Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy bắt đầu câu chuyện với lời dặn dò: “.. Có sao thì tao kể vậy, bây đừng có thêm mắm, thêm muối từa lưa hột dưa mắc cở với thiên hạ. Điều thứ hai, tao là dân Nam bộ “rặc ri” nên xưng hô tao, mầy quen miệng rồi, “sửa” hoài hổng được, vậy nghe....”
Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy, sinh năm 1936 tại xã Hòa Thành huyện Lai Vung - Đồng Tháp. Năm 16 tuổi, ông trốn nhà đi theo trung đội C, du kích địa phương.
Năm 1954 ông tập kết ra Bắc theo Hiệp định Genève (Giơ-ne-vơ). Từ năm 1954 đến 1958 ông công tác tại sư đoàn 330 và 338.
Điều may mắn đã đến với ông khi năm 1958, ông là một trong 5 người của hàng chục ngàn chiến sỹ được chọn đào tạo lái máy bay tại Trung Quốc chuẩn bị phục vụ chiến đấu mặt trận phòng không, không quân của Việt Nam.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy (Ảnh: Phan Thị Anh Thư) |
Trong thời gian “du học” trong điều kiện nghiêm ngặt và khó khăn của nước bạn, ông đã xuất sắc hoàn thành khóa học trong thời gian 3 năm (từ 1958 đến 1961).
Về nước, ông được phân công vào biệt đội MIG 17 chuẩn bị phản ứng nhanh khi máy bay địch xâm nhập bầu trời Hà Nội.
Từ năm 1965 đến năm 1967, phi công Nguyễn Văn Bảy tham gia vào 13 trận đánh khốc liệt ở miền Bắc, tiêu diệt 7 máy bay hiện đại, tối tân của Mỹ lúc bấy giờ như: thần sấm F105, con ma F4H, hay thập tự quân F8C...
Với chiến công lẫy lừng ấy, ông là 1 trong 3 phi công đầu tiên của Việt Nam được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1967. Lúc này, ông 31 tuổi mang quân hàm thượng úy binh chủng Phòng không – Không quân.
Điều tự hào rất lớn và là niềm hạnh phúc cả đời của một sỹ quan cao cấp không quân là ông vinh dự được gặp Bác Hồ rất nhiều lần. Lần đầu tiên khi ông bắn cháy máy bay, Bác đã gọi ông đến khen ngợi và động viên rất nhiều.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy kể lại: “...được gặp Bác, tao xúc động lắm chỉ muốn khóc mà thôi, Bác hỏi thăm gia đình tôi và đồng bào miền Nam và dặn phải thường xuyên luyện tập để đủ sức đánh nhau với máy bay địch, lời dặn ấy tới chết tao cũng đem theo...”
Năm 1962, ông vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng Sản Việt Nam. Niềm vinh dự ấy càng hun đúc ý chí kiên cường quyết tâm đánh giặc, bảo vệ vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông đã 7 lần được thưởng huy hiệu Bác Hồ về những chiến công đặc biệt xuất sắc.
Ngày Bác mất, ông được đứng túc trực sau linh cữu của Người trong suốt quá trình tổ chức lễ tang.
Ngày 9/9/1969, vào thời điểm thiêng liêng tổ chức truy điệu Bác, ông còn được Đảng và nhà nước phân công chỉ huy biệt đội MIG 17 của Thủ đô Hà Nội gồm 12 chiếc bay qua quảng trường Ba Đình để tiễn đưa Bác vào cõi vĩnh hằng.
Phi công Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy xúc động kể lại giây phút ấy: “...Tao vừa chỉ huy đội bay vừa khóc nức nở ướt “nhẹp’ mặt mày vì nhớ thương Bác. Hạ cánh rồi mà cứ bùi ngùi hoài mầy ơi!”
Ngày 30/4/1975 lịch sử, ông là người được quân đội phân công chỉ huy tiếp quản sân bay Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Cần Thơ.
Từ năm 1975 đến khi nghỉ hưu năm 1990 với quân hàm đại tá, ông đã đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong binh chủng Phòng không – Không quân, đặc biệt là chức vụ Phó Tham mưu binh chủng này.
Lúc rảnh rỗi ông Nguyễn Văn Bảy lại đi vận động nhân dân làm giao thông, thủy lợi, nộp thuế, đưa con em làm nghĩa vụ quân sự (Ảnh: Phan Thị Anh Thư) |
Ông hiện là trưởng ban liên lạc sỹ quan binh sỹ binh chủng Phòng không – Không quân tại TP.Hồ Chí Minh.
Năm 1991, ông về lại quê nhà xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp để vui thú điền viên. Hàng ngày, người dân địa phương lại thấy ông bắt ốc, mò cua, đào ao nuôi cá chăm sóc ruộng đồng như bao người bình thường khác.
Đã vậy lúc rảnh rỗi ông lại đi vận động nhân dân làm giao thông, thủy lợi, nộp thuế, đưa con em làm nghĩa vụ quân sự. Hàng xóm có tranh chấp, bất hòa là có ông tới giảng hòa thấu lý, đạt tình với nụ cười rất lính “phòng không”.
Hàng tháng ông dè sẻn lương hưu, tiền “anh hùng”, tiền “ thương binh 4/4” để giúp đỡ các hộ nghèo xung quanh, các học sinh khó khăn vượt khó, những cựu chiến binh đang khó khăn, người già cơ nhỡ...
Ông Lê Văn Chỉ, ngụ ấp Hậu Thành, xã Tân Dương cho biết: “...ông Bảy “anh hùng” luôn là tấm gương sáng về ý chí kiên cường của người cộng sản, một phi công tài ba, dũng cảm, mưu trí. Về hưu rồi mà “ổng” có được nghỉ ngơi đâu, tối ngày lặn lội lo toan cho bà con chòm xóm không thôi...”
Chia tay Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong nụ cười rất hào phóng, tự tin và chòm râu bạc, chúng tôi thực sự xúc động trước nhân cách một con người thật gần gũi, giản đơn, rất đời thường nhưng đã hóa phi thường.