Theo học mỹ thuật ứng dụng, GV và sinh viên đều cần có phong cách, cá tính riêng

21/08/2023 06:36
Linh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Các ngành Thiết kế, Kiến trúc mang tính ứng dụng cao nhưng thiên về xu hướng nghệ thuật. Từng giảng viên, sinh viên đều cần có phong cách, cá tính riêng.

Lựa chọn ngành nghề là một trong những bước đệm để người học hướng tới tương lai. Ngày nay, nhiều học sinh có năng khiếu và thiên hướng nghệ thuật đang có xu hướng chọn theo học lĩnh vực mang tính sáng tạo cao như thiết kế.

Song, đây cũng là những ngành học có tính đặc thù cao, đòi hỏi những kỹ năng quan trọng ở người học.

Người học cần đam mê, nỗ lực và năng khiếu nghệ thuật

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Trọng Nga – Trưởng khoa Tạo dáng công nghiệp, Trường Đại học Mở Hà Nội cho hay, Khoa Tạo dáng công nghiệp hiện đang đào tạo 2 ngành học là Thiết kế công nghiệp và Kiến trúc, trong đó ngành Thiết kế công nghiệp có 3 chuyên ngành là: Thiết kế thời trang, Thiết kế đồ họa, Thiết kế nội thất.

Tiến sĩ Lê Trọng Nga – Trưởng khoa Tạo dáng công nghiệp, Trường Đại học Mở Hà Nội. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Lê Trọng Nga – Trưởng khoa Tạo dáng công nghiệp, Trường Đại học Mở Hà Nội. Ảnh: NVCC

Đây là lĩnh vực với các ngành học đặc thù, mang tính ứng dụng cao nhưng thiên về xu hướng nghệ thuật. Từng giảng viên, sinh viên đều cần có phong cách, cá tính riêng.

Bởi vậy đối với sinh viên, khi tham gia học tập, cần có sự đam mê, nỗ lực và một chút năng khiếu để hoàn thành tốt các đồ án, bài tập.

Đối với giảng viên ngoài kiến thức chuyên môn nền tảng, cần có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong thực hành, ứng dụng thực tế, có phương pháp giảng dạy đặc thù để chuyển tải cho sinh viên một cách tốt nhất.

Tiến sĩ Nga cho hay, ngành Thiết kế đồ họa là một ngành nghệ thuật giao tiếp bằng hình ảnh mang tính ứng dụng. Thiết kế đồ họa là sự kết hợp giữa ý tưởng, sự sáng tạo, khả năng thẩm mỹ và sử dụng công nghệ thông tin để tạo ra một thông điệp bằng hình ảnh, một tác phẩm nào đó mang ý nghĩa nghệ thuật, nhằm phục vụ nhu cầu kinh doanh, thương mại, công nghiệp và những mục đích khác của con người.

Giờ học môn Hình họa của Trường Đại học Mở Hà Nội. Ảnh: NVCC
Giờ học môn Hình họa của Trường Đại học Mở Hà Nội. Ảnh: NVCC

Các sản phẩm của ngành Thiết kế đồ họa phục vụ cho rất nhiều mục đích như: truyền thông, quảng cáo, thương mại, giáo dục, giải trí… ví dụ như: bộ nhận diện thương hiệu, logo, poster quảng cáo; bao bì sản phẩm…; bìa sách, tạp chí; giao diện website, hình ảnh truyền hình; nhân vật truyện tranh và phim hoạt hình…

Còn Thiết kế nội thất là ngành tổng hợp của nghệ thuật, mỹ thuật và khoa học kỹ thuật dựa trên sự phối hợp hài hòa màu sắc, ánh sáng, thẩm mỹ kiến trúc, các vật trang trí để tổ chức không gian sống, không gian làm việc, không gian thư giãn,... giàu tính nghệ thuật, phù hợp và hiệu quả đối với các hoạt động của con người được xảy ra ở đó, đáp ứng nhu cầu của những người sử dụng không gian.

“Với ngành Thiết kế thời trang, nó được xem như một môn nghệ thuật ứng dụng đòi hỏi nhà thiết kế phải có tài năng và óc sáng tạo không ngừng nghỉ.

Các sáng tạo không chỉ đơn thuần là về kiểu dáng trang phục mà còn bao gồm các phụ kiện sao cho phù hợp với văn hóa, xã hội và thời đại.

Theo học ngành Thiết kế thời trang, sinh viên học tập, nghiên cứu để cho ra đời những tác phẩm thời trang giúp làm đẹp cho con người, cho cuộc sống.

Sáng tạo ra những tác phẩm thời trang theo 2 hướng riêng biệt: hướng trình diễn nghệ thuật và hướng ứng dụng thực tế.

Trong đó thời trang trình diễn nghệ thuật là sân chơi để nhà thiết kế thỏa sức sáng tạo, thử nghiệm ý tưởng mới mẻ còn thời trang ứng dụng thực tế là trang phục phục vụ cho nhu cầu trong đời sống thường nhật, có tính ứng dụng cao”, thầy trưởng khoa chia sẻ.

Với ngành Kiến trúc, Tiến sĩ Nga thông tin: Đây là một ngành khoa học tổng hợp của nghệ thuật và kỹ thuật. Được mệnh danh là “nghề hào hoa nhất trong tất cả các nghề”.

Nghề kiến trúc luôn có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với giới trẻ, đặc biệt trong giai đoạn phát triển nhanh chóng về kinh tế, khoa học kỹ thuật và nghệ thuật như hiện nay.

Nghề kiến trúc gắn liền với sứ mạng định hình và làm đẹp thế giới và thực sự phù hợp với những ai mong muốn khám phá mình, muốn hiểu biết và phá vỡ quy luật để sáng tạo.

Nhu cầu cao về nhân lực, việc làm phong phú

Chia sẻ về tình hình tuyển sinh những ngành học này, Tiến sĩ Lê Trọng Nga cho biết, mặc dù có sự cạnh tranh ngày càng cao trong khối các trường đào tạo về Mỹ thuật ứng dụng, Kiến trúc, nhưng những năm gần đây, số lượng thí sinh đăng ký vào Khoa ổn định và từng bước tăng về chất lượng đầu vào. Đây cũng là cơ sở để gia tăng chất lượng đầu ra cũng như sự đáp ứng vị trí việc làm của sinh viên tốt nghiệp.

Hằng năm, cùng với việc xét tuyển học bạ và kết quả thi trung học phổ thông, thí sinh cần dự thi môn năng khiếu vẽ tại trường hoặc lấy điểm thi tại các trường đại học khác để xét tuyển.

Triển lãm đồ án của sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: NVCC

Triển lãm đồ án của sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: NVCC

Điểm chuẩn các năm cũng theo đó có sự chênh lệch. Với đặc thù của ngành thiết kế công nghiệp, Nhà trường xét tuyển 3 tổ hợp xét tuyển H00, H01, H06, do vậy điểm chuẩn tùy theo tổ hợp xét tuyển. Cụ thể 3 năm gần đây điểm chuẩn ở mức khá ổn định, trung bình từ 6,5 đến 7 điểm/môn.

Cũng theo thầy Nga, với xu hướng phát triển của cuộc sống hiện đại ngày nay, cơ hội nghề nghiệp của các ngành Khoa Tạo dáng công nghiệp đào tạo rất rộng mở. Nhu cầu làm đẹp cho con người, làm đẹp cho không gian sống ngày càng tăng cao nên sinh viên tốt nghiệp các ngành Kiến trúc, Thiết kế nội thất, Thiết kế thời trang đều dễ tìm kiếm việc làm.

Bên cạnh đó, ngành truyền thông, quảng cáo cũng đang phát triển mạnh, mang tới cơ hội nghề nghiệp lớn cho sinh viên ngành Thiết kế đồ họa.

“Ngày nay tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, mỹ thuật ứng dụng, kiến trúc phát triển nhanh và mạnh mẽ chưa từng thấy, tác động đến các quá trình, các lĩnh vực của hoạt động kinh tế.

Thông qua hoạt động thiết kế sáng tạo, mỹ thuật ứng dụng và kiến trúc đã chủ động và tích cực đưa cái đẹp vào tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, làm thay đổi nhanh chóng sản phẩm vật chất hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của con người trong đời sống hiện đại.

Khoa tạo dáng công nghiệp, Trường Đại học Mở Hà Nội đào tạo về lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng được đánh giá là một trong những lĩnh vực nghề “nóng nhất” hiện nay.

Chính nhu cầu cao về nhân lực đã tạo ra cơ hội lựa chọn việc làm phong phú, sự phát triển lâu dài trong nghề nghiệp cũng như mức lương hấp dẫn so với nhiều ngành nghề khác.

Các bạn trẻ có niềm đam mê nghệ thuật, yêu thích thiết kế sáng tạo có thể mạnh dạn theo đuổi các ngành học này, để vừa thỏa mãn đam mê, vừa có thể phục vụ thiết thực cho cuộc sống của mình”, Tiến sĩ Nga chia sẻ.

Khoa Tạo dáng công nghiệp - Trường Đại học Mở Hà Nội được thành lập từ năm 1993. Qua 30 năm xây dựng và phát triển, Khoa TDCN đã trở thành địa chỉ đào tạo có uy tín trong xã hội, sinh viên ra trường được các nhà tuyển dụng đánh giá cao, có những nét riêng, khác biệt và nổi bật trong sáng tác.

Hiện đã có 26 khóa sinh viên hệ chính quy tốt nghiệp với trên 5000 kiến trúc sư, cử nhân nghệ thuật.

Theo số liệu khảo sát, ngay trong năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp, hơn 97% sinh viên đã có việc làm và làm việc đúng chuyên môn được đào tạo.

Các thế hệ sinh viên khi ra trường luôn thể hiện tài năng và bản lĩnh, trở thành những Nhà thiết kế, Kiến trúc sư nổi tiếng, các doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực kiến trúc, mỹ thuật ứng dụng như: Nhà thiết kế Đỗ Ngọc Thành - Giám đốc thương hiệu thời trang Chic-Land, Kiến trúc sư Hoàng Hữu Thi - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Tân Minh, Nhà thiết kế Đỗ Đức Dương - Tổng giám đốc công ty Đá Việt, Nhà thiết kế Trung Quang Thành - giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhà Vàng, Nhà thiết kế Phạm Văn Minh - Giám đốc Công ty Cổ phần Kiến tạo vàng, Nhà thiết kế Trần Minh Hương Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Mỹ thuật và xây dựng Minh Hương,...

Nhiều thế hệ đã trưởng thành từ ngành Kiến trúc của Trường Đại học Mở Hà Nội như: Ông Nguyễn Hoàng Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Sơn Hà; Ông Nguyễn Quyết Chiến – Giám đốc Công ty Cổ phần Thiết kế nhà đẹp Greenhouse Việt Nam; Ông Nguyễn Viết Tùng - Giám đốc Công ty Nhà đẹp Châu Âu; Thạc sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Cường - Phó Viện trưởng viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị (UAI); Thạc sĩ, Kiến trúc sư Tạ Yến - Giám đốc công ty Thiết kế Kiến trúc Thuận Thành,…

Linh Trang