Chàng trai mang gương mặt “quỷ”, 22 tuổi như học sinh tiểu học

30/07/2012 06:19
Thùy Dương
(GDVN) - Từ khi mới sinh ra Nguyên và Hằng đã mang trong mình căn bệnh thiếu máu huyết tán, khuôn mặt bị biến dạng đến nỗi không thể nhận ra. Người ác khẩu thì bảo “hai anh em nhà họ có gương mặt quỷ”.   
Căn bệnh quái ác! Gặp 3 mẹ con chị Bàn Thị Tâm (người dân tộc Dao, thôn Khe Cát, xã Tân Dân, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh) tại Khoa nội của Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi không khỏi xót xa khi nhìn thấy gương mặt của 2 anh em đã bị biến dạng vì căn bệnh quái ác thiếu máu huyết tán. Chị Tâm bùi ngùi kể cho chúng tôi nghe về 2 đứa con tội nghiệp. Cuộc đời đã không ưu ái Triệu Kim Nguyên như bao đứa trẻ khác. Từ khi mới sinh ra Nguyên đã còi cọc, ốm yếu. Chị Tâm phải rất vất vả để nuôi Nguyên. Lớn hơn một chút Nguyên càng yếu, những trận ốm liên miên hành hạ tấm thân gầy gò.
Chị Tâm đau xé lòng vì căn bệnh quái ác đang ngày ngày hành hạ 2 đứa con
Chị Tâm đau xé lòng vì căn bệnh quái ác đang ngày ngày hành hạ 2 đứa con
Thế rồi chị Tâm cho con đi bệnh viện khám thì phát hiện con mình bị thiếu máu huyết tán. Nước mắt đầm đìa, hỏi bác sĩ mãi, chị mới được biết mắc bệnh thiếu máu huyết tán thì hồng cầu trong máu sinh ra sẽ tự vỡ, tự tiêu huỷ gây thiếu máu, vàng da. Nếu không điều trị sớm sẽ sinh ra những biến chứng như ứ đọng sắt khiến gan, lá lách to dần, xương khớp đau nhức, dễ gãy, có thể dẫn đến tử vong.
Chị Tâm như ngã quỵ khi bác sĩ nói rằng cách chữa bệnh duy nhất là phải tiếp máu hàng tháng cho người bệnh và hàng ngày phải uống hoặc tiêm thuốc thải sắt. Nhưng thuốc thải sắt thì rất đắt, gần 900.000 đồng/lọ. Còn một biện pháp nữa là thay tuỷ cho người bệnh thì rất khó vì tìm người có tuỷ phù hợp và chi phí thay tuỷ là rất lớn. Kinh tế nhà đã khó khăn nay càng kiệt quệ hơn. "Cháu thương mẹ lắm, mẹ cháu không có tiền"! Nỗi bất hạnh tưởng như chỉ dừng lại ở đấy nhưng thật đau đớn khi đứa con gái út của chị cũng mắc bệnh như anh trai nó. Càng lớn khuôn mặt hai anh em càng biến dạng, hai bên cằm và hai bên má bạnh ra. Những đứa trẻ khác trong thôn khi nhìn thấy Nguyên và Hằng đều khóc thét. Những người ác miệng thì bảo anh em chúng có gương mặt quỷ. Hai anh em thu mình vào trong vỏ bọc “không hoàn hảo” của mình. Không ai muốn chơi với chúng vì kinh hãi khuôn mặt kì dị ấy. Chị Tâm nói như khóc với chúng tôi: “Nhà chẳng còn gì cả cô chú ạ, có bao nhiêu tiền đều đổ hết vào việc chữa bệnh cho 2 cháu. Mỗi lần đi chữa bệnh phải dành dụm, chắt bóp mãi, vay anh chị em, hàng xóm láng giềng mỗi người một tý.
Hai anh em Nguyên và Hằng
Hai anh em Nguyên và Hằng
Lần trước phải bán hết đồ trong nhà đi mới đủ tiền để mổ lá nách cho hai đứa. Có nhiều lần chỉ đủ tiền để truyền máu cho thằng anh, còn con em cho ở nhà chờ, khi nào thằng anh truyền máu xong, tôi về kiếm tiền đủ mới lại cho con em lên. Mỗi năm tôi phải đưa hai đứa lên bệnh viện 4 lần, mỗi lần hơn một tuần. Có thẻ bảo hiểm nhưng mỗi lần đi cũng phải chi tiêu mất vài triệu, tốn kém lắm. Bệnh viện có đủ máu thì không sao, chứ nhiều khi họ không đủ là mẹ con tôi phải hàng tuần ăn chực nằm chờ”. Căn nhà của vợ chồng chị Tâm trước được nhà nước hỗ trợ 25 triệu đồng để xoá nhà tạm nay càng xác xơ tiêu điều hơn vì những trận ốm của hai đứa trẻ. Cả gia đình trông chờ vào 5 sào ruộng và những bao thuốc lam. Hàng ngày, chị Tâm phải lên rừng chặt những cây thuốc lam rồi đem phơi khô để đi bán, mỗi bao được 160 nghìn đồng, cả tháng may ra chị kiếm được 5 bao.
Nụ cười hiếm hoi trên khuôn mặt chị Tâm trước những đau thương của số phận
Nụ cười hiếm hoi trên khuôn mặt chị Tâm trước những đau thương của số phận
 Nhìn những đứa con của mình ngày một gầy mòn, héo hon đi, chị Tâm chỉ biết khóc. Đôi mắt trũng sâu vì những đêm dài nằm khóc thương con. Chị bảo: “Thương nhất là thằng Nguyên, 22 tuổi mà trông như một đứa trẻ con. Bằng tuổi nó, trong làng có đứa đã lấy vợ còn nó thì…Tháng đầu sau khi truyền máu còn sinh hoạt bình thường, khi phát bệnh là đau đầu quằn quại. Có lần đau quá nó không chịu được cứ ôm đầu đập vào tường. Đến bữa chẳng thiết ăn uống gì nữa”. Học hết lớp 6, Nguyên đã phải nghỉ học vì quá yếu, một phần vì gia đình quá khó khăn. Còn Hằng năm nay 12 tuổi cũng phải nghỉ học vì: “cháu thương mẹ lắm, mẹ cháu không có tiền”. Đôi mắt ngây thơ của cô bé chợt đượm buồn khi nghĩ đến việc mình không được đi học nữa. Đặt bàn tay gầy gò, vàng nhợt của hai đứa trẻ lên tay mình lòng tôi như thắt lại. Chỉ mong sao chúng có đủ máu để sống, chỉ mong sao chúng được tung tăng cắp sách đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa khác.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1. Chị Bàn Thị Tâm (người dân tộc Dao, thôn Khe Cát, xã Tân Dân, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh)
 

2. Hoặc gửi về Quỹ Tấm Lòng Việt Nam - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

3. Qua Ngân hàng:

- Tên Tài khoản: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy.

- Swift Code: VBAAVNVX

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn

Thùy Dương