Theo Tổ chức Y tế thế giới, tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân đứng thứ hai gây tử vong và thương tích nghiêm trọng đối với trẻ em tại Việt Nam, sau tai nạn đuối nước. Trung bình, mỗi năm có hơn 1.900 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông. [1]
Để giảm tai nạn giao thông liên quan đến trẻ, bên cạnh sự tuyên truyền, giáo dục của nhà trường, còn là vai trò quan trọng của các bậc phụ huynh.
Phụ huynh dạy con kỹ năng tham gia giao thông từ khi học mầm non
Anh Bùi Văn Sáu (trú tại huyện Kim Bôi, Hoà Bình) chia sẻ, vợ chồng anh có hai con, một cháu chuẩn bị lên lớp 3 và một cháu lên lớp 1. Cả hai con của anh đều được giáo dục về kỹ năng khi đi trên đường ngay từ khi học bậc mầm non.
"Vợ chồng tôi dạy bảo các cháu đi bên phải đường từ khi các cháu còn đang học mầm non. Bên cạnh đó, các con cũng được dạy về kỹ năng quan sát khi sang đường phải nhìn trước, nhìn sau.
Còn ở trường, các con cũng được giảng dạy về việc tham giao thông an toàn", anh Sáu chia sẻ.
Vị phụ huynh cho biết, vào đầu năm học, nhà trường cũng phổ biến cho học sinh về kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Giả dụ, khi học sinh được người thân chở, các con sẽ phải đội mũ bảo hiểm.
Hằng ngày, anh Sáu đưa đón hai con đến trường và về nhà, trên đường đi, anh gặp những tốp học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông đi xe đạp, xe đạp điện, xe máy dưới 50 cc dàn hàng hai, hàng ba, điều này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
"Có trường hợp, học sinh học lớp 2 được bố mẹ giao cho phương tiện xe đạp để tự đến trường. Tôi nhận thấy như vậy không ổn, vì ở độ tuổi đó, học sinh chưa có kinh nghiệm, kỹ năng xử lý các tình huống bất ngờ. Giả dụ, khi học sinh đi đến đoạn đường cua, nghe thấy tiếng còi ô tô kêu to sẽ bị giật mình, ngã xe..., anh Sáu nhận định.
Kể lại một vụ tai nạn giao thông "kinh hoàng" xảy ra cách đây vài tháng tại địa phương, anh Sáu cho hay, một nam sinh trung học phổ thông có biểu hiện say rượu lái xe máy đi trên đường đã tông trực diện với xe máy đi ngược chiều, khiến cả hai thiệt mạng.
Sau vụ tai nạn đó, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm giao thông.
Hay như ở địa phương từng có vụ việc, học sinh tiểu học lái xe máy đến trường, ngay sau đó các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc xử lý tạo sự răn đe. Từ đó đến nay, không còn xảy ra tình trạng như trên.
Nhận định về những nguyên nhân xảy ra tai nạn với lứa tuổi học sinh, anh Sáu cho rằng, việc học sinh được bố mẹ giao phương tiện như xe đạp điện, xe máy điện, xe máy dưới 50cc để tham gia giao thông là không ổn, bởi các cháu chưa có sự trang bị về các kỹ năng tham gia giao thông an toàn.
Phụ huynh vượt đèn đỏ bị con nhắc nhở
Theo anh Tại Văn Tuấn (phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội), khu vực nơi anh sống là nơi đông dân cư, chủ phương tiện tham gia giao thông dày đặc. Vì vậy, hai con của anh chuẩn bị lên lớp 1 và lớp 2, anh vẫn không cho con đi chơi một mình và nếu đi, vợ chồng anh sẽ phải luôn theo dõi.
Về việc giảng dạy an toàn giao thông trong trường học, anh Tuấn cho biết, ở trường mầm non, cô giáo cũng giảng dạy về việc khi gặp đèn đỏ sẽ dừng lại, hoặc cho các bé tham gia giao thông thực tế với mô hình được nhà trường xây dựng tại khuôn viên trường.
"Có hôm con bị ốm, tôi lái xe máy vượt đèn đỏ đưa con đi mua thuốc, sau đó khi về nhà con nói, bố vượt đèn đỏ là sai nhé. Khi đó, tôi thừa nhận với con là mình đã vi phạm an toàn giao thông, đồng thời việc có thể xảy ra va chạm với phương tiện khác, gây ùn tắc...khi vượt đèn đỏ", anh Tuấn nhớ lại.
Chị Nguyễn Thị Chung (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, gia đình chị có 3 con, trong đó cháu nhỏ nhất đang học lớp 7, hai anh lớn của cháu đang học đại học.
Đối với bé học lớp 7, cháu đi học ở trường gần nhà, nhưng chị vẫn thường luôn phải nhắc nhở con đi đường phải quan sát, đi đúng vạch chỉ đường cho người đi bộ.
Khi đi trên đường, chị Chung làm gương cho con bằng cách chấp hành luật giao thông, giả dụ, việc dừng đèn đỏ, để ý các biển báo để đi đúng theo sự chỉ dẫn. Qua đó, con cũng có thể học được một số kỹ năng khi đi trên đường.
"Con còn bé, cũng như chưa đủ các kỹ năng, sự hiểu biết để xử lý các tình huống khi tham gia giao thông nên tôi chưa cho con đi xe đạp điện hay xe máy điện", chị Chung nói
Vị phụ huynh cho biết, ở trường, các bạn cùng trang lứa với con, cũng chưa có ai được bố mẹ giao phương tiện để đi đến trường.
Đa dạng các loại hình giáo dục về an toàn giao thông trong trường học
Còn tại vùng ngoại thành Hà Nội, thầy giáo Nguyễn Trung Kiên (giáo viên Trường Trung học cơ sở Thư Phú, Thường Tín) cho biết, vào những tháng an toàn giao thông, Liên đội của nhà trường thường lồng ghép những nội dung về an toàn giao thông, để học sinh bổ sung các kỹ năng khi tham gia giao thông.
"Trong buổi chào cờ, giáo viên phụ trách Liên đội trường sẽ tư vấn, nói chuyện với một số em học sinh về việc tham gia giao thông như phải đội mũ bảo hiểm khi được chở đi trên đường, không được lái xe máy khi chưa đủ tuổi...", thầy Kiên chia sẻ.
Theo thầy Kiên, bên cạnh hoạt động trên, trong các tiết giảng dạy của giáo viên cũng có sự lồng ghép an toàn giao thông vào các môn học.
Giả dụ, đối với môn như khi giáo viên môn Vật lý giảng dạy bài học về vận tốc, giáo viên sẽ nói đến tốc độ để đảm bảo an toàn để xử lý các tình huống trong tham gia giao thông là 40 km/giờ...
Chia sẻ về gia đình, thầy Kiên cho hay, thầy có ba người con, trong đó cháu nhỏ nhất đang học lớp 7. Bên cạnh việc nhà trường giáo dục các em về kỹ năng khi đi trên đường, thì khi con về nhà, thầy Kiên cũng luôn nhắc nhở con phải chấp hành đúng các quy định khi tham gia giao thông.
"Tôi chưa cho con đi xe đạp điện hay xe máy điện, bởi ở độ tuổi của các con sẽ chưa đủ các kỹ năng để xử lý các tình huống trong tham giao thông", thầy Kiên nhận định.
Giáo viên Lê Thị Lan (giảng dạy một trường tiểu học ở huyện Thường Tín) cho hay, tại trường học của cô đang giảng dạy, hằng năm, nhà trường thường tổ chức một buổi hoạt động ngoại khoá về an toàn giao thông để học sinh bổ sung kiến thức khi đi đường cho học sinh.
Theo đó, nhà trường sẽ chuẩn bị các bộ câu hỏi về giao thông đường bộ để học sinh về nhà tìm hiểu câu trả lời. Sau đó, nhà trường tổ chức một buổi ngoại khoá để tìm hiểu về cuộc thi an toàn giao thông.
“Giáo viên tổng phụ trách Liên đội của nhà trường sẽ đọc các câu hỏi, học sinh sẽ giơ tay để trả lời. Ai trả lời sẽ được phần quà nhỏ để khích lệ như quyển vở, gói bim bim...., học sinh khi được nhận quà, ai ai cũng rất vui”, cô Lan chia sẻ.
Ngoài các câu hỏi, còn có những tình huống, tiểu phẩm về an toàn giao thông giúp cho học sinh có góc nhìn sinh động. Từ đó, học sinh được bổ sung các kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống khi đi trên đường.
Link bài viết tham khảo:
1) https://mt.gov.vn/vn/tin-tuc/48888/dam-bao-an-toan-giao-thong-cho-tre-em-tu-y-thuc-cua-cha-me.aspx