Ngày 6 tháng 8 năm 2013, Nhật Bản hạ thủy tàu sân bay trực thăng Izumo |
Hiện nay, tàu sân bay động cơ hạt nhân đã trở thành từ đồng nghĩa của "hải quân mạnh", bởi vì nguồn động lực của nó là nhiên liệu hạt nhân, có thể chạy liên tục, tốc độ cao ở bất cứ vùng biển nào trên thế giới.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, trong các cuộc khủng hoảng và xung đột mang tính khu vực, tàu sân bay động cơ hạt nhân có thể nhanh chóng đến hiện trường, đạt hiệu quả "kép" răn đe và chiến đấu thực tế không thể thay thế.
Cách đây không lâu, xung quanh khu vực châu Á đã nổi lên vấn đề phát triển tàu sân bay: Ngày 6 tháng 8, Nhật Bản hạ thủy "nửa tàu sân bay" Izumo (Nhật gọi tàu chiến cỡ lớn này không phải là tàu sân bay, nhưng nó hoàn toàn phù hợp với đặc trưng của tàu sân bay hạng nhẹ). Ngay sau đó, ngày 12 tháng 8, Ấn Độ cũng hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên INS Vikrant tại nhà máy đóng tàu Cochin.
Trước đó, Thái Lan cũng đã sở hữu một chiếc tàu sân bay hạng nhẹ mang tên Chakri Naruebet; trong khi đó, năm 2007, Hàn Quốc cũng đã tự chế tạo một chiếc tàu sân bay hạng nhẹ mang tên Dokdo. Thậm chí, Australia ở Nam Thái Bình Dương cũng đang chế tạo 2 tàu tấn công đổ bộ có chức năng tàu sân bay trực thăng.
Tàu sân bay có ưu thế nổi trội
So với tàu sân bay động cơ thông thường, tàu sân bay động cơ hạt nhân có rất nhiều tính năng ưu việt "độc nhất vô nhị"; sở hữu tàu sân bay là một tiêu chí nổi bật chiếm ưu thế về tính năng chiến lược của Hải quân.
Ngày 12 tháng 8 năm 2013, Ấn Độ hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên INS Vikrant |
Năng lực chạy liên tục của tàu sân bay hạt nhân là ưu thế nổi trội mà tàu sân bay động cơ thông thường không thể so sánh. Tuy về tốc độ cao nhất, tàu sân bay động cơ hạt nhân và tàu sân bay động cơ thông thường khó phân cao thấp, nhưng về năng lực chạy liên tục, tốc độ cao thì tàu sân bay động cơ hạt nhân chiếm vị trí số một.
Khả năng chạy liên tục của tàu sân bay động cơ hạt nhân rất mạnh, một lần nạp nhiên liệu hạt nhân có thể chạy lâu dài, đây là điều mà tàu sân bay động cơ thông thường không thể so sánh. "Chẳng hạn, tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz của Mỹ, một lần nạp nhiên liệu hạt nhân có thể chạy liên tục 300.000 hải lý".
Được biết, chiếc tàu sân bay động cơ hạt nhân lớp Nimitz đầu tiên là USS Nimitz trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân và 4 tua-bin hơi nước, tốc độ hải lý/giờ trở lên, nạp một lần nhiên liệu hạt nhân có thể sử dụng liên tục 13 năm, điều này làm cho Hải quân Mỹ giảm mạnh sự lệ thuộc vào sự chi viện của các căn cứ ở nước ngoài. Trong khi đó, nhiệm vụ tương tự của tàu sân bay động cơ thông thường lại cần xây dựng trước mạng lưới tiếp tế nhiên liệu ở các nơi trên thế giới.
Trong chiến tranh, tàu chở dầu, tàu tiếp tế cỡ lớn thường trở thành mục tiêu tấn công của đối phương. Tàu sân bay động cơ hạt nhân nhờ sử dụng nhiên liệu hạt nhân nên không bị lệ thuộc vào tàu chở dầu cỡ lớn. Tàu sân bay hạt nhân ít phải lệ thuộc vào bảo trì, tiếp tế, đã gảm nhẹ sức ép phòng thủ, tăng cường tính năng tác chiến.
Máy bay chiến đấu F/A-18C hạ cánh trên tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Nimitz CVN68 ở Biển Đông vào tháng 5 năm 2013 |
So với tàu sân bay động cơ thông thường, động cơ tàu sân bay hạt nhân đã tiết kiệm không gian dành cho thùng dầu và ống khói, điều này đã khắc phục rất tốt điểm yếu ống khói dễ trở thành mục tiêu tấn công của địch.
Đồng thời, động cơ hạt nhân làm cho tàu sân bay tiết kiệm được rất nhiều không gian và trọng tải, một mặt có thể mang theo nhiều xăng dầu hàng không hơn, đáp ứng nhu cầu tác chiến của máy bay hải quân; mặt khác có thể mang theo nhiều vũ khí trang bị và nhân viên hơn.
Hai chiếc tàu cùng cỡ như nhau, tàu sân bay hạt nhân có hiệu quả tác chiến cao hơn so với tàu sân bay động cơ thông thường, trong thời gian triển khai nó có thể duy trì trạng thái chiến đấu lâu dài.
Ngoài ra, động cơ hạt nhân không chỉ đã giải quyết được các nhu cầu năng lượng như cung ứng năng lượng cho động cơ tàu sân bay, thang máy của máy bay và cáp hãm đà của tàu sân bay, động cơ hạt nhân cũng có thể giải quyết tất cả trong một lần.
Một đặc điểm nổi bật của tàu sân bay động cơ hạt nhân lớp Ford Mỹ (dự kiến sớm nhất đi vào hoạt động năm 2015) là đã áp dụng công nghệ phóng điện từ. "Tương tự như công nghệ đệm từ (maglev), sử dụng máy bay phóng điện từ cần có cung ứng mật độ cao, tốc độ nhanh, hơn nữa hiện nay chỉ có lò phản ứng hạt nhân có thể đáp ứng điều kiện này".
Bất kể là tấn công đối không, đối hải, săn ngầm và đối đất, năng lực tác chiến tổng hợp của tàu sân bay động cơ hạt nhân mạnh hơn. Tàu sân bay hạt nhân đã trở thành tàu chỉ huy của Hải quân Mỹ.
Tàu sân bay hạt nhân thế hệ mới lớp Ford tương lai của Mỹ |
Động cơ hạt nhân hoàn toàn không phải mười phân vẹn mười
Tàu sân bay động cơ hạt nhân mạnh hoàn toàn không phải "thập toàn thập mỹ". Trước hết, động cơ hạt nhân luôn không tách rời vấn đề chi phí/giá thành. Nói cách khác, "tỷ lệ giữa hiệu suất và giá" của tàu sân bay hạt nhân hoàn toàn không cao.
Nếu không tính đến giá cả, ai cũng không thể phủ nhận động cơ hạt nhân và tàu sân bay chính là một cặp trời sinh. Nhưng, tàu sân bay động cơ hạt nhân thường có chi phí chế tạo vượt 18% so với tàu sân bay động cơ thông thường.
Mặt khác, tàu chiến động cơ hạt nhân thay nhiên liệu cũng phải chi tiêu gây kinh ngạc. Xử trí, vận chuyển và xử lý cuối cùng nhiên liệu hạt nhân đều tương đối phiền phức, càng chưa nói tới, cùng với việc thay nhiên liệu hạt nhân, còn phải tiến hành bảo trì toàn diện đối với hệ thống lò phản ứng. Hiện nay, chỉ có Mỹ có thể gánh được chi phí đắt đỏ như vậy.
Được biết, tàu sân bay động cơ hạt nhân Charles De Gaulle (R91) của Hải quân Pháp được thiết kế 20 năm đổi nhiên liệu hạt nhân một lần, nhưng do vấn đề công nghệ, tàu Charles De Gaulle sử dụng chưa đến 7 năm đã đối mặt với vấn đề đổi nhiên liệu hạt nhân, điều này khiến cho Hải quân Pháp rất đau đầu.
Tần suất bảo trì của tàu sân bay động cơ hạt nhân của Quân đội Mỹ cũng rất cao, 1/3 thời gian hoạt động hầu như đều là bảo trì, chỉ là do số lượng tàu sân bay của quân Mỹ nhiều, phần nào đã che đậy vấn đề này.
Tàu sân bay động cơ hạt nhân Charles de Gaulle của Pháp |
Tàu sân bay động cơ hạt nhân không chỉ có chi phí chế tạo đắt đỏ, khi nó nghỉ hưu cũng cần phải chi một khoản tiền khổng lồ. Được biết, tháng 7 năm 2013, Hải quân Mỹ và Công ty công nghiệp Huntington Ingalls (HII) ký hợp đồng 745 triệu USD, dùng để tháo rời tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Enterprise. Có nguồn tin nội bộ cho biết, chi phí tháo rời tàu USS Enterprise có thể sẽ trên 2 tỷ USD.
Chi phí đầu tư cho toàn bộ chu kỳ tuổi thọ của tàu sân bay hạt nhân cỡ lớn (từ khâu chế tạo, sử dụng đến bảo trì, nghỉ hưu) phải trên 50-60 tỷ USD.
Ngoài kinh phí đầu tư khiến mọi người phải "líu lưỡi", vấn đề an ninh hạt nhân là một "thanh kiếm Damocles" treo trên "đầu" tàu sân bay động cơ hạt nhân.
Khi tàu sân bay hạt nhân vận hành bình thường, lò phản ứng hạt nhân là một "thể tổng hợp nhiệt độ cao, áp suất cao, bức xạ cao". Nhiệt độ của ống mạch kín và bể áp lực của lò phản ứng có thể lên tới 300 độ C, 150 atm, đồng thời, lò phản ứng lại là một nguồn bức xạ mạnh.
Trong 55 sự cố tàu ngầm hạt nhân đã biết, có 25 vụ có liên quan trực tiếp đến hệ thống lò phản ứng. Do gặp khó khăn trong xử lý nước thải nhiên liệu hạt nhân và lò phản ứng hạt nhân, rất nhiều quốc gia không hoan nghênh tàu chiến động cơ hạt nhân đến thăm.
Cụm chiến đấu tàu sân bay động cơ hạt nhân Abraham Lincoln CVN72 của Hạm đội 7 Mỹ hoạt động trên Biển Đông ngày 5 tháng 1 năm 2012. |
Đến nay, trong các sự cố tàu sân bay động cơ hạt nhân đã công khai, phần lớn là sự cố chạy trên tàu hoặc nổ máy bay hải quân, vẫn chưa xảy ra vấn đề an toàn hạt nhân như sự cố lò phản ứng hạt nhân. An toàn bay của máy bay trang bị cho tàu sân bay và hỏa hoạn trên tàu một khi kiểm soát không hợp lý, có thể lan tới lò phản ứng hạt nhân, gây ra sự cố hạt nhân nghiêm trọng.
Mỹ là nước phát triển nhiều tàu sân bay động cơ hạt nhân nhất. Sau khi tàu sân bay USS Kitty Hawk (CV 63) nghỉ hưu vào ngày 12 tháng 5 năm 2009, tàu sân bay của Mỹ chính thức đã bước vào thời đại hạt nhân hoàn toàn. Hiện nay, tổng lượng giãn nước của 10 tàu sân bay lớp Nimitz hiện có của Mỹ hầu như đạt 1 triệu tấn.
Người Mỹ từng không ngừng tranh cãi đối với tàu sân bay động cơ hạt nhân. Tiêu điểm tranh cãi ở chỗ: sẽ đầu tư vài chục tỷ, vào nghìn nhân viên ra ngoài biển khơi, tính an toàn rốt cuộc như thế nào? Dù sao, tàu sân bay hạt nhân một khi bị phá hủy, bất kể về thực lực hải quân hay về lòng tin tác chiến đều sẽ gây ra thiệt hại không nhỏ.
Cho dù như vậy, đến nay Mỹ đã chế tạo 3 lớp tàu sân bay động cơ hạt nhân, gồm tàu lớp Enterprise đã nghỉ hưu, tàu lớp Nimitz đang hoạt động và tàu lớp Ford sắp đưa vào hoạt động. Được biết, chiếc tàu sân bay lớp Ford đầu tiên mang tên USS Gerald R. Ford đã đặt sống tàu vào năm 2009, theo kế hoạch, con tàu này sẽ được bàn giao vào tháng 9 năm 2015.
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS George Washington hoạt động trên Biển Đông ngày 15 tháng 10 năm 2012. |
Ngoài Mỹ, Pháp là quốc gia thứ hai trên thế giới sở hữu tàu sân bay hạt nhân. Điều đáng tiếc là, những biểu hiện của tàu sân bay động cơ hạt nhân Pháp chỉ có thể gọi là tạm chấp nhận được.
Tàu sân bay Pháp tiếp tục sử dụng 2 lò phản ứng hạt nhân K-15 (dùng cho tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo lớp Triomphant) làm hệ thống động lực, chế tạo được tàu Charles De Gaulle lớp 40.000 tấn. Nhưng, tàu sân bay động cơ 40.000 tấn không đạt, gây nhiều tranh cãi về tính năng. Do động lực không đủ, tốc độ tối đa của tàu De Gaulle chỉ là 25 hải lý/giờ, lập kỷ lục tốc độ thấp nhất của tàu sân bay cất/hạ cánh truyền thống mới chế tạo sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Ngoài ra, do độ dài đường băng nghiêng không đủ, khong thể cất/hạ cánh an toàn máy bay cảnh báo sớm E-2C do Mỹ chế tạo; năm 2000, tàu Charles De Gaulle R91 lại tiến hành hoạt động cải tạo kéo dài đường băng. Cuối cùng, chi phí của toàn bộ chương trình cao hơn gần 6 lần so với kế hoạch ban đầu, trở thành một "lỗ đen" khổng lồ cho tài chính của Pháp.
Với tiền đề không có kinh nghiệm chế tạo tàu chiến mặt nước động cơ hạt nhân, Pháp có thể thiết kế, chế tạo được tàu sân bay hạt nhân đã là sự đột phá quan trọng, có điều cần phải cải tiến và hoàn thiện không ngừng trong quá trình hoạt động. "Tàu sân bay động cơ hạt nhân lớp Nimitz cũng phải sản xuất đến chiếc thứ tư, thứ năm mới đạt được trạng thái hoàn mỹ về tính năng".
Cụm chiến đấu tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông (ảnh tư liệu) |
Nói một cách tương đối, động cơ hạt nhân chỉ thích hợp với tàu sân bay cỡ lớn. Cân nhắc trên các phương diện gồm chi phí chế tạo, chu kỳ phục vụ, nhu cầu động lực, chỉ có tàu ngầm và tàu sân bay cỡ lớn mới "xứng" sử dụng động cơ hạt nhân đắt đỏ.
Tàu sân bay cỡ trung bình trở lên là trang bị tác chiến lâu dài trên biển, trong tác chiến biển xa, sự lệ thuộc vào bảo đảm tiếp tế càng thấp, tính thực dụng càng mạnh. "Nếu bỏ qua một bên về ngưỡng kỹ thuật, chỉ xem xét tới năng lực tác chiến tổng hợp, tàu sân bay hạt nhân chắc chắn mạnh hơn tàu sân bay động cơ thông thường".
Hiện nay, Nga đã có thể lắp nhiều loại lò phản ứng cho tàu ngầm có trọng tải và công dụng tác chiến khác nhau, là nước có thực lực nhất trở thành quốc gia thứ ba sở hữu tàu sân bay động cơ hạt nhân.
Nói đến sự phát triển của tàu sân bay Trung Quốc, một chuyên gia của nước này cho rằng, bất kể tương lai Trung Quốc có phát triển tàu sân bay hạt nhân hay không, công nghệ đẩy của động cơ hạt nhân dùng cho tàu chiến đáng để tìm tòi tích cực. "Điều này đã đại diện cho sự cao-thấp về trình độ sử dụng năng lượng hạt nhân của một quốc gia, có tác dụng tích cực trong việc sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân tương lai".
Tàu sân bay động cơ thông thường Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc đang được dùng để thử nghiệm và huấn luyện. |