Tình hình chính trị tại Iran trong thời gian cuối năm 2015 có nhiều biến động với việc Hassan Khomeini, cháu nội của cố Đại giáo chủ Ayatollah Roholla Khomeini – người đã lãnh đạo cuộc cách mạng năm 1979, lật đổ vương quyền, thành lập nên nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran ngày nay – tham gia ứng cử vào Hội đồng chuyên gia, cơ quan sẽ thực hiện bầu lãnh đạo tối cao của Iran, vào tháng hai năm sau.
Theo Reuters ngày 18/12, Hassan Khomeini, 43 tuổi, là một giáo sĩ ôn hòa về chính trị. Cha ông là con trai cả của cố Đại giáo chủ Khomeini, nhưng đã chết, nên Hassan Khomeini được xem là người thừa kế chính thức truyền thống của gia đình.
Hassan Khomeidi, ảnh: Theapricity. |
Tuy nhiên, Hassan đã có liên kết chặt chẽ với các nhà cải cách và quyết định sự nghiệp chính trị của mình sẽ theo xu hướng đó, điều này đã làm cho giới chính trị của Tehran xôn xao.
Phải thấy rằng, chế độ chính trị hiện nay tại Iran được tạo dựng nhờ vai trò rất lớn của Đại giáo chủ Khomeini và đến nay nó vẫn vận hành theo cơ chế và nguyên tắc mà ông thiết lập, dù cuộc cách mạng đã diễn ra hơn 36 năm và ông đã qua đời hơn một phần tư thế kỷ.
Vậy điều gì đã khiến cho hậu duệ của Đại giáo chủ lại có ý định phá vỡ truyền thống của gia đình và cũng như của đất nước Iran?
Truyền thống đã lỗi thời
Iran là đất nước mà nền tảng tư tưởng của đạo Hồi có ảnh hưởng đến đời sống chính trị mạnh nhất trên thế giới, cho dù Pakistan từng được gọi là Hồi quốc và Indonesia là nước có nhiều tín đồ Hồi giáo nhất thế giới hiện nay.
Sau khi lãnh đạo cách mạng thắng lợi, giáo chủ Ayatollah Roholla Khomeini đã trở thành Lãnh tụ tối cao đầu tiên của nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran. Từ đó, thể chế chính trị của Iran luôn đảm bảo quyền lực tối cao của lãnh tụ tinh thần trong những vấn đề tối quan trọng của đất nước. Mọi cơ quan quyền lực nhà nước đều bị chi phối bởi định chế siêu quyền lực này.
Khi Ayatollah Roholla Khomeini qua đời, Đại giáo chủ Ali Khamenei được bầu tiếp tục nằm quyền lực tối thượng tại quốc gia Hồi giáo này. Trong khi tình hình chính trị trên thế giới có nhiều đổi thay, thì thể chế chính trị tại Iran vẫn đảm bảo tuyệt đối mô hình quyển lực được thiết lập sau cuộc cách mạng Hồi giáo.
Sự bó chặt và có phần khiên cưỡng ấy đã làm cho thể chế chính trị tại Iran có những bất hợp lý và lệch pha với sự phát triển của xã hội. Từ mâu thuẫn đó đã làm phát xuất nhiều xu hướng cải cách trong giới lãnh đạo cấp cao tại quốc gia này, mà bắt đầu từ cựu Tổng thống Akbar Hashemi Rafsanjani, rồi thể hiện sự cởi mở dưới thời của cựu Tổng thống mang tư tưởng cải cách Khatami.
Nhưng vì Hiến pháp không được sửa đổi nên những ý tưởng cải cách luôn gặp nhiều khó khăn khi triển khai và áp dụng. Và khi cải cách vượt khỏi quỹ đạo thì lãnh tụ tối cao sẽ can thiệp. Việc ủng hộ đối với cụu Tổng thống cứng rắn Mamoud Admadinejad đã thể hiện sự ảnh hưởng rất lớn của Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei tới chính trường Iran.
Tuy nhiên, xu hướng đổi mới trong giới trẻ Iran, mà ít bị tác động và ảnh hưởng bởi cuộc cách mạng xã hội năm 1979, đã luôn thể hiện là sự khát khao, và nó được tiếp sức bởi chính phủ đương nhiệm của Tổng thống ôn hòa Hassan Rouhani, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế bởi truyền thống và Hiến pháp.
Dù xuất thân thuộc dòng dõi quý tộc nhưng “Hassan Khomeini là một nhà thần học tiến bộ, đặc biệt là khi nói đến âm nhạc, nữ quyền và tự do xã hội. Ông theo sát xu hướng xã hội trên phương tiện truyền thông và đọc các tài liệu. Ông là quan tâm đến triết học phương Tây nhiều như suy nghĩ về Hồi giáo", theo Reuters.
Hassan đã bắt đầu sự đổi mới bằng việc kêu gọi chuyển quyền lực của lãnh tụ tối cao từ một cá nhân sang một hội đồng và dần dần sẽ chuyển định chế ấy sang thực hiện chức năng như về khích lệ tinh thần và đảm bảo lưu giữ truyền thống của cách mạng. Còn quyền lực trong quản lý và điều hành đất nước sẽ do bộ máy nhà nước đảm nhiệm, đúng với chức năng và nhiệm vụ của nó.
Đại giáo chủ Ali Khamenei – người đại diện cho giới chính trị bảo thủ tại Iran. Ảnh: Reuters |
Tư tưởng đổi mới của Hassan đã làm cho giới chính trị bảo thủ của Iran lo lắng và bất bình, vì tước đi của họ những đặc ân và quyền lực. Từ đó gây nên những biến động tại quốc gia Hồi giáo này.
Reuters đã dẫn lời tướng Hassan Firouzabadi, Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran: "Chúng tôi không bao giờ có hội đồng các nhà lãnh đạo trong lịch sử hoặc một hội đồng mà ra lệnh cho quân đội. Tất cả các họ đã thất bại, bây giờ họ đã phải dùng đến những thủ thuật mới của một hội đồng các nhà lãnh đạo để làm suy yếu vai trò lãnh đạo tiến bộ và ổn định của chúng tôi".
Rõ ràng, dù những giá trị và nguyên tắc truyền thống tại Iran đã có những lỗi thời nhưng việc đổi mới nó cho phù hợp với sự phát triển của xã hội là không hề dễ dàng và đó là sự nguy hại cho đất nước.
Những hệ lụy của sự lệch pha
Điều đầu tiên nhất phải khẳng định rằng việc thực hiện chế định lãnh tụ tối cao tại Iran là thể hiện sự chi phối của tôn giáo đối với chính trị. Thậm chí còn cực đoan hơn nữa là tôn giáo thực hiện việc điều hành và quản lý xã hội, khi lãnh tụ tối cao đóng vai trò là Tổng tư lệnh quân đội - trong khi đây là chức năng của duy nhất nhà nước.
Khi chi phối chính trị, tôn giáo sẽ đánh mất vai trò của nó trong đời sống xã hội vì nó gắn liện với quyền lực và sẽ bị vấy bẩn bởi quyền lực.
Và có thể thấy rằng, chủ nghĩa khủng bố, mà cụ thể là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) IS đã học theo Iran trong việc mang tôn giáo vào chính trị, chỉ có khác ở chỗ là chúng quá cực đoan mà thôi. Đây là một hệ lụỵ gây nên hậu quả hết sức tai hại.
Điều thứ hai dễ dàng nhận thấy là việc tồn tại chức danh lãnh tụ tối cao là một nguyên nhân gây ra bất ổn chính trị tại Iran. Điều này xuất phát từ một luật bất thành văn là ngôi vị này được dành cho những người đã từng nắm giữ cương vị Tổng thống, nghĩa là Tổng thổng chỉ là chức danh cho sự chuyển tiếp.
Điều đó sẽ gây bất mãn vì sẽ có cựu Tổng thống khi qua đời mà vẫn không được ngồi vào ngôi vị đó vì người trước đó chưa ra đi. Đó chính là trường hợp của cựu Tổng thống Akbar Hashemi Rafsanjani, chờ đợi Ali Khamenei “truyền ngôi” và từ sự bất mãn ấy ông đã ửng hộ xu hướng hội đồng tối cao mà Hassan khởi xướng.
Điều thứ ba mà vai trò của lãnh tụ tối cao tại Iran có ảnh hưởng đó là làm giảm đi vị thế của nhà nước Iran trong quan hệ quốc tế. Những ký kết hay thỏa thuận giữa nhà nước Iran với các quốc gia khác đều chưa thể được xem là có giá trị nếu chưa có ý kiến đồng thuận của lãnh tụ tối cao.
Trong thời đại của khoa học hiện đại, mà những vấn đề quốc gia đại sự liên quan đến cuộc sống của hàng chục triệu con người, liến quan đến sự phát triển của cả một đất nước, liên quan đến sự tồn vong của cả một dân tộc mà phải chờ đợi ý kiến của một con người mà sự minh mẫn và sự dẻo dai đều ở cuối sườn dốc bên kia của cuộc đời. Rõ ràng đó là rào cản xã hội phát triển.
Những nguyên tắc truyền thống của một quốc gia dù từng ưu việt như thế nào đi chăng nữa nhưng khi không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội, không phù hợp với xu thế phát triển của thời đại thì nó cần phải được chuyển thành những giá trị truyền thống, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa quốc gia dân tộc – một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên sức mạnh quốc gia.
Những giá trị truyền thống dù có tốt đẹp như thế nào đi chăng nữa nhưng không còn phù hợp với thực tại thì nó sẽ trở nên vô giá trị nếu vĩnh viễn hóa sự tốt đẹp ấy mà không có những sự đổi thay, cải tiến cho hợp thời.
Vì vậy, với vị thế của mình, Hassan Khomeini đã có quyết định gỡ rào phù hợp, hy vọng sẽ giúp thúc đẩy xã hội Iran phát triển, đúng với tiềm năng, lợi thế của nó, hy vọng cuộc sống của người dân Iran sẽ đổi thay trong một tương lai không xa.
Theo Reuters thì Hassan Khomeini không hề có ý đoạn tuyệt quá khứ như những thành phẩn bảo thủ tại Iran đã phê phán, mà anh ta vẫn hành động đúng với tinh thần của người lập quốc – tinh thần cách mạng.