Đã hơn ba tháng trôi qua kể từ cuộc bầu cử thứ ba trong vòng tám tháng và là cuộc bầu cử thứ sáu trong vòng ba năm trở lại đây, tình hình đất nước Hy Lạp lúc này vẫn là “hy vọng và sợ hãi trong cuộc khủng hoảng vô tận”, theo Financial Times bình luận ngày 22/12.
Có lẽ đến lúc này người dân Hy Lạp mới thấm thía khi thấy mình đã bị lôi kéo vào một trò chơi "chính trị câu like”, mà đau đớn nhất là họ lại là những nhân tố chính thúc đẩy trò chơi ấy. Bây giờ họ trở thành nạn nhân của chính mình. Dựa vào đâu để nhận định như vậy?
Khi tranh cử, chỉ cần hay không cần đúng
Có thể nói rằng, khi cựu Thủ tướng George Papandreou từ chức, và trước khi Thủ tướng Antonis Samaras, lãnh tụ đảng Dân chủ lên nắm quyền thì khủng hoảng của nền kinh tế Hy Lạp đã ở mức báo động cao nhất, ngay bên bờ vực phá sản. Ông Samaras đã dũng cảm đón nhận trọng trách nặng nề là tìm lối thoát cho nền kinh tế, qua đó tạo công ăn việc làm cho người dân Hy Lạp và nâng cao mức sống cho họ.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và Thủ tướng Đức Angela Merkel – một trong những chủ nợ của Hy Lạp. Ảnh: AP |
Lúc đó, tháo gỡ cho Hy Lạp đồng nghĩa với việc kiếm tiền từ những nguồn hỗ trợ quốc tế, trong đó có những khoản vay từ Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vì Hy Lạp nằm trong eurozone, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Và ai cũng biết để nhận được những khoản cứu trợ từ những định chế tài chính này thì phải ngay lập tức chấp nhận những yêu cầu của họ, mà mục đích là đồng tiền vay phải sử dụng vào khôi phục nền kinh tế và phải có khả năng hoàn trả trong tương lai. Bắt buộc chi tiêu của chính phủ và phúc lợi cho người dân đều không được sử dụng bằng tiền đi vay.
Lẽ đương nhiên là chính phủ Hy Lạp phải thắt lưng buộc bụng và người dân phải chấp nhận bị cắt giảm phúc lợi. Thế là chính phủ bị người dân phản đối. Song chính phủ của ông Samaras đã thực hiện đúng nguyên tắc trong quan hệ tài chính quốc tế và đúng với thực trạng đất nước Hy Lạp lúc đó.
Trong khi mọi việc đang dần được tháo gỡ dù có sự bất đồng của người dân thì Alexis Tsipras xuất hiện với những lời hứa hẹn sẽ ngay lập tức cải thiện cuộc sống của người dân Hy Lạp mà bằng chính sức mạnh nội tại chứ không cần đến sự tài trợ, giúp đỡ của những tổ chức “ăn cướp” quốc tế.
“Ông Tsipras tuyên bố sẽ đẩy lùi việc thắt lưng buộc bụng - một lời hứa mà ông biết là không thể thực hiện được”, theo Financial Times.
Chính khách này nói hay đến mức người dân Hy Lạp quên mất đâu là thật đâu là giả, mà một phần quan trọng cũng vì lúc đó họ cuộc sống của họ quá bức bách khi việc làm không có, thu nhập thấp không ổn định, phúc lợi bị cắt giảm nên khi nghe có tiền mà không phải mất quyền tự quyết là họ tin ngay.
Và thế là Alexis Tsipras và đảng Syriza của ông ta được người dân Hy Lạp chọn thay cho chính phủ của ông Samaras, trong sự hy vọng mang đến phép màu cho cuộc sống của người dân và đất nước Hy Lạp. Tuy nhiên, khi bắt tay vào công việc thì Thủ tướng trẻ Tsipras mới thấy rằng họ đã nói quá hay nhưng không đúng với thực tế nên rơi vào bế tắc.
Vỡ mộng
Khủng hoảng tại Hy Lạp là một vấn đề cực kỳ nan giải, mà để tháo gỡ phải có những giải pháp căn cơ và phải có sự phối kết hợp quốc gia – quốc tế thì mới hy vọng thoát ra được, nhưng cũng thể một sớm một chiều. Ai cũng có thể nhận ra điều ấy, ngoài Thủ tướng Tsipras và chính phủ của đảng Syriza không thấy hay cố tình không thấy mà thôi.
Sau khi gieo vào lòng người dân Hy Lạp những hy vọng sáng ngời, Thủ tướng Tsipras và chính phủ của ông ta bắt tay vào công việc, mới thấy không thể làm được gì nên không làm gì được. Trong thế không thể thoái lui, và trước sức ép của người dân, ông ta đã tính bài “quy tụ lòng dân” để tăng thêm sức mạnh bằng việc tổ chức trưng cầu dân ý.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras bế tắc trong việc tìm giải pháp nến kinh tế đất nước, ảnh: AP. |
Và ông ta lại toại nguyện khi được người dân tiếp tục tin tưởng bởi dù muốn hay không, rõ ràng họ không thể lựa chọn khác, không thể quay lưng với chính ý nguyện trước đó của mình.
Tuy nhiên, vì không thực tế, không có giải pháp khả thi nên chính phủ của Tsipras hoàn toàn bế tắc và bắt đầu phải xuống nước, chấp nhận những yêu cầu của các định chế tài chính quốc tế, để cứu Hy Lạp khỏi vỡ nợ. Thế là Tsipras lại quay về với với những gì mà chính phủ của cựu Thủ tướng Samaras đã đi gần tới đích trong hành trình đi tìm giải pháp khả thi cho Hy Lạp.
“Sau khi chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng Bảy, ông Tsipras chấp nhận các điều khoản được yêu cầu bởi EU, để đổi lấy khoản vay 86 tỷ euro trong ba năm, mà các điều khoản không này không khác biệt so với những gì mà ông đã thuyết phục người dân Hy Lạp từ chối”, vẫn theo Finacial Times.
Người dân Hy Lạp ngậm ngùi với những gì phải đánh đổi, còn trong chính phủ của đảng Syriza đã có mâu thuẫn, bất đồng, dẫn đến chia rẽ. Bế tắc thêm bế tắc. Tsipras lại thực hiện chiêu trò lắng nghe ý nguyện của người dân một lần nữa thông qua một cuộc bầu cử - cuộc bầu cử thứ ba chỉ trong vòng tám tháng.
”Bầu cử Hy Lạp: Ngạc nhiên và cách kỳ quái… Đó là sự tuyệt vọng và tức giận trước thảm họa kinh tế tại nước này. Bầu cử chỉ là giả tỏa dồn nén”, theo The Wall Street Journal ngày 16/9.
Người dân Hy Lạp quay cuồng với bầu cử và kết quả không khó đoán là Alexis Tsipras tiếp tục chiến thắng vì tâm trạng phóng lao phải theo lao của người dân Hy Lạp trong việc gửi gắm niềm tin vào ông Thủ tướng "hotboy" và đảng Syriza.
Có lẽ lúc đó Tsipras mong ước sẽ “được” người dân Hy Lạp gạt bỏ, vì sự mệt mỏi trong “trò chơi chính trị câu like” không lối thoát này.
Nhưng lần này Tsipras và Syriza không được toại nguyện vì người dân Hy Lạp vẫn bắt họ phải gánh vác trách nhiệm và thực hiện lời hứa. Không còn cách nào khác là phải đối mặt với thực tại, Tsipras và chính phủ của ông ta đã thể hiện sự yếu kém và non nớt. Đến lúc này thì người dân Hy Lạp đã thể hiện sự chán nản và xem thường chính phủ của "hotboy Tsipras".
Còn với Thủ tướng Tsipras và chính phủ của mình cũng vật vã với những đòi hỏi mà trước đây ông ta đã lấy việc từ chối nó để làm nên chiến thắng cho mình. Và có lẽ không ngờ đến sự trớ trêu như vậy nên Tsipras đã sử dụng chiêu trò từ chức để thoát khỏi mớ bòng bong nợ công và thất nghiệp tại Hy Lạp. Và một lần nữa Tsipras lại không được toại nguyện.
Vòng luẩn quẩn “mười ba khá hơn mười bốn, mười bốn tốt hơn mười lăm”
Với thực trạng hiện nay tại đất nước Hy Lạp, có thể thấy rằng sự suy thoái là xu hướng chưa thể xoay chiều và không quá khi cho rằng nó đang rơi vào vòng luẩn quẩn “ 2013 khá hơn 2014, và 2014 tốt hơn 2015”.
Sân bay Quốc tế Athens (Hellinikon) bị bỏ hoang – một hình ảnh của khủng hoảng kinh tế tại Hy Lạp. Ảnh: AP |
Thật ra, khi Alexis Tsipras đưa ra chương trình tranh cử, kêu gọi sự ủng hộ của cử tri Hy Lạp, giới quan sát đã nhận thấy đây chỉ là chiêu trò trong “chính trị câu like”, nhưng vì niềm tin của người dân Hy lạp trong cơn bĩ cực đã không có chỗ cho những phân bua hay phân tích đúng sai.
Với họ lúc đó Tsipras và Syriza là đúng, là yêu nước, ngược lại là sai, là làm khổ dân, là hại nước.
Ai cũng hiểu khi đói thì người ta cần ngay con cá chứ không cần cái cần câu và sự hướng dẫn cách câu. Khi khát tiền người ta muốn có tiền ngay chứ không muốn nhận phương tiện kiếm tiền và không lắng nghe chỉ dẫn cách kiếm tiền. Và Tsipras đã khơi gợi vào đúng tâm trạng đó của người dân Hy Lạp nên được họ đón nhận và ủng hộ mạnh mẽ ngay.
Tuy nhiên, từ khi có sự trao đổi qua lại ngay từ thời công xã nguyên thủy, loài người đã xây dựng nên một nguyên tắc cơ bản cho sự trao đổi, đó là “ông mất của kia thì bà chìa của nọ”. Nhưng trong cơn mê, người dân Hy Lạp đã quên mất hẳn cái nguyên tắc đơn giản ấy.
Thực ra, ông Samaras đã rất thực tế khi biết Hy Lạp chẳng còn gì để trao đổi ngoài niềm tin và sự đoàn kết của người dân Hy Lạp trong việc thực hiện những yêu cầu của các định chế tài chính, dù có cay đắng nhưng không bế tắc. Rất tiếc người dân Hy Lạp không lắng nghe và bây giờ họ vẫn phải chấp nhận những yêu cầu đó trong một vị thế kém hơn rất nhiều.
Lúc này, Alexis Tsipras nói gì và chính phủ của ông ta hoạt động như thế nào không còn là mối quan tâm của dư luận thế giới, mà ngay tại Hy Lạp, người ta cũng không bận tâm nữa. Họ phải tự lo cho cuộc sống của họ và không khỏi nuối tiếc vì đã không sáng suốt để nhận ra đâu là sự thật trong việc đón nhận những thông tin trong cuộc sống muôn màu.
Nhà báo Martin Wolf viết về tình hình tại Hy Lạp, trên Financial Times, ngày 22/12: “Có một cơ hội cho sự phục hồi kinh tế Hy Lạp năm 2016 không? Điều này nằm trong tâm trí tôi khi tôi đến thăm Athens tuần trước. Kết luận của tôi là một cơ hội không tồn tại”.
Người ta từng cho rằng khi tham gia vào chính trị - hoạt động quản lý nhà nước – giống như bước lên sân khấu, khi diễn hay thì diễn viên sẽ được khen ngợi và thậm chí phải ký mỏi tay tặng cho các fan hâm mộ. Tuy nhiên, sân khấu chính trị nó gắn liền với cuộc sống và fan hâm mộ là tất cả người dân, và họ không xin chữ ký mà là yêu cầu đảm bảo cuộc sống của họ.
Vì vậy, không thể có chỗ cho “chính trị câu like” vì nó sẽ mang hậu quả đến cho cả người “câu like” và người “like” , mà hậu quả chính là sự nghiệp và cuộc sống hàng ngày của mình bị đe dọa bởi bất ổn và bế tắc, như những gì đang xảy ra tại dất nước Hy Lạp hiện nay.