Tên lửa đẩy Soyuz mang theo 2 vệ tinh của hệ thống Galileo vào vũ trụ |
Tân Hoa xã cho biết, ngày 12/10, châu Âu đã phóng thành công 2 vệ tinh của hệ thống dẫn đường vệ tinh toàn cầu Galileo cho thấy, việc xây dựng hệ thống này đã đạt thành quả quan trọng mang tính giai đoạn.
Trong không gian vũ trụ hiện nay có 4 vệ tinh chính thức của hệ thống Galileo, sẽ có thể tạo thành mạng lưới, bước đầu phát huy chức năng định vị chính xác mặt đất.
Công ty Không gian Ariane châu Âu vừa tuyên bố, ngày 12/10 công ty này sử dụng tên lửa đẩy Soyuz (Nga) phóng thành công 2 vệ tinh của hệ thống Galileo từ Trung tâm phóng hàng không vũ trụ Kourou ở Guiana thuộc Pháp.
Tháng 10/2011, Công ty Không gian Ariane (Arianespace) lần đầu tiên sử dụng tên lửa đẩy Soyuz phóng thành công lô 2 vệ tinh đầu tiên của hệ thống này.
Công ty Không gian Ariane cho biết, 4 vệ tinh sẽ tạo thành một hệ thống mini (nhỏ) để tiến hành kiểm tra sơ bộ đối với hệ thống, đồng thời bảo đảm các vệ tinh khác của hệ thống này phóng trong tương lai có thể đi vào quỹ đạo đã định một cách chuẩn xác, vận hành bình thường.
Didier Feiver, Chủ nhiệm Ban Dẫn đường Cục Hàng không vũ trụ châu Âu cho biết, mùa xuân năm tới, 4 vệ tinh đã tạo thành mạng lưới này sẽ có thể cung cấp dịch vụ dẫn đường lần đầu tiên.
Sau khi phóng thành công lần này, Paul Vlaams – người phụ trách chương trình Galileo của Ủy ban Liên minh châu Âu (EU) cũng cho biết, EU tin rằng hệ thống Galileo sơ bộ đầu tư vào hoạt động từ năm 2014.
Hệ thống Galileo được hợp thành bởi 2 trung tâm kiểm soát mặt đất và 30 vệ tinh, trong đó có 27 vệ tinh hoạt động, 3 vệ tinh dự phòng.
Độ cao của quỹ đạo vệ tinh là 24.000 km, ở trong 3 mặt phẳng quỹ đạo có góc chếch là 56 độ. Tất cả vệ tinh của hệ thống này do Công ty Không gian Ariane phụ trách công tác phóng cụ thể.
Là tổ chức đi đầu chủ yếu của chương trình Galileo, Cục Hàng không vũ trụ châu Âu có kế hoạch lần lượt phóng 3 lần và 2 lần tên lửa Soyuz vào năm 2013, 2014, mỗi lần tên lửa mang theo 2 vệ tinh của hệ thống Galileo.
Ngoài ra, Cục Hàng không vũ trụ châu Âu cũng có kế hoạch vào năm 2014 sử dụng một quả tên lửa Ariane được cải tạo đặc biệt để phóng 4 vệ tinh hệ thống Galileo trong 1 lần, đến năm 2015 tiếp tục sử dụng loại tên lửa này để phóng 2 lần.
Theo truyền thông châu Âu, hệ thống Galileo có ý nghĩa quan trọng đối với Liên minh châu Âu, nó không chỉ có thể làm cho cuộc sống của con người thuận lợi hơn, mà còn đem lại lợi ích, hiệu quả kinh tế khả quan cho công nghiệp và thương mại của EU.
Điều quan trọng hơn là, EU từ đó sẽ sở hữu hệ thống dẫn đường vệ tinh toàn cầu của riêng họ, giúp phá vỡ thế độc quyền của hệ thống GPS Mỹ, từ đó giành được vị thế có lợi trong làn sóng cạnh tranh công nghệ cao toàn cầu, càng có khả năng tạo điều kiện để xây dựng quốc phòng độc lập cho châu Âu.