Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) một lần nữa nêu những bức xúc của cử tri tại phiên thảo luận về báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Thủ tướng, Viện Kiểm sát và Tòa án nhân dân Tối cao.
Ông Phương chỉ rõ, cử tri và nhân dân rất bức xúc, thường xuyên kiến nghị Chính phủ cần quan tâm, đó là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng lãng phí, tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp.
“Gần đây Tổng bí thư có nêu một khái niệm là chạy luân chuyển. Điều đó có nghĩa có chính sách gì mới là chạy. Việc này dân biết, Đảng biết, Chính phủ và các ban, ngành biết. Nhưng chúng ta thiếu một cơ chế, cơ sở để gắn trách nhiệm cho người đứng đầu trong quá trình xử lý và chính vì thế câu hỏi: Chạy ai? Ai chạy? chúng ta chưa trả lời được”, ông Phương nói.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, đang thiếu cơ chế gắn trách nhiệm cho người đứng đầu. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Đồng thời, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cũng đánh giá, tình giảm biên chế, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý bộ máy nhà nước chưa tốt. Hạn chế này có cả trong Đảng, Quốc hội và trong Chính phủ. Vì vậy, cần tập trung trong thời gian tới để tinh giảm biên chế và thực hiện cải cách tiền lương công bằng và trách nhiệm cho Chính phủ.
Cùng có chung mối quan tâm này, nhưng Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) đặt vấn đề ở một góc độ khác.
"Nhân dân chán lắm rồi các cán bộ chỉn chu và trau chuốt" |
Ông Sơn nêu: “Cử tri cũng nói với tôi là Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước khi đi gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, đi làm việc ở các địa phương luôn luôn thể hiện là những người rất căm ghét những kẻ tham nhũng, thái độ cũng rất rõ ràng.
Tuy nhiên, cử tri lại hỏi không biết Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đứng ở vị trí nào? Có quyền hạn gì trong trận chiến đấu tranh chống lại tham nhũng? Chủ tịch nước được làm gì? và làm được gì trong việc chống lại tham nhũng hiện nay.
Những hạn chế này, tôi cho rằng có những nguyên nhân khách quan. Về chủ quan thì tôi thấy, Chủ tịch nước đã hết sức cố gắng, hết sức mình vì dân, vì nước để thực hiện nhiệm vụ của mình.
Tuy nhiên, những lý do khách quan tôi cho là do những quy định của Hiến pháp của chúng ta rõ lên một bước nhưng chưa cụ thể, nên cũng khó, Chủ tịch nước muốn làm thì cũng khó có thể thực hiện được theo ý nguyện, mong muốn của mình”.
Từ những tồn tại trên, Đại biểu Nguyễn Anh Sơn kiến nghị. trong nhiệm kỳ tới Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ tới là xây dựng, ban hành luật, chế định Chủ tịch nước.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.Hồ Chí Minh) cũng đánh giá, tình hình tham nhũng nghiêm trọng, xâm phạm quyền lợi của người dân lương thiện và suy yếu tiềm lực đất nước, tàn phá tài nguyên quốc gia nhiệm kỳ qua chưa giảm thiểu được, phạm pháp đang lan tràn và ngày càng táo tợn và công khai.
“Trách nhiệm là của cả hệ thống chính trị nhưng Chính phủ có vai trò chủ công. Trong nhiệm kỳ vừa qua cử tri cho rằng Thủ tướng Chính phủ sớm xử lý kỷ luật vài vụ thì tình hình có thể cải thiện hơn, không nên chờ đến khi đổ bể, họ phải ra tòa.
Cử tri đề nghị Chính phủ tới đây cần phải cải cách cách thức điều hành, Thủ tướng Chính phủ phải mạnh dạn kỷ luật, thậm chí thay thế các Bộ trưởng, các Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, không đợi hết nhiệm kỳ, chấm dứt tình trạng trên bảo dưới làm lơ trong hành pháp”, ông Nghĩa nói.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đánh giá, Tòa án và Viện kiểm sát, chưa cân đối giữa báo cáo trong thành tích và hạn chế tồn tại. Hậu quả của việc này sẽ không đưa ra được giải pháp khắc phục trong nhiệm kỳ tới, làm cho một số nội dung hạn chế của tòa, viện lặp đi lặp lại không giải quyết. Cụ thể, báo cáo của Viện kiểm sát có gần 30 trang kết quả đạt được, nhưng chỉ có nửa trang nêu hạn chế rất chung. Ví dụ, lãnh đạo một số đơn vị chưa thực hiện được quyền hạn, trách nhiệm để một số vụ án kéo dài chưa giải quyết.Một số kiểm sát viên chưa nâng cao được chất lượng tranh tụng, vi phạm kỷ luật nghiệp vụ. Trong lúc đó một số hạn chế làm dư luận bức xúc, tồn tại nhiều năm lại không được đề cập trong báo cáo như để xảy ra oan sai, sai người vô tội, bỏ lọt tội phạm; tạm giam, tạm giữ bị đánh chết, bị bức cung, nhục hình. Việc giải quyết đơn khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm về hình sự, dân sự chưa kịp thời. Vấn đề tiêu cực trong truy tố, trong điều tra còn chậm khắc phục. Về báo cáo của Chánh án Tòa án tối cao có 23 trang nêu về hạn chế, báo cáo chưa nêu một số hạn chế cụ thể như để tình trạng các vụ án quá thời hạn giải quyết theo quy định pháp luật do lỗi chủ quan, lỗi quyết định sai của Toà án. Lỗi sai sót trong thông tin số liệu tuyên sai, tuyên không rõ nội dung gần 5 năm qua với trên 785 bản án, trong đó nhiều vụ án không thi hành được có những bản án tồn đọng trên chục năm. Đặc biệt số lượng tồn đọng đơn thư đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, việc ngăn chặn đẩy lùi tình trạng tiêu cực vi phạm phẩm chất đạo đức, kỷ luật công vụ, vi phạm pháp luật trong tòa án để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, tạo thêm niềm tin của Tòa án trong nhân dân chưa có giải pháp tập trung giải quyết. Từ thực tiễn trên tôi kiến nghị, đối với Quốc hội và Chính phủ cần quan tâm khắc phục chồng chéo hạn chế do pháp luật, pháp lệnh, văn bản dẫn đến chậm và sai sót của Tòa án, quan tâm đến cơ sở vật chất nhất là cơ sở vật chất các huyện thị, không để tình trạng Tòa án, Viện kiểm sát phải thuê, mượn trụ sở như trong báo cáo. Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, khai thác sử dụng nguồn nhân lực hợp lý, không để chảy máu chất xám, quan tâm đến cải cách tiền lương, phụ cấp phù hợp với vị trí, việc làm, đảm bảo công bằng, công khai, tiết kiệm nguồn ngân sách nhà nước. Đối với Tòa án và Viện kiểm sát, đề nghị có giải pháp khắc phục triệt để đơn thư tồn đọng, án tồn đọng ở mỗi loại Tòa án cần phải chấm dứt. Tập trung giải quyết khắc phục hạn chế tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa đổi do lỗi chủ quan của thẩm phán, khắc phục tình trạng số lượng lớn đơn thư đề nghị giám đốc thẩm dù đã giải quyết đạt chỉ tiêu yêu cầu nhưng còn nhiều theo báo cáo của Tòa án nêu. |