Chạy đua với AI, Đại học Kiến trúc Hà Nội đổi mới trong đào tạo Thiết kế đồ họa

24/09/2024 06:16
Lưu Diễm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Sinh viên ngành Thiết kế đồ họa phải được tiếp cận với xu hướng loại hình thiết kế mới như website, TVC, game,... với sự đề cao tính ứng dụng trong thực tế.

Theo thống kê của Trung tâm dự báo Nhân lực và Thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2023, nước ta cần 1.000.000 nhân lực cho ngành học Thiết kế đồ họa. Thế nhưng, nguồn nhân lực cho lĩnh vực này vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu xã hội. Các trường đại học và trung tâm đào tạo mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu nhân lực cho ngành nghề “đắt giá” này.

Chính nhu cầu cao về nhân lực đã tạo ra cơ hội lựa chọn việc làm phong phú cho các cử nhân ngành Thiết kế đồ họa. Được đánh giá là một trong top 10 ngành nghề hot trong thập kỷ tới, Thiết kế đồ họa là công việc của sự sáng tạo, có thu nhập cao, được săn đón, không gò bó thời gian và phù hợp với thế hệ trẻ.

Đặc biệt, trong thời đại hiện đại hóa ngày nay, không ít nhà thiết kế lo lắng trước thực trạng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI có thể thay thế dần sức lao động của con người. Điều này đặt ra thách thức cho cơ sở đào tạo ngành học này có hướng tiếp cận giáo dục mới.

Chuyển mình cùng “cuộc đua” với trí tuệ nhân tạo AI

Có thể nói, Thiết kế đồ họa là ngành học kết hợp giữa ý tưởng sáng tạo thông tin và khả năng cảm nhận thẩm mỹ, thông qua các công cụ đồ họa để truyền tải thông điệp bằng những hình ảnh đẹp, nghệ thuật ấn tượng, đi vào lòng người. Mục tiêu của Thiết kế đồ họa không chỉ đẹp mà còn là sự độc đáo, mới mẻ và khác biệt.

1-1-1.jpg
Đồ án tốt nghiệp tiêu biểu của sinh viên K19 ngành Thiết kế đồ họa, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Ảnh: NTCC.

Trong bất kỳ lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nào, việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Thiết kế đồ hoạ giúp đơn vị đó tạo dựng được hình ảnh, đồng thời truyền tải thông điệp đến khách hàng. Với sự biến hoá của ý tưởng, Thiết kế đồ họa giúp các sản phẩm vừa mang tính nghệ thuật, sáng tạo phù hợp, vừa góp phần truyền tải thông điệp truyền thông tới đông đảo khách hàng, người dân yêu thích và tin tưởng.

Đặc biệt, trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0 hiện nay, không ít nhà thiết kế lo ngại trước thực trạng trí tuệ nhân tạo có thể dần thay thế sức lao động của con người. AI có khả năng cho ra một sản phẩm thiết kế chỉ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, dù có tiện lợi ra sao thì AI vẫn chưa đủ sức để đánh bại sức sáng tạo, tính tỉ mỉ, tư duy thẩm mỹ, ý tưởng đột phá của con người.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Cẩm Ly - Phó trưởng Bộ môn Thiết kế đồ họa, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, chúng ta không thể phủ nhận rằng trong sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp văn hóa hiện nay đã đặt ra những nhiệm vụ quan trọng của Thiết kế đồ họa đối với đời sống con người.

Thứ nhất, các họa sĩ thiết kế phải tìm ra hướng đi làm thế nào để duy trì, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam qua những sản phẩm thiết kế. Thứ hai, sự phát triển không ngừng của công nghệ AI cũng tạo ra những tác động nhất định tới lĩnh vực đào tạo Thiết kế đồ họa.

10-1.jpeg
Sản phẩm trong đồ án tốt nghiệp của sinh viên K19 ngành Thiết kế đồ họa, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Ảnh: NTCC.

Từ đó, các cơ sở đào tạo cần định hướng nghiên cứu, đề xuất những giải pháp, phương án thiết thực nhằm hướng dẫn người học không bị quá phụ thuộc vào trí tuệ nhân tạo, mặc dù sự phát triển của công nghệ là tất yếu, không thể biệt lập, tách rời hoàn toàn khỏi xã hội.

Chúng ta sẽ cần phải chấp nhận một thực tế rằng, việc con người ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào đời sống là xu thế tất yếu. Đặc biệt đối với khối ngành liên quan đến lĩnh vực sáng tạo, người dạy và người học cần tìm tòi những giải pháp thiết kế để cân nhắc đưa vào các chuyên đề về sở hữu trí tuệ trong bản quyền thiết kế; cũng như tìm hiểu những phương pháp sáng tạo thiết kế sao cho sinh viên không bị quá lạm dụng vào công nghệ mà vẫn giữ được bản sắc của mỗi nhà thiết kế.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Thái Bình - Trưởng Khoa Thiết kế mỹ thuật, Trưởng Bộ môn Điêu khắc, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, một tiêu chí tối quan trọng quyết định chất lượng đầu ra của mỗi cơ sở giáo dục là tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm. Trường luôn nỗ lực xây dựng chương trình đào tạo, đổi mới nội dung học liệu để bắt kịp với yêu cầu của các tổ chức công ty, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên của nhà trường không ngừng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, tâm huyết, nghiên cứu kiến thức, kỹ năng mới tiệm cận với thế giới nhằm thu hẹp độ “chững" nhất định trong từng giai đoạn phát triển tất yếu của mỗi cơ sở đào tạo.

Những năm vừa qua, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo. Trong đó, Khoa Thiết kế mỹ thuật bao gồm 3 ngành Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang và Điêu khắc đều đã hoàn thành đánh giá kiểm định chất lượng chương trình đào tạo.

Đặc biệt đây là những ngành đặc thù với nhiều tiêu chí khắt khe, có yêu cầu cao, đòi hỏi phải đạt được như về: cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chuẩn đầu vào và đầu ra của sinh viên,... Chất lượng đào tạo được khẳng định không chỉ về mặt hình thức, mà còn được thể hiện thực chất, chính danh với những tiêu chuẩn cụ thể, chi tiết. Có thể coi đó là “tờ giấy đảm bảo” để khẳng định sự uy tín, khả năng định hướng phát triển của mỗi cơ sở đào tạo.

7-2.jpg
Hội thảo “Sáng tạo IP của người Việt” của Khoa Thiết kế mỹ thuật phối hợp thực hiện cùng nhiều tổ chức doanh nghiệp. Ảnh: NTCC.

Nguyễn Thị Thu Giang - sinh viên lớp 21DH1, Khoa Thiết kế mỹ thuật, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội - đã tích lũy được cho mình những kinh nghiệm làm việc trong một số lĩnh vực như: thiết kế logo, bộ nhận diện, hình minh họa, vẽ truyện ngắn, ấn phẩm truyền thông,...

“Bắt đầu niềm yêu thích với truyện tranh từ nhỏ, em nhen nhóm ước mơ có thể sáng tác một bộ truyện riêng cho mình. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở sở thích, động lực lớn nhất của em khi quyết định theo đuổi ngành Thiết kế đồ họa là niềm đam mê với văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống không nên chỉ được bảo tồn bằng câu chữ khô khan trong tài liệu hàn lâm ở những hiện vật trầm mặc trong bảo tàng, mà còn cần được lan tỏa và thấm nhuần trong cả nhịp sống thường ngày đến với thế hệ trẻ.

Có thể nói, Thiết kế đồ họa là lĩnh vực có tính đại chúng cao nhất trong khối ngành Mỹ thuật ứng dụng. Bởi vậy, khi quyết định theo đuổi con đường này, em tự đặt ra cho mình trách nhiệm đưa những giá trị truyền thống đầy tự hào đến tất cả mọi người, không chỉ trong nước mà cả bạn bè quốc tế”, Thu Giang chia sẻ.

5-1.jpeg
Lễ bảo vệ đồ án tốt nghiệp ngành Thiết kế đồ hoạ có sự tham gia góp ý từ các giảng viên, nhà tuyển dụng, chuyên gia làm việc trực tiếp trong nghề. Ảnh: NTCC.

Với khối lượng công việc phải hoàn thiện khá nhiều và gấp gáp, theo Thu Giang, ngành Thiết kế đồ hoạ đòi hỏi sinh viên phải bắt nhịp với tốc độ làm đồ án liên tục với rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy là thách thức nhưng đó là điều cần thiết trong bối cảnh ngành Thiết kế đồ họa không ngừng mang xu hướng phát triển mới, đòi hỏi những phương án sáng tạo, chạy đua với khoa học - kỹ thuật - công nghệ.

Cọ xát thực tế để nâng cao kỹ năng thực chiến cho sinh viên

Theo Tiến sĩ Nguyễn Cẩm Ly, so với mặt bằng chung sinh viên của các ngành học khác, thì người học Thiết kế đồ họa có cơ hội làm việc rất rộng mở và mức thu nhập tương đối tốt.

Sau khi tốt nghiệp ra trường, người học có thể hoạt động trong vị trí làm việc chuyên môn Thiết kế đồ họa tại các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước hoặc tư nhân của phòng thiết kế, truyền thông, sự kiện, marketing,…; tham gia vào các nhà xuất bản, tòa soạn báo ở vị trí biên tập viên mỹ thuật, họa sĩ minh họa, trình bày sách, tạp chí,...; có khả năng giảng dạy tại trường đại học, cao đẳng có đào tạo về chuyên ngành; tự thành lập nhóm chuyên môn về Thiết kế đồ họa;...

9-1.jpeg
Ngành Thiết kế đồ hoạ gồm 4 tiểu ban chấm đồ án tốt nghiệp của sinh viên K19. Ảnh: NTCC.

Với sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các em có thể tham gia vào một số công việc làm bán thời gian hoặc dự án lẻ. Còn đối với người học tốt nghiệp ra trường, đã có tay nghề thực tiễn, tích lũy được kinh nghiệm, thì mức lương khởi điểm có thể dao động khoảng 15 triệu đồng/tháng, đây là mức thu nhập khá cao so với mặt bằng chung của sinh viên mới ra trường.

Được biết, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội là một trong những cơ sở đào tạo về Mỹ thuật ứng dụng hàng đầu trong cả nước. Trong đó, ngành Thiết kế đồ họa là một ngành học của nhà trường có công tác đào tạo mang nhiều thế mạnh nổi trội. Tiến sĩ Nguyễn Cẩm Ly chia sẻ, các bạn sinh viên được rèn giũa khả năng sáng tạo và thiết kế ngay từ những năm học đầu tiên thông qua khối lượng kiến thức cơ bản, kiến thức cốt lõi ngành và những học phần chuyên sâu của đồ án.

Ngoài những kiến thức đại cương, người học được trang bị nhiều học phần cơ sở ngành như: Hình họa, Design thị giác, Nhiếp ảnh, Cơ sở tạo hình, Mỹ học, Cơ sở văn hóa, Chữ cơ sở,… Đồng thời, sinh viên được tiếp cận với các xu hướng loại hình thiết kế mới như website, TVC, game,... đề cao tính ứng dụng trong thực tế.

Tham gia các sự kiện chương trình hội thảo sâu về chuyên môn cũng là những hoạt động hữu ích giúp người học có thể lắng nghe ý kiến của nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Thiết kế đồ họa, tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp và kỹ năng tốt.

Đội ngũ giảng viên của nhà trường luôn cố gắng tìm kiếm cơ hội việc làm, trao đổi thực tập, hợp tác kết nối nhiều doanh nghiệp như Nhà Xuất bản Kim Đồng, Công ty Wacom Việt Nam,... nhằm giúp người học có thể định hình kỹ năng thực chiến ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

16.jpg
Hội thảo khoa học quốc gia về đào tạo Mỹ thuật ứng dụng gắn với phát triển công nghiệp văn hóa. Ảnh: NTCC.

Tiến sĩ Phạm Thái Bình nhận định số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển trường đại học là một trong những cơ sở có thể khẳng định chất lượng đào tạo, là địa chỉ uy tín để phụ huynh gửi gắm người học. Đối với khối ngành Mỹ thuật ứng dụng, kể từ khi Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội thành lập Khoa Thiết kế mỹ thuật, tỉ lệ sinh viên đăng ký vào trường tăng khoảng 20-30% hàng năm.

Trong đó, ngành Thiết kế đồ hoạ có số lượng nguyện vọng đăng ký nhiều nhất, nhưng mỗi năm nhà trường chỉ lấy gần 200 chỉ tiêu. Năm 2024, với 175 chỉ tiêu, ngành học này trở thành một trong những ngành hot của khối H thi môn năng khiếu.

Xét tuyển đầu vào của nhà trường cao dẫn đến quá trình giảng dạy của các thầy cô cũng có thể đưa ra những thử nghiệm, yêu cầu khắt khe hơn so với mức bình thường, để nâng cao năng lực học tập và nghiên cứu của sinh viên.

Bên cạnh việc mở rộng cơ hội liên kết đa ngành trong khối Mỹ thuật ứng dụng, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội còn định hướng chuyển đổi mô hình từ cơ sở nghiên cứu sang cơ sở chuyên về thực hành. Sinh viên được chú trọng về tính thực hành, ứng dụng, rèn luyện kỹ năng thực chiến trong xưởng thiết kế của nhà trường. Điều này giúp người học làm quen với máy móc, công cụ hỗ trợ ngay từ trong không gian học tập tại trường, để đạt được mục tiêu cuối cùng là hoàn thành tất cả sản phẩm đồ án đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.

IMG_0567.jpg
Lãnh đạo nhà trường luôn quan tâm sâu sát tới công tác đào tạo và nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ. Ảnh: NTCC.

Bí kíp “bỏ túi” để học tốt ngành Thiết kế đồ họa

Gửi gắm lời khuyên tới các em sinh viên đang theo đuổi ngành học Thiết kế đồ họa, Tiến sĩ Nguyễn Cẩm Ly cho hay, ngoài có năng khiếu về vẽ mỹ thuật, người học cũng cần trang bị vững chắc vốn kiến thức về Thiết kế mỹ thuật. Đây là “bản lề” giúp các em sau này có thể tiếp cận nghiên cứu, tự thực hành những giải pháp thiết kế.

Mặt khác, việc trang bị cho mình kỹ năng sử dụng công nghệ cũng rất quan trọng, đôi khi đó là lợi thế giúp người học có thể áp dụng phần mềm, kết hợp công cụ hỗ trợ trong quá trình thực tế.

Trên hết, các bạn sinh viên cũng cần có trong mình niềm đam mê, sự nhiệt huyết với nghề để tạo ra nguồn động lực giúp chúng ta thực hiện thiết kế, lên ý tưởng sáng tạo và phát triển lĩnh vực đồ họa tiệm cận với chất lượng quốc tế.

Nguyễn Thị Thu Giang cũng chia sẻ, trên thực tế công việc cho thấy, khoảng cách giữa kiến thức học được trên trường và những điều khách hàng mong muốn đã rút ngắn khoảng cách khá nhỏ. Từ đó, em đúc rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý giá như cố gắng trau dồi kiến thức lý thuyết, tích cực rèn luyện kỹ năng thực chiến, giảm bớt cái “tôi” cá nhân và nâng cao tính hiệu quả trong thiết kế,...

Sự kiện triển lãm của sinh viên ngành Thiết kế đồ họa trong một buổi thực hành. Ảnh: NTCC.
Sự kiện triển lãm của sinh viên ngành Thiết kế đồ họa trong một buổi thực hành. Ảnh: NTCC.

Về mặt thuận lợi, Thu Giang nhận thấy trong quá trình học tập, sinh viên có nhiều cơ hội tiếp cận với các lĩnh vực của ngành nghề. Bởi ngành Thiết kế đồ họa có vô vàn con đường để theo đuổi chẳng hạn như: thiết kế truyền thông, bao bì, nhận diện thương hiệu, thiết kế visual sự kiện,...

Những lĩnh vực này tuy có điểm chung nhất định, nhưng cũng không hoàn toàn giống nhau. Do đó, để tìm hiểu sâu và thành thạo chỉ ở một lĩnh vực cũng đã đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian và công sức. Việc thực hành liên tục trong nhiều khía cạnh giúp em có hiểu biết ban đầu, trải nghiệm thực tế, từ đó định hướng rõ hơn con đường trong sự nghiệp tương lai của mình.

Về mặt khó khăn khi theo đuổi ngành Thiết kế đồ họa, Thu Giang chia sẻ đó là việc sắp xếp và khả năng quản lý thời gian hiệu quả. Đây là ngành học mang tính sáng tạo, không phải lúc nào cũng có ý tưởng để làm. Bởi vậy, chúng ta sẽ có quãng thời gian phải phát triển ý tưởng đến liên tục, cần gác lại những công việc khác, thậm chí thay đổi lịch sinh hoạt,... Việc thường xuyên phải tiếp thu kiến thức mới và thực hành, sáng tạo ngay lập tức cũng có những lúc khiến nản chí.

ec44a81c-48fb-4f0a-9a34-f7af56e8cfe1.jpg
Sinh viên Nguyễn Thị Thu Giang - lớp 21DH1, Khoa Thiết kế mỹ thuật, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội bảo vệ đồ án thiết kế. Ảnh: NVCC.

Mặt khác, một khía cạnh vừa là thuận lợi, cũng vừa là thách thức trong học tập, đó là chất lượng đồ án của các khoá về sau ngày càng đòi hỏi chất lượng tốt hơn. Vì vậy, yêu cầu từ phía thầy cô dành cho sinh viên cũng cao hơn. Điều này khiến chúng em phải không ngừng cố gắng nâng cấp bản thân và đưa ra nhiều ý tưởng sáng tạo, mới lạ hơn nữa. Tuy vất vả nhưng thử thách giúp thúc đẩy tư duy thiết kế, có thể chủ động đưa ra ý tưởng đột phá mới lạ.

Dành lời khuyên cho các bạn học sinh, sinh viên khóa sau có mong muốn theo đuổi ngành Thiết kế đồ họa, Thu Giang cho rằng hãy giữ cho bản thân sức khỏe tốt cả về thể chất và tinh thần, cùng với đó là rèn luyện thái độ cầu tiến, lạc quan, luôn sẵn sàng tiếp nhận cái mới.

Ngoài ra, Thiết kế đồ họa là một ngành mỹ thuật ứng dụng, sử dụng nhiều ngôn ngữ mang tính cô đọng, khúc chiết, hạn chế kể lể. Bởi vậy, để tạo ra những sản phẩm thiết kế hiệu quả, chúng ta cần đầu tư vào nghiên cứu đề tài, lên ý tưởng kĩ lưỡng, rèn luyện tư duy khoa học trong thiết kế. Đó sẽ là bước đệm tốt cho cả quãng đường dài làm nghề sau này.

Lưu Diễm