Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh như trên tại buổi tiếp xúc với cử tri Q.1, TP.HCM sáng 29/6, sau khi kỳ họp thứ 9 – Quốc hội khóa 13 vừa kết thúc.
Cùng dự với Chủ tịch nước còn có lãnh đạo TP.HCM, các thành viên của tổ đại biểu Quốc hội số 1 – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM.
Tại buổi tiếp xúc này, các vị đại biểu Quốc hội đã nghe cử tri nói nhiều vấn đề thiết thực có liên quan đến cuộc sống hàng ngày của người dân, như: Lãng phí trong đầu tư công, giá điện và giá xăng đang tăng bất hợp lý, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức ngày càng sụt giảm, chính sách bảo hiểm y tế bất hợp lý, tình hình biển Đông ngày càng phức tạp…
Cử tri Nguyễn Việt Hùng bức xúc đặt vấn đề: “Ngư dân đánh bắt xa bờ tại vùng đất của nước ta, nhưng lại bị Trung Quốc gây khó dễ. Vậy Nhà nước đã có giải pháp gì để giúp đỡ ngư dân?”
Một số cử tri khác thì thể hiện sư lo lắng, khi Trung Quốc ngày càng mở rộng, bồi lấp các đảo chìm, là hành động xâm phạm, lấn át chủ quyền của Việt Nam. Thời gian qua, Trung Quốc đã liên tục gây rối, cản trở, gây hư hỏng phương tiện của ngư dân chúng ta.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu với cử tri Q.1, TP.HCM (ảnh: Báo dân trí) |
Giải đáp cho cử tri hiểu vấn đề này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khẳng định: Từ rất lâu, Nhà nước đã có những chính sách, giải pháp để hỗ trợ ngư dân.
Ngoài ra, rất nhiều tổ chức, quỹ đứng ra nhận hỗ trợ cho ngư dân Việt Nam. Đích thân Chủ tịch nước cũng đã rất nhiều lần đi xuống tận các vùng biển để kiểm tra tính hiệu quả của các chính sách hỗ trợ ngư dân.
Sóng dậy Biển Đông và 8 ngày đi biển cùng ngư dân xứ Nghệ |
Người đứng đầu Nhà nước đã nhấn mạnh: Trong khả năng của mình, Nhà nước luôn hỗ trợ hết mình bà con ngư dân. Điều đó thể hiện ở việc đội tàu công suất lớn của người dân ngày càng gia tăng. Thế nhưng, trong các chính sách này, vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà, nhiêu khê cần phải khắc phục.
“Chắc chắn, chúng ta sẽ không thể để cho ngư dân tự bơi một mình được” – Chủ tịch Trương Tấn Sang nhấn mạnh.
Trước ý kiến cho rằng, Việt Nam đã phản ứng không mạnh mẽ cho việc Trung Quốc đã liên tục gây hấn trên biển Đông, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đáp: Vấn đề này với Trung Quốc đã từng có nhiều cuộc đàm phán nảy lửa, chứ không phải chỉ là những lời phản đối đơn giản.
“Cả hệ thống chính trị của chúng ta đều đã làm việc đối với các sự việc có liên quan đến Trung Quốc, nhiều nước khác, chứ không phải chỉ riêng Bộ Ngoại giao…” – Chủ tịch nước nói.
“Hãy nói những sự thật, tâm sự của người dân”
Trước phản ánh của cử tri khi cho rằng, bộ máy và cán bộ công chức của Nhà nước quá cồng kềnh, Chủ tịch nước đã chia sẻ: Cần phải tinh giảm biên chế để tiến hành cải cách tiền lương. Bởi lẽ, trong những năm vừa qua, để duy trì một bộ máy như vậy, chúng ta phải chi thường xuyên chiếm đến 72% tổng ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, Việt Nam còn phải đi vay nợ để chi thường xuyên, chi cho đầu tư phát triển. “Tôi báo động chuyện này để các cử tri cùng góp sức. Nếu có phê phán chúng tôi cùng đành chịu. Nợ công mà còn tăng thêm lên nữa thì coi chừng đổ vỡ. Rất nguy hiểm” – Chủ tịch nước bày tỏ.
Cuối cùng, Chủ tịch nước đã thẳng thắn kêu gọi: Trong các buổi tiếp xúc cử tri, cán bộ và Bí thư lúc nào cũng có nhiều, nhưng ra ngoài thì tỷ lệ dân ngày càng nhiều. Vậy thì tại sao, những sự thật, tâm sự đúng đắn của người dân không mang đến đây?
“Tôi hiểu trong các buổi tiếp xúc cử tri luôn có chọn lọc vấn đề, nhưng đừng đến mức sự thật cũng không dám nói ra, sẽ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân, nên hãy nói những sự thật, tâm sự của người dân” – Chủ tịch nước kết luận.