Tôi vẫn nhớ ngày ông Đam còn là Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh, khi đó tôi còn là một anh "phóng viên báo tỉnh" ở chân chạy mới vào nghề, nhưng may mắn đã có vài lần tôi được tiếp xúc với ông. Trong mỗi cuộc họp, hội nghị tại tỉnh, ông Đam vẫn thường tự lái xe đến và chẳng mấy khi thấy ông cầm văn bản, giấy tờ để đọc. Những câu chuyện ông nói trong hội nghị cũng rất gần gũi, thiết thực, không dài dòng lý thuyết xa xôi.
Trong những cuộc họp đó, ấn tượng khiến tôi nhớ mãi về vị Bí thư tỉnh ủy, đó là câu ông nói với lãnh đạo sở, ban ngành tỉnh Quảng Ninh: “Các anh phải coi tiền của Nhà nước như tiền của nhà mình, từ đó để biết cân đối, chi tiêu sao cho hợp lý”.
Và ông tiếp tục cuộc họp với câu chuyện nghe thật vui, ông hỏi những vị có mặt tại hội nghị, sự giống và khác nhau cơ bản giữa Bin laden và Tổng thống Mỹ George Bush? Không thấy ai trả lời, ông tủm tỉm nói: “Theo tôi Bin laden và Tổng thống Mỹ George Bush đều là những người rất giỏi, họ có 99 điểm giống nhau và chỉ khác nhau ở một điểm, đó là một người tìm cách chống phá (Bin laden - PV) còn một người tìm cách khắc phục, xây dựng (Tổng thống Mỹ George Bush - PV)”.
Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu được ý nghĩa sâu xa qua sự so sánh đó, chỉ hiểu rằng ngay trong cả những cuộc hội nghị, ông Đam biết truyền cảm hứng cho người nghe khi nói về những đề tài thường được cho là khô khan của hội nghị bằng các câu chuyện vui để tránh không nhàm chán.
Ngày đó là năm 2009. Đã 4 năm trôi qua, ông Đam giờ đã được bổ nhiệm giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ và tôi cũng đã không còn công tác tại Quảng Ninh nhưng câu nói đó của vị Bí thư cũ khiến tôi luôn luôn ghi nhớ và tâm đắc.
Giải Sao Khuê duy nhất năm 2010 dành cho cá nhân được trao cho TS Vũ Đức Đam. Ngày đó ông Đam đang là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh. |
Tôi lại nhớ ngày xa xôi hơn, lúc ông còn là Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, báo chí phỏng vấn ông, ông chia sẻ rằng có lẽ ông là vị Chủ tịch nhàn nhất trong tất cả các vị Chủ tịch của 64 tỉnh thành. Ông nói: “Tôi vẫn có thời gian đi đá bóng buổi chiều, vẫn có thời gian học hát, học nhảy buổi tối và vẫn có thời gian giao lưu với bạn bè”.
Trong những trận bóng buổi chiều sau giờ làm việc, ông rất bình dị và "thanh niên tính", ông cảm thấy khó chịu khi ai đó "nể nang" mà nhường bóng cho mình. Lúc đó ông thường nhắc nhở ngay, “không được như thế, cứ phải đá hết mình”.
Cũng trong một cuộc trả lời báo chí ngày đó, ông không ngần ngại khi nói rằng, nếu cho ông chọn việc, ông muốn được làm một Chủ tịch huyện bởi ông nghĩ rằng: “Tôi nghĩ chỉ một năm thôi, huyện của tôi sẽ là điểm đến yêu thích của mọi người. Còn làm Chủ tịch một tỉnh như bây giờ - thật là khó để làm thật tốt mọi việc, chỉ dám nghĩ rằng mình đã làm hết sức trong khả năng và quyền lực cho phép”,
Vào dịp Tết nguyên đán năm 2011, khi ông là Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh. Thường thì cứ vào dịp đầu xuân, bao giờ trên "Báo nhà" cũng luôn có một bài phỏng vấn Bí thư Tỉnh ủy. Điều này cũng phải thôi, bởi giống như trên một con thuyền, sau mỗi chặng đường, chuẩn bị lấy sức để đi tiếp, ai chẳng muốn biết về những nhận định, đánh giá và cả những suy nghĩ, tâm tư của “người chèo lái”...
Theo "tiền lệ", PV Báo Quảng Ninh đã soạn sẵn công văn nêu câu hỏi để đồng chí Bí thư trả lời bằng văn bản...
Thế nhưng, thật bất ngờ, nhận văn bản từ tay PV, đồng chí Vũ Đức Đam tươi cười: -Thế này nhé, chúng ta sẽ ngồi với nhau một lúc để xem có điều gì cần chia sẻ, chứ nếu như văn bản này thì nhờ các bạn... lấy lại những ý chính trong báo cáo tổng kết năm của Tỉnh ủy biên soạn giúp tôi cũng được mà!
Và cuộc trò chuyện đầu xuân giữa PV với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã khởi đầu với sự cởi mở, thân tình như thế...
Sau khi rời Quảng Ninh để lên làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ, việc đầu tiên ông Đam làm là xây dựng, tổ chức chương trình ''Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời'' - bắc một cây cầu nối giữa người dân và các chính khách, được nhân dân cả nước ủng hộ, đánh giá cao.
Tại các phiên họp báo của Chính phủ, ông Vũ Đức Đam thường được báo chí "ưu ái" dành cho ông những câu hỏi khó. Trả lời xong, ông luôn hỏi lại, liệu các phóng viên đã hài lòng với câu trả lời của ông. Nếu chưa, ông sẵn sàng mở cơ hội để báo chí "chất vấn" tiếp.
Mới đây, khi các phóng viên hỏi về quan điểm của ông trong vụ bác sỹ ném xác nạn nhân xuống sông, ông đã xúc động ứa lệ nói: “Tôi từng này tuổi rồi nhưng nói thật, vẫn có những vụ việc còn khiến tôi run người lên vì giận...”.
Có thể, ông giận dữ trước hành vi phi nhân tính của những người ''từ mẫu'' đáng lẽ phải là một biểu tượng của lương tri. Cũng có thể, bộ trưởng xúc động trước khuôn mặt của người chồng nạn nhân, giờ đau đớn đến mức không còn có thể khóc được nữa. Nhưng đúng hơn, đó là những cảm xúc đồng cảm của một con người với một con người.
Một phóng viên trực tiếp có mặt bấy giờ kể lại là, tất cả đã lặng đi khi chứng kiến sự xúc động trào dâng của vị Bộ trưởng.
Giờ đây, ông Đam đã làm đến chức Phó thủ tướng Chính phủ. Chức vụ lớn hơn rất nhiều so với “Chủ tịch huyện” mà ông đã từng mong muốn. Chức vụ lớn hơn cũng đồng nghĩa trách nhiệm sẽ nặng nề hơn, công việc cũng nhiều hơn nhưng dù ở cương vị nào, ở đâu, tôi tin rằng ông Đam cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
Sinh ngày: 3/2/1963.
Quê quán: Hải Dương.
Học vị: Tiến sỹ.
Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI.
7/1982-9/1988: Lưu học sinh tại Vương quốc Bỉ.
10/1988-10/1990: Cán bộ Công ty Dịch vụ kỹ thuật và Xuất nhập khẩu, Tổng cục Bưu điện.
10/1990-2/1992: Chuyên viên Ban Phát triển kỹ thuật và Quan hệ đối ngoại, Tổng công ty Bưu chính – Viễn thông Việt Nam.
3/1992-4/1993: Chuyên viên Văn phòng Tổng cục Bưu điện.
4/1993-10/1994: Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Bưu điện.
10/1994-11/1995: Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ.
11/1995-8/1996: Quyền Vụ trưởng rồi Vụ trưởng Vụ ASEAN, Văn phòng Chính phủ.
8/1996-8/1998: Vụ trưởng, Thư ký Thủ tướng Chính phủ.
8/1998-3/2003: Trợ lý Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt.
3/2003-7/2005: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh.
8/2005-11/2007: Thứ trưởng Bộ Bưu chính – Viễn thông.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
11/2007-5/2008: Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh.
5/2008-3/2010: Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.
Từ 3/2010: Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII, được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.