Ra trận mà súng quên nạp đạn thì đánh giặc thế nào?
Vụ cháy Trung tâm Thương mại ở Hải Dương mới đây đang gây bức xúc trong dư luận. Theo như những thông tin phản ánh trên các báo thì đầu tiên là hệ thống cảnh báo và cứu hỏa tại Trung tâm này chưa ổn, Thứ hai là công tác cứu hỏa của lực lượng Cảnh sát PCCC Hải Dương quá yếu kém.
Hiện trường khu vực tầng 1 chợ Trung tâm thương mại Hải Dương - Ảnh: Đức Bình (Tuổi Trẻ) |
Nói về sự việc, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, một trong những vị tướng tài ba đã từng giữ chức tham mưu trưởng chiến dịch Tây Nguyên lịch sử, tư lệnh trưởng quân khu 4 - góp công lớn vào chiến thắng miền Nam giải phóng đất nước, có nêu một vài quan điểm.
Theo ông, hiện nay nhiều nơi con người thường làm việc và ăn ở tập trung như; các siêu thị, Trung tâm Thương mại, nhà cao tầng, những nơi đó có hàng nghìn người sinh sống, tài sản trong đó cũng rất lớn. Đất nước đang phát triển, nếu công tác phòng cháy chữa cháy không hiệu quả sẽ gây nên những thiệt hại vô cùng to lớn.
Hiện trường vụ cháy Trung tâm Thương mại Hải Dương. |
Về vụ cháy Trung tâm Thương mại ở Hải Dương, trong đó dư luận đang đặt ra nhiều nghi vấn về khả năng cũng như tính hiệu quả của lực lượng PCCC, Tướng Thước cho rằng, đầu tiên phải đặt câu hỏi, đơn vị đó đã chuẩn bị cho công tác phòng cháy chữa cháy là như thế nào? Đây là vấn đề cần được hết sức quan tâm bởi theo ông, “Nếu anh không chuẩn bị tốt thì thất bại là điều khó tránh khỏi”.
Yêu cầu thứ hai, Trung tướng cho rằng để kịp thời ứng cứu khi có sự cố cháy nổ thì lực lượng PCCC bao gồm con người, phương tiện và tất cả các yếu tố để bảo đảm lúc nào cũng phải trong trạng thái luôn sẵn sàng.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước |
Ông ví lực lượng PCCC là những người chiến sỹ chống “giặc hỏa”. Nhưng trong vụ ở Hải Dương thể hiện sự mất cảnh giác của lực lượng này. “Cảnh sát PCCC cũng như chiến sỹ ngoài mặt trận, lúc giặc đến đánh chiếm hết nhà cửa rồi mà vẫn chưa kịp trở tay thì đánh giặc thế nào?” Tướng Thước đặt câu hỏi.
Cần xem xét lại trách nhiệm của đơn vị PCCC
Theo quan điểm của Tướng Thước, đã là lực lượng PCCC thì phải luôn sẵn sàng túc trực 24/24, không được lúc nào lơ là. “Giặc lửa” đến rồi mà phương tiện vẫn chưa sẵn sàng, con người vẫn chưa sẵn sàng thì làm sao có thể làm tốt được công việc.
“Tướng Thước nói: “Tôi nghe báo chí phản ánh, cháy lâu rồi lực lượng PCCC mới có mặt, đây rõ ràng là mất cảnh giác nghiêm trọng. Thứ hai nữa, xe cứu hỏa đến mà lại không có nước, rồi hệ thống bơm lại trục trặc thì khác nào lính ra trận mang súng mà không có đạn, không bắn được thì đánh giặc kiểu gì?”
Trung Tướng đánh giá rất cao vai trò và trách nhiệm của lực lượng PCCC. Ông cho rằng, trong vụ cháy Trung tâm Thương mại Hải Dương, một trung tâm lớn như thế thì rõ ràng đây là một cuộc chiến đấu rất khẩn trương, còn hơn cả đánh giặc. “Đánh giặc có thể lúc đánh chỗ này nghỉ một lúc rồi đánh tiếp chỗ kia nhưng ở đây thì phải luôn luôn liên tục. Thế mà cuối cùng cả một tòa nhà gần như bị thiêu rụi 100%”.
Qua sự việc trên, Tướng Thước nhấn mạnh về công tác chuẩn bị của lực lượng PCCC Hải Dương trong vụ việc trên là rất yếu kém. Theo ông, lực lượng PCCC lúc nào cũng phải hết sức sẵn sàng, sẵn sàng về con người, sẵn sàng về phương tiện, sẵn sàng kế hoạch và các phương án, tính huống có thể xảy ra.
“Khi xảy ra cháy rồi mà không ứng cứu được thì trách nhiệm đầu tiên là của lực lượng PCCC. Còn để xảy ra cháy thì cơ quan, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Vụ cháy thiệt hại gần 500 tỉ đồng, những tiểu thương rơi vào tình cảnh khó khăn là điều tất yếu rồi nhưng còn đất nước, địa phương phải ghánh chịu hậu quả hết sức nặng nề”, Tướng Thước nói
Ông cũng dẫn chứng thêm, “Từ trước đến nay xảy ra rất nhiều vụ cháy lớn ở khắp các tỉnh thành. Lần nào cháy xong cũng bảo rút kinh nghiệm thế này, rút kinh nghiệm thế kia nhưng rồi lần nào cũng như lần nào. Nhà nước thì đầu tư nhiều nhưng hiệu quả mang lại chẳng được bao nhiêu. Điều đó cần phải xem xét lại trách nhiệm của các đơn vị PCCC ở đó, mà cụ thể ở đây là lực lượng PCCC Hải Dương”.
Còn nữa...