn sẽ không dám tự chủ

16/05/2023 06:45
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trường có đề tài nghiên cứu khoa học công bố xếp vào nhóm mạnh, nhưng không tạo ra tài chính ngay cho trường để thực hiện tự chủ.

Không thể phủ nhận những thuận lợi khi trường đại học thực hiện tự chủ. Tuy nhiên, thực tế quá trình tự chủ ở trường đại học gặp nhiều khó khăn từ hành lang pháp lý, đến nguồn lực đầu tư...

Sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn tham gia thực tập tại doanh nghiệp. Ảnh: fanpage nhà trường.
Sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn tham gia thực tập tại doanh nghiệp. Ảnh: fanpage nhà trường.

Bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng trường của một trường đại học chia sẻ, từ khi thực hiện tự chủ, bên cạnh thuận lợi như trường được chủ động về tuyển dụng nhân sự, chuyên môn thì cũng có khó khăn.

Ví dụ, với tài sản công, khi trường muốn sử dụng với mục đích khác nhau thì phải đi xin phê duyệt. Hay tài chính của trường, trường muốn chi tiêu thì phải thực hiện theo luật trong khi các văn bản luật về tài chính hiện nay cực kỳ phức tạp và phải thông qua nhiều cơ chế khác.

“Một trường đại học không chỉ hoạt động duy chỉ theo Luật Giáo dục đại học 2018 mà còn thực hiện theo nhiều luật, nghị định khác. Do đó, nhà nước cần có những chính sách đồng bộ để "cởi trói" cho trường đại học trong quá trình tự chủ”, vị này kiến nghị.

Cùng trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngoạn – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Quy Nhơn cho biết, hiện trường đang tự chủ ở mức 3.

“Chuyển dần sang cơ chế tự chủ, từ lãnh đạo đến các cán bộ phòng, ban, giảng viên đều ý thức trách nhiệm hơn với chiến lược phát triển trường. Tuy nhiên, trường chưa tự chủ hoàn toàn nên chỉ tiêu biên chế vẫn phải báo cáo với Bộ để duyệt. Do vậy, khi trường muốn tuyển giảng viên để giảng dạy ngành học mới thì vẫn phải bám sát chỉ tiêu biên chế nên bị động”, thầy Ngoạn chia sẻ.

Cũng theo thầy Ngoạn, thứ nhất, hiện một số quy định pháp luật tạo hành lang pháp lý chưa thực sự đồng bộ. Ví dụ, Luật Giáo dục đại học “cởi mở”, tạo điều kiện cho trường đại học tự chủ, nhưng các văn bản luật khác như đầu tư, viên chức, quản lý sử dụng tài sản công… có quy định chưa khớp với nhau.

Thứ hai, bộ phận quản trị, điều hành và giám sát thiếu đồng nhất thì sẽ khó thực hiện tự chủ.

Về khó khăn này, theo thầy Ngoạn, nếu Hội đồng trường ban hành nghị quyết, chủ trương, hiệu trưởng điều hành thì sẽ tạo thống nhất từ trên xuống dưới.

Thứ ba, khó khăn về tự chủ tài chính khi nguồn thu của trường đại học không đa dạng và thiếu ổn định.

Phần lớn các trường hiện nay lấy nguồn thu từ học phí. Rất ít trường tạo nguồn thu từ nghiên cứu khoa học. Đối với các đề tài nặng về lý thuyết thì nguồn thu không nhiều do tính ứng dụng và chuyển giao công nghệ chưa cao. Ngoài ra, các hình thức đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn thường theo thời vụ nên nguồn thu mang lại cho trường không ổn định.

Thầy Ngoạn cho rằng, có 2 vấn đề cần nhấn mạnh đối với tự chủ đại học. Vấn đề thứ nhất là nhận thức về tự chủ đang nhầm lẫn với giao cho các trường tự lo, không có chính sách hỗ trợ.

“Trước đó, có trường tự chủ nhận được thông báo truy thu thuế đất theo Công văn số 13704/BTC-QLCS của Bộ Tài chính nên rất khó khăn. Đúng ra, giáo dục phải được ưu tiên đầu tư, không nên cắt nguồn chi, thu thuế đất như các doanh nghiệp.

Những con số đầu tư ngân sách cho giáo dục đại học ở nước ta vẫn còn thấp so với khu vực. Như các trường đại học ở châu Âu, mức đầu tư của nhà nước cho trường khoảng 60-70% để các trường tự chủ theo hướng lên kế hoạch, đầu tư sao cho đúng ngành nghề, lĩnh vực đào tạo dưới sự giám sát chặt chẽ của nhà nước.

Cần đầu tư quan tâm nhiều hơn đến giáo dục đại học, bởi nếu để trường tự chủ phải tự lo, thì xu hướng là trường sẽ chỉ tập trung làm thế nào để tuyển nhiều sinh viên mà bỏ quên sứ mệnh chất lượng "giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Hơn nữa, nếu cắt nguồn chi thường xuyên thì khả năng nhiều trường ở khu vực khó khăn sẽ không dám tự chủ.

Nhà nước vẫn nên đầu tư kinh phí, có hoạch định quy hoạch vùng, ngành và có dự báo để giúp cho các trường tự chủ thuận lợi”, thầy Ngoạn chia sẻ.

Vấn đề thứ hai, một số trường đại học nhìn nhận tự chủ là muốn làm gì thì làm dẫn đến quản lý, điều hành khó hiệu quả. Do vậy, nhận thức đúng về tự chủ phải thống nhất từ lãnh đạo cao nhất của trường đến từng cán bộ, giảng viên: tự chủ nhưng phải trên cơ sở đúng luật và có giám sát.

Theo thầy Ngoạn, đối với nhà trường trong thời gian tới cần thực hiện những nhiệm vụ sau:

Một là, trường phải mở những ngành học mới đáp ứng nhu cầu xã hội, nhất là những ngành đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu địa phương. Đồng thời, nâng cao chất lượng các lớp đào tạo chất lượng cao, liên kết nước ngoài.

“Để mở ngành, trường phải chuẩn bị, dự báo trước từ 3-5 năm nhằm tuyển và đào tạo lại giảng viên. Vài năm gần đây, trường mở một số ngành học mới, đáp ứng được nhu cầu thị trường như: kỹ thuật ô tô, quản trị du lịch và lữ hành, quản lý chuỗi cung ứng…", thầy Ngoạn cho biết.

Hai là, những đề tài nghiên cứu khoa học phải hướng đến tính ứng dụng công nghệ cao, gắn với thực tế địa phương, phục vụ cộng đồng. Khi đó, những cơ quan, tổ chức sẽ đặt hàng với nhà trường những đề tài nghiên cứu, thương mại hóa được sản phẩm và tạo nguồn thu.

Thầy Ngoạn cho biết, đối với Trường Đại học Quy Nhơn, hiện nguồn thu chính vẫn từ học phí. Gần 2 năm nay, trường có đề tài nghiên cứu khoa học xếp vào nhóm mạnh, tạo giá trị lớn nhưng là giá trị vô hình, không tạo ra tài chính nhiều cho trường khi tự chủ.

Ngọc Mai