Cho khu vực uống "định tâm hoàn", Trung Quốc chuẩn bị vơ vét Biển Đông

26/11/2014 15:44
Hồng Thủy
(GDVN) - Đa Chiều cho rằng Bắc Kinh đã có một kế hoạch (bành trướng) hết sức cụ thể, bố trí nghiêm ngặt trong vấn đề Biển Đông.
Khoảng 200 lính Trung Quốc đang đồn trú phi pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ khi xâm lược và chiếm đóng trái phép năm 1988.
Khoảng 200 lính Trung Quốc đang đồn trú phi pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ khi xâm lược và chiếm đóng trái phép năm 1988.

Đa Chiều, tờ báo của người Hoa hải ngoại ngày 25/11 bình luận, trong lúc cả thế giới đều cho rằng Biển Đông đã trở thành "viên đá thử vàng" của Trung Quốc trên con đường trở thành cường quốc, Bắc Kinh đã đáp lại bằng các hoạt động thăm dò khai thác với tốc độ và quy mô chưa từng có ở Biển Đông. 

Bất chấp phản đối kịch liệt từ Hoa Kỳ, sau hội nghị APEC và Đông Á, Trung Quốc tiếp tục công bố kế hoạch triển khai một mỏ dầu hàng chục triệu tấn ở Biển Đông.

Kế hoạch này của Bắc Kinh ít nhất nói lên 2 điều, thứ nhất là Trung Nam Hải đã có đủ tiền để chủ động chuyển biến sách lược (bành trướng) ở Biển Đông. Thứ hai, những vấn đề kỹ thuật cản trở Trung Quốc bước đầu đã được giải quyết, tiếp theo Bắc Kinh sẽ rất nhanh chống triển khai hoạt động thăm dò khai thác trên các vùng nước sâu ở Biển Đông. 

Hoạt động (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) bắt đầu từ đầu năm 2014 đã gia tăng đột ngột, đặc biệt là hoạt động cải tạo biến đá thành đảo.

Chữ Thập từ một bãi đá ngập nước trong quần đảo Trường Sa hiện tại đã trở thành đảo nhân tạo lớn nhất. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng (thách thức) rằng các hoạt động xây dựng ở Trường Sa dù với mục đích gì, quy mô nào đều là "chuyện nội bộ" của họ, các nước khác không có quyền nói này nói nọ?!

Trước đó vụ Trung Quốc rút giàn khoan 981 (khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam) "ngẫu nhiên" diễn ra sau khi Mỹ kịch liệt phản đôi, Bắc Kinh đã tuyên bố rằng động thái này không liên quan gì với các yếu tố bên ngoài nhưng sau đó vẫn tiếp tục xây dựng, cải tạo đá thành đảo ở Trường Sa, bất chấp phản đối của Mỹ và các nước trong khu vực.

Đa Chiều cho rằng Bắc Kinh đã có một kế hoạch (bành trướng) hết sức cụ thể, bố trí nghiêm ngặt trong vấn đề Biển Đông và những gì đã, đang và sẽ diễn ra trên vùng biển này đều đã nằm trong tính toán từ trước của Trung Nam Hải. Kể cả phản đối của Việt Nam và Philippines hay sự can thiệp của Mỹ cũng đã nằm trong sự trù tính của Bắc Kinh.

Trong hội nghị Đông Á vừa qua tại Naypyidaw, Myanmar, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cho các bên uống "định tâm hoàn" với phát biểu rằng Biển Đông cơ bản vẫn ổn định, tự do và an toàn hàng hải được đảm bảo. Sau đó Lý Khắc Cường công khai quan điểm "2 trục" của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông: Giải quyết qua đàm phán tay đôi trực tiếp với từng bên và duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Bằng động thái này, Bắc Kinh muốn gạt Mỹ khỏi Biển Đông và phát biểu của Lý Khắc Cường đã nhận được sự hỗ trợ của 8/10 nước ASEAN, trừ Việt Nam và Philippines, Đa Chiều tuyên bố. Tờ báo ca ngợi Tập Cận Bình như 1 "lãnh tụ có khí chất và đảm lược" khi khẳng định, người Trung Quốc "không có gen xâm lược" nhưng không phải không có năng lực chiến đấu, không phải thiếu dũng khí chiến đấu.

Kêu gọi xây dựng quân đội, phát triển lực lượng vũ trang biết đánh và đánh thắng của Tập Cận Bình theo Đa Chiều không phải ngẫu nhiên thốt ra, mà là có tính toán liên quan đến Biển Đông.

Tờ báo của người Hoa hải ngoại bình luận rằng, hiện nay Biển Đông không còn chỉ là vấn đề giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines, Malaysia hay Brunei nữa, mà còn là nơi cạnh tranh, đọ sức giữa 2 cường quốc Trung - Mỹ. Trong khi đó dù Mỹ vẫn là một sức mạnh toàn cầu, nhưng đã không thể một tay che kín bầu trời được nữa. Mỹ đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề trong khi Washington không thể phân thân.

Hồng Thủy