LTS: Tiếp tục mạch bài chào mừng 40 năm thống nhất đất nước, hôm nay, Đại tá Đặng Việt Thủy nhắc nhớ lại những trận đánh xe tăng ngay cửa ngõ Sài Gòn của quân đội ta.
Trận đánh cảm tử trên Cầu Bông
Tại cửa ngõ Sài Gòn tháng 4 năm 1975, để chiếm và giữ một cây cầu then chốt nằm trên Đường 1, có một trận đánh cảm tử của bộ đội xe tăng. Đó là trận đánh tại Cầu Bông.
Để vào được trung tâm Sài Gòn, Quân đoàn 3 phải vượt qua được Cầu Bông. Trước khi tiến vào, nhiệm vụ chiếm và giữ cây cầu này được quân đoàn giao cho Trung đoàn 273 xe tăng.
Trung đoàn xác định: đây là trận then chốt của lực lượng xe tăng trước cửa ngõ Sài Gòn, bởi vậy Chính ủy Sư đoàn 10 trực tiếp giao nhiệm vụ cảm tử này cho Đại đội 9, một đại đội được cấp trên rất tin tưởng vì vừa trải qua những trận chiến đấu ở Buôn Ma Thuột, Đắc Pét, Tuy Hòa...
Cầu Bông nằm trên Đường 1, bằng bê tông dài 7m, hai bên ruộng nước sình lầy. Đại đội 9 xe tăng được trang bị 4 xe tăng M48 mới thu được của địch. Đội hình của đại đội gồm xe Đại đội trưởng đi đầu, sau đến hai xe của hai Trung đội trưởng, cuối cùng là xe Chính trị viên.
Đội hình đang tiến qua Củ Chi, gặp một toán địch gồm hai xe M113 tưởng nhầm đồng bọn nên chạy ra đón. Mấy tên phởn chí còn nhảy loạn cả lên tháp pháo. Chiến sĩ ta quay pháo gạt địch xuống đất rồi dùng tiểu liên AK tiêu diệt, quân địch bị bất ngờ bỏ chạy tán loạn, bỏ lại nhiều xác chết và hai chiếc xe M113 bị ta bắn cháy.
Đến gần Cầu Bông, Đại đội 9 gặp một đoàn xe bọc thép địch gồm 22 chiếc M113 từ Hậu Nghĩa theo Đường 8, đoàn xe địch đang rút về nhằm cố thủ, chốt tại chân Cầu Bông. So sánh lực lượng lúc này thật bất lợi cho ta, nhưng Đại đội trưởng xác định lại quyết tâm cho anh em trong đại đội, rồi nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu.
Một phương án đánh địch lướt rất nhanh trong đầu người đại đội trưởng: anh phân công cho xe Chính trị viên diệt chiếc xe đi cuối, còn xe anh và hai xe Trung đội trưởng đánh vào giữa đội hình địch.
Giao nhiệm vụ xong, Đại đội trưởng phát tín hiệu tiến công. Đồng chí pháo thủ trên xe anh đã bắn một phát rất chính xác vào chiếc M113 đi đầu. Cùng lúc đó là tiếng xé gió của những quả đạn pháo, xe của hai Trung đội trưởng bắn phát nào chắc phát ấy. Quân địch hoảng loạn, chạy cả xuống ruộng lúa.
Có xe tăng yểm trợ, lực lượng bộ binh ta và đặc công bảo vệ cầu tràn sang bên kia cầu, dùng súng AK và lựu đạn diệt nốt những tên còn lại. Cả một bãi chiến trường ngổn ngang xác giặc và xe M113 của địch, 11 xe địch bốc cháy, riêng xe 021 của Trung đội trưởng bắn cháy 7 xe địch.
Cầu Bông được giữ vững, đội hình Quân đoàn 3 triển khai phương án tác chiến thuận lợi. Lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 3 vượt qua Cầu Bông, phát triển chiến đấu, quét sạch địch từ Thành Quan Năm đến trung tâm huấn luyện Quang Trung, rồi chiếm được ngã ba Bà Quẹo.
Trận Cầu Bông là trận đánh có hiệu suất chiến đấu cao, một trong những mốc son lịch sử của Binh chủng Tăng - Thiết giáp anh hùng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Hai trận đấu tăng độc đáo trước cửa ngõ Sài Gòn
Trên đường tiến quân vào Sài Gòn, có một xe thiết giáp K-63 của ta đã xông thẳng vào giữa đoàn xe thiết giáp M113 của địch. Ở một trận khác, xe tăng T-54 ta đã chèn xe tăng M48 địch, ép chúng vào tường và bắt sống. Sau đây là hai trận đấu tăng độc đáo này:
Đêm 17 tháng 4 năm 1975, mặc dù máy bay, tàu chiến địch đánh chặn đường, địch gài mìn phá cầu, nhưng Tiểu đoàn 5 xe tăng của ta cùng đơn vị bạn tiến công như vũ bão, đánh tan các đồn bốt dọc đường hành quân, giải phóng quận lỵ Phan Rí, Tuy Phong, Sông Mao, Hòa Đa.
Đến rạng sáng ngày 18, đội hình tiểu đoàn đến sát thị xã Phan Thiết, đội hình Tiểu đoàn 5 xe tăng đi trước gồm một chiếc xe tăng và 6 chiếc xe thiết giáp diệt bọn lính giữ cầu Sông Cái, cùng Tiểu đoàn 4 tràn vào thị xã. Toàn bộ binh lính địch tan rã, ta chiếm sân bay, dinh tỉnh trưởng, giải phóng nhà ngục Phan Thiết.
Tại trung tâm thị xã, xe thiết giáp số 146 của ta phát hiện 3 chiếc thiết giáp M113 của địch đang từ trong ngõ lao ra phố định chặn xe ta, xe 146 lập tức lao thẳng vào xe địch, lính địch trên xe khiếp sợ phải đầu hàng.
Mờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, Trung đoàn bộ binh 24 (Sư đoàn 10) và Tiểu đoàn 1 xe tăng đến gần ngã tư Bảy Hiền. Địch cho xe tăng ra chặn và tập trung các loại hỏa lực bắn vào đội hình quân ta.
Máy bay địch ném bom bừa bãi từ ngã tư Bảy Hiền, cổng số 5 sân bay, ngã ba Bà Quẹo đến trung tâm huấn luyện Quang Trung, đồng thời một tiểu đoàn dù địch từ trong Sài Gòn ra phản kích. Đại đội 7 bộ binh của ta được 8 xe tăng, thiết giáp yểm trợ đột kích mở đường nhưng vẫn chưa tiến lên được.
Do hỏa lực ngăn chặn của địch mạnh, ta chưa nắm vững địa hình và lực lượng địch, lại chỉ tiến công trên một trục đường nên bị tổn thất. Sau đó bộ binh ta mở thêm một mũi về hướng Bệnh viện "Vì dân", thọc vào sườn địch.
Chính trị viên đại đội xe tăng Nguyễn Xuân Trường chỉ huy đơn vị táo bạo mở một mũi đột kích mạnh bằng xe tăng nhằm chi viện đắc lực cho bộ binh, anh đã hy sinh anh dũng. Hành động của anh đã cổ vũ đơn vị dũng cảm xông lên đánh thẳng vào đội hình địch phản kích.
Lúc này, chiếc xe tăng T-54 mang số 985 của ta bị hỏng pháo, xe tăng địch lại ở cự ly quá gần, trưởng xe lệnh cho lái xe lao thẳng vào đội hình xe tăng địch. Chiếc xe tăng M48 địch hoảng sợ quay ngang bò lên vỉa hè. Xe 985 ta lao theo, ép sát chiếc xe tăng M48 địch vào tường. Quá khiếp sợ, lính địch trong xe phải mở cửa xe chui ra xin hàng. Xe 985 của ta tiếp tục xung phong.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Chiến công của bộ đội Binh chủng Tăng - Thiết giáp đã góp phần cùng toàn quân, toàn dân ta làm nên Đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tài liệu tham khảo:
-"Góp phần tìm hiểu về 30 năm chiến tranh giải phóng ở Việt Nam (1945-1975) Hỏi và Đáp"-NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội-2009.