“Cây đũa thần” visa
Năm 2017, du lịch Việt Nam lập kỷ lục khi lần đầu tiên cán mốc 12,9 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng trưởng gần 30%.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng đột phá này, không thể không kể đến việc Chính phủ tiếp tục miễn visa cho 5 nước Tây Âu và triển khai chính sách visa điện tử.
Có thể nói, chính sách miễn visa cho 5 quốc gia Tây Âu giống như “cây đũa thần” khiến cho du lịch Việt Nam khởi sắc rõ rệt sau giai đoạn sụt giảm nghiêm trọng về lượng khách quốc tế năm 2014 và nửa đầu năm 2015.
Du khách quốc tế hào hứng trải nghiệm tại Sun World Bà Nà Hills (Đà Nẵng) |
Ngay sau năm đầu tiên áp dụng chính sách này (từ tháng 7/2015 đến tháng 7/2016), lượng khách đến từ các quốc gia này trong năm 2016 đã tăng mạnh với tốc độ tăng trưởng từ 13,8-29% so với năm 2015.
Đến năm 2017, lượng khách từ 5 nước châu Âu tiếp tục tăng trưởng tốt, từ 6-20% so với năm 2016.
Ông Nguyễn Văn Tuấn –Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định: “Việc tăng tỷ lệ lên đến 20% với những thị trường xa như Tây Âu là điều hiếm có và chưa từng có ở Việt Nam, điều đó cho thấy chính sách miễn visa đã tác động trực tiếp như thế nào?”.
Không chỉ 5 nước Tây Âu, trước đó, ngành du lịch đã nhiều lần chứng kiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng vọt nhờ áp dụng các chính sách miễn visa.
Nhật Bản là một ví dụ điển hình. Kể từ 01/7/2004, khi Việt Nam miễn thị thực cho công dân mang hộ chiếu phổ thông nước này, lượng khách Nhật Bản đến Việt Nam tăng gần 3 lần, từ 267.000 lượt năm 2004 lên đến gần 800.000 lượt vào năm 2017.
Hiện Nhật Bản đứng thứ 3 trong các thị trường gửi khách đến Việt Nam.
Lượng du khách Hàn Quốc đến Việt Nam cũng đã tăng hơn 10 lần, từ 233.000 lượt năm 2004 lên hơn 2,4 triệu lượt vào năm 2017, kể từ thời điểm công dân nước này được miễn visa vào Việt Nam (từ ngày 01/7/2004).
Tương tự, du lịch Việt Nam cũng chứng kiến lượng khách quốc tế tăng đột biến kể từ sau khi áp dụng chính sách miễn thị thực cho công dân các nước Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển vào năm 2005 và Nga vào năm 2009.
Du khách quốc tế tại quần thể văn hóa tâm linh Fansipan (Sa Pa). |
Không chỉ đơn thuần thu hút khách quốc tế về số lượng, các chuyên gia du lịch khẳng định chính sách visa cởi mở còn giúp tăng nguồn thu từ chi tiêu mua sắm của du khách và gián tiếp tạo công ăn việc làm cho người dân sở tại.
Bà Nguyễn Thị Huyền – Giám đốc điều hành Vietrantour đánh giá: “Chi phí du khách xin visa vào Việt Nam hiện nay là 25 USD. Số tiền thu từ khoản này không đáng là bao nhiêu so với số tiền du khách chi tiêu cho các dịch vụ du lịch.
Cụ thể, khách châu Âu thường chi tiêu khoảng 100-130 USD/ngày, tùy từng thị trường khác nhau mà du khách sẽ lưu lại Việt Nam trong 7-10 ngày hoặc hơn.
Điều đó mang lại lợi ích cho cộng đồng, góp phần thúc đẩy GDP, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương...”.
Vì sao cánh cửa vẫn chỉ “hé mở”?
Dù đã nhìn thấy lợi ích, song Việt Nam mới chỉ miễn visa cho vỏn vẹn 23 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong khi đó, các nước ASEAN đã gần như “mở toang” cánh cửa chào đón du khách quốc tế.
Singapore, Malaysia, Indonesia và Philliplines mỗi nước đều miễn thị thực cho từ 160 đến 169 quốc gia, cho dù không phải tất cả các nước đều miễn visa song phương.
Thậm chí, các hình thức visa qua mạng (Visa Online), visa tại cửa khẩu (Visa On Arrival) của Việt Nam cũng hạn chế hơn so với các điểm đến cạnh tranh trong khu vực như Campuchia, Lào và Myanmar.
Quầy vé Tàu hỏa leo núi dài nhất Việt Nam trên đỉnh Fansipan thu hút đông du khách quốc tế |
Chưa hết, dù “mở cửa” cho du khách Tây Âu – thị trường được đánh giá ổn định, có chi tiêu cao và lưu trú dài ngày, song chính sách visa của Việt Nam dành cho 5 nước Tây Âu vẫn được triển khai theo hình thức “nhỏ giọt”.
Bước sang năm thứ 3 và đã cận kề thời điểm hết hạn, song đến giờ ngành du lịch, các doanh nghiệp và du khách vẫn còn mơ hồ về “số phận” của chính sách miễn visa cho 5 nước Tây Âu.
Cũng chính vì chính sách visa thiếu cởi mở mà Việt Nam chỉ được chấm 17/100 điểm, xếp hạng 116/136 quốc gia khi đo lường các yêu cầu về thị thực theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2017.
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam lần thứ 2 (tháng 7/2017) cũng chỉ ra “thị thực” là một trong ba “điểm nghẽn” lớn nhất của du lịch Việt Nam cần được tháo gỡ để tạo sự phát triển đột phá cho Du lịch.
“Đối với du khách quốc tế từ các nước phát triển, vấn đề visa không phải ở mức phí visa (quá nhỏ trong tổng chi phí chuyến đi), mà là ở sự nhiêu khê, cảm giác khó chịu nếu phải xin visa (trong khi họ được miễn visa vào nhiều nước khác)” – Tiến sĩ Lương Hoài Nam - Phó Tổng giám đốc Vietstar Airlines-Thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch nhận định.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà thời gian qua, đồng loạt các cơ quan, đơn vị và một số địa phương như: đại diện Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham); Bộ Kế hoạch Đầu tư, Hội đồng Tư vấn Du lịch, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Du lịch Đà Nẵng… đều kiến nghị Chính phủ có các giải pháp mở rộng và nới lỏng các quy định về thị thực cho các thị trường quốc tế có tốc độ tăng trưởng tốt.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, tổng thu từ khách du lịch trong năm 2017 đạt 510 ngàn tỷ đồng, lớn hơn rất nhiều lần so với số thu được từ phí visa.
Vẫn biết chính sách thị thực không phải biện pháp duy nhất để tăng sức hấp dẫn cho một điểm đến.
Tuy nhiên, “muốn có nhiều khách đến thăm nhà thì nhà mình phải dễ đến”, chính sách visa thông thoáng giống như “vũ khí” lợi hại để du lịch Việt Nam có thể thu hút khách và cạnh tranh với khu vực và thế giới.
Nếu chúng ta tự tước đi “vũ khí” của mình, e rằng không chỉ ngành du lịch thiệt thòi, mà Việt Nam cũng sẽ tụt hậu với thế giới.