Chính thức bãi bỏ chế độ viên chức suốt đời

25/11/2019 15:19
Đỗ Thơm
(GDVN) - Luật quy định kéo dài thời hạn của hợp đồng làm việc từ 36 tháng như Luật hiện hành lên 60 tháng.

Chiều 25/11, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Kết quả biểu quyết. Ảnh chụp màn hình
Kết quả biểu quyết. Ảnh chụp màn hình

Theo đó, kết quả có 426 đại biểu tán thành (chiếm 88,20%) thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Trước đó, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Về thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới (khoản 2 Điều 2), có ý kiến đề nghị quy định theo hướng viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn tối đa hai lần sẽ ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn để bảo vệ quyền lợi của người lao động; thu hút lao động có trình độ cao, bảo đảm công bằng trong áp dụng chế độ viên chức, tương thích với quy định của Bộ luật Lao động.

Hà Nội sẽ dành 3000 chỉ tiêu biên chế để giải quyết hết số giáo viên hợp đồng?
Hà Nội sẽ dành 3000 chỉ tiêu biên chế để giải quyết hết số giáo viên hợp đồng?

Có ý kiến đề nghị kéo dài thời hạn của hợp đồng để phù hợp hơn với tính chất công việc tương đối ổn định của viên chức và tương ứng với quy định về thời gian bổ nhiệm, thời gian thực hiện một số loại công việc.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định về thực hiện chế độ hợp đồng làm việc xác định thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới trong dự thảo Luật là thể chế hóa Nghị quyết Trung ương.

Quy định này áp dụng đối với viên chức được tuyển dụng sau ngày Luật này có hiệu lực (01/7/2020); viên chức đã được tuyển dụng trước đó cơ bản không có sự thay đổi về chế độ hợp đồng làm việc so với hiện hành.

Việc quy định như vậy là phù hợp với Điều 240 của Bộ luật Lao động hiện hành và Điều 220 của Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được chỉnh lý nội dung khoản 2 Điều 2 của dự thảo Luật theo hướng kéo dài thời hạn của hợp đồng làm việc từ 36 tháng như Luật hiện hành lên 60 tháng và quy định một số trường hợp được ký kết hợp đồng làm việc không xác định thời hạn (như đối với người là cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức hoặc viên chức công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn);

Bổ sung khoản 3 Điều 2 (sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 28 của Luật Viên chức hiện hành về ký kết tiếp, chấm dứt hợp đồng làm việc) quy định trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập còn nhu cầu, viên chức đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải tiếp tục ký kết hợp đồng làm việc với viên chức; trường hợp không ký tiếp hợp đồng làm việc với viên chức thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.

Các loại hợp đồng làm việc

1. Hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.

Hợp đồng làm việc xác định thời hạn áp dụng đối với người được tuyển dụng làm viên chức kể từ ngày 01/7/2020, trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này.

2. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng đối với trường hợp sau đây:

a) Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020;

b) Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 của Luật này;

c) Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Đỗ Thơm