Câu chuyện “Tăng Sâm giết người” và thủ đoạn của Trung Quốc

24/05/2014 07:39
Nguyễn Viết Hòa
(GDVN) - Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng giống như chuyện “Tăng Sâm giết người” trong chuyện cổ của chính họ vậy!

Câu chuyện “Tăng Sâm giết người”...

Sách Cổ học tinh hoa của Trung Quốc có kể chuyện rằng: Thời Xuân Thu có ông Tăng Sâm người đất Phi là học trò đức Khổng Tử. Ông tính tình chân thật và có hiếu, về sau truyền được đạo của Ngài. 

Lúc bấy giờ có kẻ trùng tên với ông giết chết người. Một người hớt hải chạy đến báo mẹ ông Tăng Sâm rằng: “Tăng Sâm giết người.” Bà mẹ nói: “Chẳng khi nào con ta lại giết người”. Rồi bà điềm nhiên ngồi dệt cửi. Một lúc lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người.” Bà mẹ không nói gì, cứ điềm nhiên dệt cửi. Một lúc lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ sợ cuống cuồng, quăng thoi, trèo qua tường chạy trốn.

Tăng Sâm vốn là người hiền hậu, hiếu thảo nên bà mẹ tin con không thể là kẻ giết người. Vì thế hai lần trước có người bảo "Tăng Sâm giết người", bà mẹ không tin. Nhưng đến lần thứ ba thì bà mẹ cuống cuồng chạy trốn. Thế mới thấy cái dư luận của thiên hạ rất là mạnh. 

Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trái phép xâm phạm Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trái phép xâm phạm Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Tăng Sâm không giết người, thế mà hết người này đến người khác đến nói với bà mẹ rằng Tăng Sâm giết người, khiến cho bà mẹ vốn rất tin con tưởng là thật. Một việc, dù cho sai lầm đến mười mươi nhưng cứ nói đi nói lại, tung luận điệu xuyên tạc mãi cũng khiến người ta bán tín bán nghi rồi cũng tin là có thật.

...và thủ đoạn “chuyện không nói có” của Trung Quốc

Bây giờ, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) cũng giống như chuyện “Tăng Sâm giết người” vậy!

Trung Quốc vốn không có chứng cứ pháp lý và lịch sử về chủ quyền đối với hai quần đảo này nhưng luôn dùng mọi cách để tuyên truyền rằng họ có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với Tây Sa và Nam Sa. Thủ đoạn của Trung Quốc là nói không thành có, nói mãi cũng có người tin. Trên diễn đàn quốc tế, Trung Quốc nhiều lần khẳng định “chủ quyền” về hai quần đảo này. 

Năm 1974, lợi dụng lúc Việt Nam đang có chiến tranh, họ dùng vũ lực để chiếm quần đảo Hoàng Sa, lúc đó do chính quyền Việt Nam cộng hòa ở miền Nam quản lý.

Đến năm 1988, họ tiếp tục dùng vũ lực để chiếm một số đảo ở Trường Sa. Từ đó Trung Quốc dùng chiến thuật “tằm ăn rỗi” để mưu đồ làm bá chủ biển Đông. Một mặt, họ tuyên truyền với người dân Trung Quốc rằng: "Các quần đảo của ta bị nước ngoài xâm chiếm, chúng ta phải lấy lại”. 

Tập đoàn nhật báo Hải Nam cũng lập trang Sansha.hinews.cn chuyên phát tán thông tin xuyên tạc Việt Nam, càng khiến người dân Trung Quốc bị “đầu độc” về vấn đề biển Đông. Ở các trường đào tạo sĩ quan hải quân, họ mở các phòng trưng bày những chứng cứ (hoàn toàn ngụy tạo) rằng Trung Quốc từ lâu đã xác lập “chủ quyền” trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Rồi họ lại dùng cái bản đồ do một học giả thời Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch vẽ chín đoạn đứt khúc bao trùm toàn bộ biển Đông và tuyên bố đó là “vùng nước lịch sử”, đệ trình lên Liên hiệp quốc để đòi hỏi chủ quyền với hơn 80% biển Đông. Chủ quyền ấy thực ra chỉ là chủ quyền trên giấy theo đòi hỏi tham lam của Trung Quốc.

Mặt khác, họ vừa tỏ ra muốn giải quyết tranh chấp bằng hòa bình để cho thế giới tin rằng Trung Quốc là nước có liên quan thật sự về vấn đề biển Đông. Mặc dù, từ xưa họ vốn không có liên quan gì vấn đề chủ quyền ở vùng biển này. 

Với thủ đoạn như thế, Trung Quốc vừa tăng cường sức mạnh quân sự vừa làm nhiều cách đánh lạc hướng dư luận như việc ra tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam (năm 1997), ra Nghị quyết về phát triển kinh tế ở Tây Sa và Nam Sa, ra lệnh cấm đánh bắt cá để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển du lịch, phủ sóng điện thoại… Cứ như họ có quyền thực sự ở biển Đông vậy.

Ngày 26/5/2011, tàu hải giám Trung Quốc ngang ngược xâm phạm lãnh hải Việt Nam, phá hoại công việc thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 2 của ta. Mặc dù, Việt Nam kịch liệt lên án hành động của Trung Quốc nhưng Bắc Kinh vẫn điềm nhiên tuyên bố đó là việc làm bình thường đối với chủ quyền của họ. 

Nghiêm trọng hơn, ngày 1/5/2014, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan 981 vào sâu trong trong lãnh hải của ta, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam khiến cho dư luận trong nước và quốc tế sôi sục, phản đối mạnh mẽ. 

Như vậy, Trung Quốc đã bất chấp dư luận, bất chấp luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam nhưng vẫn tuyên bố “tỉnh bơ” làm như biển Đông là “ao nhà” của họ. Có lẽ họ nghĩ chiêu bài “chuyện không nói có” đã thành công chăng? 

Cái gì không có, nói mãi cũng có người tin, kể cả chủ quyền đối với các quần đảo lớn. Trung Quốc là nước lớn, lại là thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, những lời nói của họ ít nhiều đều có trọng lượng, dễ khiến dư luận thế giới tin. Hội địa lý quốc gia Mỹ đã có lần ghi chú quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) thuộc Trung Quốc và đã bị Việt Nam phản đối, sau đó đính chính lại rằng Trung Quốc quản lý, Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Đối với thủ đoạn của Trung Quốc như câu chuyện "Tăng Sâm giết người”, chúng ta cần tuyên bố mạnh mẽ hơn nữa về chủ quyền, tuyên truyền rộng rãi hơn nữa trong nước và dư luận quốc tế về chủ quyền không thể chối cãi đối với Trường Sa và Hoàng Sa. Phải làm thất bại âm mưu “chuyện không nói có” của họ. 

Muốn vậy, chúng ta phải khẩn trương tập hợp chứng cứ mà ta có được lâu nay, phổ biến rộng rãi cho toàn thế giới biết mưu đồ của Trung Quốc và sự thật chủ quyền của Việt Nam. Đã đến lúc chúng ta phải khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Ít nhất việc ấy cũng lột trần được thủ đoạn chuyện không nói có của Trung Quốc trước dư luận thế giới.

Đó là một trong những cách khẳng định mạnh mẽ chủ quyền dân tộc như Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lúc tại vị đã tuyên bố khi ra thăm đảo Cô Tô: “Chúng ta không tham của ai nhưng một tấc đất của cha ông để lại cũng quyết không nhường cho ai”.
                                                                     

Nguyễn Viết Hòa