Đài Loan tập trận đổ bộ bất hợp pháp trên đảo Ba Bình. |
Tờ China Post xuất bản tại Đài Loan ngày 27/10 bình luận, những diễn biến gần đây ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) đặc biệt là sau các hoạt động xây dựng (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Gạc Ma, Chữ Thập và một số bãi đá khác đã nhắc nhở Đài Loan phải tăng cường phòng thủ đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đang bị Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp).
Một biên đội gồm 7 tàu khu trục và đổ bộ Đài Loan kem theo 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến đã tham gia một cuộc tập trận hôm 10/8 với nội dung mô phỏng đánh chiếm các đảo ở Trường Sa. Đáng chú ý, cuộc tập trận (bất hợp pháp) của hải quân Đài Loan diễn ra gần đảo Cô Lin của Việt Nam.
China Post bình luận, đối thủ của Đài Loan ở Biển Đông có thể là Trung Quốc hoặc Việt Nam. Tuy nhiên quan hệ Bắc Kinh với Đài Bắc đã hòa dịu từ năm 2008. Trong khi đó Trung Quốc mong muốn hợp tác với Đài Loan ở Biển Đông về cái gọi là lợi ích chung của người Hán, nên ít khả năng hải quân Trung Quốc tấn công, đánh chiếm đảo Ba Bình. Tất nhiên câu chuyện sẽ khác nếu năm 2016 đảng Dân chủ Tiến bộ đối lập giành chiến thắng thay thế Quốc dân đảng cầm quyền thân Bắc Kinh hiện nay.
Vì vậy China Post cho rằng, đối thủ mạnh nhất của Đài Loan ở Trường Sa sẽ là Việt Nam chứ không phải Philippines "chỉ có vài phương tiện lèo tèo". Tờ báo Đài Loan đặt câu hỏi, "liệu một lực lượng nhỏ cảnh sát biển đồn trú trên đảo Ba Bình có thể đẩy lùi được các cuộc tấn công của Việt Nam, nước đã đánh bại cuộc xâm lược của Trung Quốc trên toàn tuyến biên giới phía Bắc năm 1979 hay không"?
Tờ báo tự trả lời, lực lượng Đài Loan không thể "bảo vệ" đảo Ba Bình vì nó ở quá xa. Thậm chí dù có cả 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến đóng ở đảo Ba Bình cũng chưa chắc địch nổi lực lượng quân sự Việt Nam, nếu không muốn nói là hoàn toàn không thể, "trừ phi có sự giúp đỡ từ bên ngoài".
Lính Trung Quốc đồn trú bất hợp pháp trên đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. |
"Chú Sam" sẽ đến cứu Đài Loan? Chính Mỹ đang muốn Đài Loan từ bỏ yêu sách đường lưỡi bò, hay đường chữ U, đường đứt đoạn ở Biển Đông. Hoa Kỳ có thể hạn chế các cuộc tấn công (của Đài Loan) từ Ba Bình nhằm vào các đảo Philippines đang chốt giữ chứ không bao giờ giúp Đài Loan bảo vệ hòn đảo này, Washington chỉ cam kết bảo vệ đảo Đài Loan một khi bị Trung Quốc tấn công quân sự. Nhưng Mỹ không thể và sẽ không thuyết phục Việt Nam từ bỏ chủ quyền đối với đảo Ba Bình.
Cuối cùng China Post cho rằng sự giúp đỡ Đài Loan chỉ có thể hy vọng là từ Trung Quốc một khi Việt Nam tấn công thu hồi đảo Ba Bình, vì cả 2 cùng có chung tuyên bố (tham vọng bành trướng) đường lưỡi bò ở Biển Đông. Và người Việt cũng biết rõ điều này, cho nên khả năng đảo Ba Bình sẽ không bị tấn công.
Hoạt động cải tạo (bất hợp pháp) biến đá thành đảo mà Bắc Kinh đang làm ở Trường Sa là động thái thể hiện quyết tâm (tham vọng bành trướng không cùng) của Bắc Kinh trong việc thực hiện yêu sách (vô lý và phi pháp) của họ để có thể khai thác (vơ vét) các nguồn tài nguyên ở Trường Sa kể cả bằng vũ lực nếu nó cần thiết, China Post nhấn mạnh.
Theo Lý Tường Trụ, Cục trưởng Cục An ninh quốc gia Đài Loan, hiện nay Bắc Kinh sẽ biến đá Chữ Thập thành một đảo nhân tạo có diện tích 2 km vuông, lớn gấp 4 lần đảo Ba Bình lớn nhất trong quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh đang thực hiện việc xây dựng sân bay và cảng biển trên đảo nhân tạo này, hiện có khoảng 200 lính Trung Quốc đóng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập.
Sau khi cải tạo xong ở đá Chữ Thập, Bắc Kinh sẽ triển khai tên lửa HQ-9, radar, tên lửa phòng không, tên lửa chống tàu siêu âm YJ-12. Ngoài ra chiến đấu cơ và lính đổ bộ sẽ được triển khai ở đảo nhân tạo (bất hợp pháp) này để "xử lý vấn đề với Việt Nam và Philippines", China Post tuyên bố.