Sau 3 ngày xét xử, chiều 8/1, Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM đã bắt đầu phần luận tội và đề nghị mức án cho các bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt 120 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Tân Bình (Agribank Tân Bình).
Nhận định vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Nguyễn Thị Phương Hoa (sinh năm 1970, ngụ quận 3, nguyên Phó Giám đốc kinh doanh Công ty Reetech, trực thuộc Công ty cổ phần cổ phần Cơ điện lạnh REE) giữ vai trò chủ mưu, đầu vụ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng.
Mặc dù Hoa đã bỏ trốn (bắt được sẽ bị xử lý sau) nhưng hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án đều đã rõ khi giúp sức cho Hoa chiếm đoạt số tiền 120 tỉ đồng của Nhà nước.
Các bị cáo đứng nghe Viện kiểm sát luận tội và đề nghị mức án |
Đóng vai trò giúp sức tích cực cho Hoa, bị cáo Trần Huỳnh Nghĩa (sinh năm 1965, Giám đốc Công ty TNHH Cát Phương Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Trường Phát Đạt) bị đề nghị mức án chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Hai công ty của Nghĩa không có năng lực tài chính, cũng không quan hệ đầu tư gì vào Công ty REE nhưng Nghĩa vẫn nhờ những người thân trong gia đình (Trần Huỳnh Trâm, Trần Huỳnh Nhơn, Trần Thị Lệ Hằng, Trần Thị Mỹ Hạnh) cùng giúp Hoa đứng tên hồ sơ đã được làm giả để vay vốn tại Agribank Tân Bình nhằm chiếm đoạt tiền sử dụng vào mục đích cá nhân. Trong 120 tỉ chiếm đoạt của ngân hàng, Nghĩa chiếm hưởng 8,4 tỉ đồng.
Cùng tội danh và cũng bị Viện kiểm sát đề nghị mức án chung thân, Huỳnh Công Phúc (sinh năm 1970, chồng của Hoa) phải chịu trách nhiệm khi biết vợ đã bị công ty REE sa thải nhưng vẫn giúp Hoa thực hiện hồ sơ giả.
Phúc lấy tiền được giải ngân nộp vào tài khoản cá nhân và tài khoản kinh doanh của mình 17,4 tỉ đồng.
Mặc dù Phúc khai đã đưa toàn bộ tiền cho Hoa, nhưng do Hoa đã bỏ trốn nên Phúc phải chịu trách nhiệm về số tiền chiếm đoạt cùng với Hoa là gần 111,5 tỉ đồng.
Trần Thị Lệ Thu (sinh năm, ngụ quận Thủ Đức) làm nghề uốn tóc nhưng khi được Hoa nhờ cải trang nhân viên công ty REE đến Agribank Tân Bình làm hồ sơ, nhận tiền giải ngân, Thu đồng ý.
Thu nhận từ vợ chồng Hoa tổng cộng 86 triệu đồng và bị đề nghị từ 12 đến 14 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Nguyễn Kim Dzoanh (sinh năm 1965), Phạm Duy Soạn (sinh năm 1964, cùng từng là Giám đốc Công ty TNHH Trường Phát Đạt) và Trần Huỳnh Trâm (sinh năm 1937, ngụ Gò Vấp, cha của bị cáo Nghĩa) cũng bị truy tố tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Biết Hoa và Nghĩa làm giả hợp đồng nhưng vẫn ký giấy tờ vay vốn, nhận tiền của ngân hàng. Dzoanh giúp Hoa chiếm đoạt 13 tỉ đồng, Soạn giúp chiếm đoạt 10 tỉ đồng, Trâm giúp chiếm đoạt 7 tỉ đồng.
Với hành vi đó, Viện kiểm sát đề nghị mức án cho từ 8 đến 10 năm tù dành cho Dzoanh, 7 đến 9 năm tù cho Soạn, Trâm.
Mặc dù bị cáo Nguyễn Tám (nguyên giám đốc Agribank Tân Bình) đã chết trong thời gian điều tra nhưng các bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên của chi nhánh ngân hàng này vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi sai trái của mình.
Biết hồ sơ của Hoa và Nghĩa không đủ điều kiện vay vốn nhưng các bị cáo vẫn làm theo chỉ đạo của Nguyễn Tám, giải ngân gây thiệt hại 120 tỉ đồng.
Vì vậy, Viện kiểm sát đề nghị Phạm Việt Văn (sinh năm 1956, nguyên Phó Giám đốc Agribank Tân Bình) từ 14 đến 16 năm tù; Đặng Thị Duyên Nghĩa (sinh năm 1978, nguyên Trưởng Phòng Tín dụng, Trưởng phòng kinh doanh Agribank Tân Bình) từ 6 đến 8 năm tù; Đỗ Giao Toàn (sinh năm 1976, nguyên Phó Phòng kinh doanh Agribank Tân Bình) từ 12 đến 14 năm tù; Võ Đức Hùng (sinh năm 1957, nguyên Trưởng Phòng thẩm định Agribank Tân Bình) từ 7 đến 9 năm tù,; Ngô Đức Tài (sinh năm 1981, nguyên Phó Phòng kinh doanh Agribank Tân Bình) từ 6 đến 8 năm tù và Nguyễn Văn Chín (sinh năm 1975, nguyên cán bộ thẩm định Agribank Tân Bình) từ 10 đến 12 năm tù cùng về tội “vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chứ tín dụng”.
Phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, Nguyễn Trọng Luân và Nguyễn Minh Hòa (cùng sinh năm 1960, nguyên cán bộ kiểm tra nội bộ Agribank Việt Nam - khu vực miền Nam) đã không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của mình, không báo cáo, kiến nghị hoặc đề nghị đình chỉ cho vay.
Việc này dẫn đến Agribank Tân Bình tiếp tục cho Nguyễn Thị Phương Hoa và đồng phạm vay tiền, gây hậu quả nghiêm trọng.
Hai bị cáo này cùng bị đề nghị mức án từ 4 đến 6 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, công tố viên đề nghị hội đồng xét xử tuyên buộc bị cáo Thu nộp lại 86 triệu đồng, bị cáo Nghĩa bồi thường 8,4 tỷ đồng và bị cáo Phúc liên đới bồi thường 111,5 tỷ đồng.
Hôm nay, 9/1, Toà sẽ bước vào phần bào chữa của các bị cáo và luật sư.