Chấm dứt hoạt động doanh nghiệp thực phẩm chức năng không đạt chuẩn

29/03/2016 16:51
Mai Anh
(GDVN) - Theo TS Nguyễn Thanh Phong, những doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng không đáp ứng được các tiêu chuẩn cần phải chấm dứt hoạt động.

Chấm dứt hoạt động doanh nghiệp không đáp ứng tiêu chuẩn

Trao đổi thẳng thắn tại Hội thảo lấy ý kiến xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hành sản xuất (GMP) với thực phẩm chức năng, TS. Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, qua kiểm tra thực tế nhiều doanh nghiệp thực phẩm chức năng trong nước không đạt tiêu chuẩn trong sản xuất thực phẩm chức năng.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đầu tư hàng tỷ đồng vào cơ sở vật chất để sản xuất thực phẩm chức năng. Điều này tạo nên sự không công bằng trong cạnh tranh giữa doanh nghiệp đầu tư lớn sản xuất hiện đại với doanh nghiệp nhỏ lẻ.

Hội thảo lấy ý kiến xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hành sản xuất (GMP) với thực phẩm chức năng.
Hội thảo lấy ý kiến xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hành sản xuất (GMP) với thực phẩm chức năng.

Trước thực trạng trên, dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm thực hiện xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hành sản xuất với thực phẩm chức năng.

“Mục tiêu đầu tiên là đảm bảo quyền lợi, sức khỏe cho người tiêu dùng, tạo hành lang pháp lý minh bạch, công khai công bằng hơn cho các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng”, TS. Nguyễn Thanh Phong cho biết.

Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, dù trên thế giới cũng như Khu vực Đông Nam Á (ASEAN) và cả Việt Nam chưa yêu cầu bắt buộc thực phẩm chức năng phải sản xuất thực nghiệm GMP, nhưng trên thực tế với những cơ sở nhỏ lẻ rất khó để đảm bảo chất lượng, khó duy trì kiểm tra chất lượng định kỳ.

Trong khi cùng sản phẩm thực phẩm chức năng đó với cơ sở nhỏ lẻ giá thành dứt khoát phải rẻ hơn, điều này tạo nên sự không công bằng.

Cùng với thực tế thị trường Việt Nam, thống nhất của các nước trong khối ASEAN năm 2021 bắt buộc áp dụng GMP trong sản xuất thực phẩm chức năng, vì thế Việt Nam càng áp dụng sớm thực hành sản xuất thực phẩm chức năng sẽ càng tăng cơ hội phát triển sản phẩm thực phẩm chức năng trong nước đồng thời vươn ra thị trường khu vực và thế giới.

Những doanh nghiệp nào không đáp ứng được các tiêu chuẩn cần phải chấm dứt hoạt động. 

TS. Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phát biểu tại hội Nghị
TS. Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phát biểu tại hội Nghị

Tuy quyết tâm đưa tiêu chuẩn GMP vào sản xuất thực phẩm chức năng là yêu cầu bắt buộc để hội nhập nhưng theo TS. Nguyễn Thanh Phong, sẽ không vội vàng nhằm tránh thiệt hại cho cơ sở sản xuất mới. Ngược lại, sẽ tạo điều kiện về thời gian để doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng đầu tư về trang thiết bị, con người nhân lực.

Người tiêu dùng là lẽ sống

Theo Cục An toàn thực phẩm, hiện trên cả nước có hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng với hơn 20.000 sản phẩm chức năng được cấp phép.

Trong đó, khoảng hơn 60% sản phẩm thực phẩm chức năng được cấp phép sản xuất trong nước, trong số này nếu áp dụng tiêu chuẩn GMP sẽ phải có khoảng hơn 50% doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn thực hành sản xuất.

Như vậy đặt ra vấn đề những doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn thực hành sản xuất thực phẩm chức năng sẽ buộc phải chuyển qua kinh doanh mặt hàng khác hoặc phải xây dựng lại cơ sở sản xuất, đào tạo đội ngũ con người…

“Dù như vậy nhưng doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận vì nếu đã tham gia ngành sản xuất thực phẩm chức năng doanh nghiệp buộc phải thay đổi. Nếu không doanh nghiệp sẽ thất bại ngay chính thị trường Việt Nam”, TS. Phong cho biết.

Theo TS. Nguyễn Thanh Phong sẽ không vội vàng áp dụng GMP trong sản xuất thực phẩm chức năng nhằm tránh thiệt hại cho cơ sở sản xuất mới.
Theo TS. Nguyễn Thanh Phong sẽ không vội vàng áp dụng GMP trong sản xuất thực phẩm chức năng nhằm tránh thiệt hại cho cơ sở sản xuất mới. 

Theo người đứng đầu Cục An toàn thực phẩm, dự định tháng 6/2017 GMP thực phẩm chức năng sẽ áp dụng toàn quốc.

Tuy nhiên thời điểm này hơi gấp, có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng. Do vậy Cục An toàn thực phẩm dự tính nếu đưa ra một thời gian cụ thể để buộc doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng phải thực hiện quy trình GMP thì Cục An toàn thực phẩm sẽ có những cách thức hỗ trợ.

Ví dụ với doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn GMP sẽ gia hạn dài hơn giấy phép công bố thực phẩm chức năng, giảm tầng suất kiểm tra sản xuất.

Ngược lại với doanh nghiệp chưa đủ tiêu chuẩn GMP, sẽ tăng thời gian kiểm tra sản xuất, rút ngắn thời gian giấy phép công bố thực phẩm chức năng. Cách làm này sẽ thúc dục doanh nghiệp buộc phải đổi mới, buộc doanh nghiệp phải thực hành sản xuất thực phẩm chức năng theo tiêu chuẩn GMP.

Nêu quan điểm thực hành GMP trong thực phẩm chức năng là cần thiết, PGS.TS Lê Văn Truyền - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng hướng phát triển này là bền vững khi chúng ta hội nhập quốc tế, nếu sản phẩm thực phẩm chức năng do Việt Nam sản xuất không đảm bảo có khi chúng ta thua trên chính thị trường Việt Nam.

Theo PGS.TS Lê Văn Truyền, thực phẩm chức năng là thế mạnh của Việt Nam khi chúng ta có nền y học cổ truyền đứng đầu thế giới: “Tại sao các nước không có bề dày về y học cổ truyền, không có lợi thế về nguồn dược liệu nhưng lại phát triển mạnh thực phẩm chức năng? Bởi họ biết áp dụng khoa học kỹ thuật. Vì vậy áp dụng GMP với thực phẩm chức năng là cần thiết".

PGS.TS Lê Văn Truyền nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo
PGS.TS Lê Văn Truyền nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo

PGS.TS Lê Văn Truyền cho rằng, quá trình áp dụng GMP không bao giờ kết thúc, đòi hỏi doanh nghiệp phải luôn phát triển theo sự phát triển của thị trường để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

“Một khi cơ quan quản lý đưa ra khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn GMP, doanh nghiệp đừng cho rằng cơ quan quản lý gây khó mà điều cơ quan quản lý muốn là để hàng hóa mang dấu ấn người tiêu dùng.

Người tiêu dùng bây giờ là lẽ sống của doanh nghiệp, nếu người tiêu dùng quay lưng doanh nghiệp chỉ còn cách giải thể hoặc chuyển sang sản xuất mặt hàng khác”, PGS.TS Lê Văn Truyền cho biết.

Góp ý cho viết xây dựng tài liệu hướng dẫn GMP với thực phẩm chức năng, PGS.TS Lê Văn Truyền cho rằng cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp áp dụng GMP, đó sẽ là nút bấm để đưa toàn bộ cơ chế vào hoạt động.

Được biết, hướng dẫn GMP với thực phẩm chức năng gồm 10 nội dung: Quản lý chất lượng; nhân sự - đào tạo; Nhà xưởng và thiết bị; vệ sinh; hồ sơ tài liệu; sản xuất; kiểm soát chất lượng; sản xuất kiểm nghiệm theo hợp đồng; khiếu nại và thu hồi; tự kiểm tra.

Ngoài ra còn có 5 phụ lục gồm: Danh mục tài liệu về phương pháp kiểm nghiệm; thẩm định; Nghiên cứu độ ổn định; Bảng câu hỏi tự kiểm tra; Mẫu quy trình sản xuất – hồ sơ lô thành phẩm – các thành phần bộ hồ sơ thành phẩm.

Mai Anh