Chơi xe cổ đẳng cấp thế giới như ông Dũng Eximbank

02/02/2014 13:08
Theo Nhịp cầu đầu tư
Dân chơi xe cổ thường nhắc đến chiếc xe mô tô dòng đầu tiên của hãng BMW với sự trầm trồ dành cho báu vật mà ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch tuổi ngựa của Eximbank sở hữu.

Vừa bước xuống xe, ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) nói: “Tôi có 15 phút thôi, cậu cứ hỏi đi, lát nữa tôi lại đi họp nữa rồi”. Chúng tôi hơi hụt hẫng vì bằng ấy thời gian không đủ để nói hết một niềm đam mê. Hai chiếc xe cổ của ông Dũng không chỉ khiến tôi tò mò mà còn khiến cả giới chơi xe thèm được chiêm ngưỡng và sở hữu. Nhưng khi chạm vào chiếc xe cổ đen bóng, ông Dũng lại say sưa nói đến cả tiếng đồng hồ.

Báu vật và huyền thoại

Dân chơi xe cổ thường nhắc đến chiếc xe mô tô dòng đầu tiên của hãng BMW với sự trầm trồ dành chỉ một báu vật. Nếu được nghe kể lại, chắc hẳn không ít người sẽ bật ngửa vì báu vật này lại đang nằm trong tay một người chuyên làm kinh doanh và ít có thời gian đi săn xe như ông Dũng. Nhưng sự thật không giống vẻ bề ngoài, ông Dũng cũng là một tay chơi xe cừ khôi.

Nhắc đến xe cổ là đôi mắt ông Dũng lại sáng lên: “Điểm đặc biệt đầu tiên của chiếc xe này là biển số 001. Nó cũng là dòng mô tô đầu tiên của hãng BMW”. Vì dòng xe đầu tiên của thời công nghệ mới phát triển nên nó mang dáng dấp của một chiếc… xe đạp. Dù vậy, chiếc mô tô BMW R2 này được giới chơi xe săn còn hơn báu vật.

Chiếc Dodge được sản xuất năm 1936 ẩn chứa những dấu ấn như một huyền thoại.
Chiếc Dodge được sản xuất năm 1936 ẩn chứa những dấu ấn như một huyền thoại.


Được xuất xưởng năm 1932 tại Đức, BMW R2 được một người mang về Việt Nam. Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, chiếc xe thuộc sở hữu của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa. Người đầu tiên sử dụng nó là một cán bộ Bộ Nội vụ (Bộ Công an bây giờ). Đến năm 1967, chiếc xe được bán ra ngoài và được ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, một cán bộ Ty Thủy lợi Nam Hà, sống tại Hàng Đậu, Hà Nội, đăng ký sử dụng. Chiếc xe được lưu hành với biển số BMT 001 (lúc đó chỉ có 2 loại biển: BMT, biển mô tô và BÔT, biển ô tô, đăng ký và lưu hành).

“Dấu ấn của thời đó đây”, ông Dũng vừa chỉ tay vào dấu dập nổi hình ngôi sao 5 cánh trên góc phải biển số vừa nói. Chắc hẳn ai từng trải qua thời bao cấp đều hiểu cái dấu ấy. Cái thời mà đến chiếc xe đạp cũng có biển số đăng ký và luôn có con dấu đó.

Ngoài điểm đặc biệt này, BMW R2 còn có kết cấu khá lạ so với những dòng xe bây giờ. Khung xe là những thanh sắt liền, không hàn nối. BMW R2 cũng không có phuộc nhún trước sau mà chỉ có 9 thanh nhíp dính liền hướng về sau to bản được đỡ bằng những thanh lò xo. Xe cũng không có đèn xi nhan, đầu xe trơn tru giống như chiếc Honda 67. Nhưng quan trọng hơn, “ăn trộm có lấy cũng không biết chạy”, ông Dũng cười khà khà pha trò. Cái khó ở đây là vô số bằng tay, mà phải đẩy một thanh sắt nằm bên phải sườn xe. “Bóp côn tay trái rồi đè xuống là vô số 1, kéo lên là vô tiếp số 2 rồi số 3”. Ông Dũng đắc chí ngồi lên chiếc xe bóng nhoáng thực hành cho chúng tôi xem.

Năm 1967, chiếc BMW R2 được bán ra cho người dân. Nói là bán chứ không phải vậy, ai sở hữu đồ quý mà muốn bán? Chủ xe lúc đó tìm được người mua nhưng vẫn còn luyến tiếc nên đưa ra một lời đề nghị: đổi chiếc Cub 81 đời cuối. Hồi đó, chiếc xe Cub 81 cũng rất giá trị nên sở hữu được nó là mơ ước của nhiều người. Được đáp ứng yêu cầu xe Cub 81, chủ của BMW R2 ngậm ngùi tiễn nó về với chủ mới. Qua nhiều đời chủ nữa, càng ngày giá trị chiếc xe càng tăng lên. Đến lúc ông Dũng nghe tin và tìm mua thì giá trị chiếc xe này đã lên tới mức giá khủng khiếp.

Ông Dũng mua chiếc xe này vào năm 1997 từ ông Tạ Văn Bản, một tay chơi Harley, BMW và cũng là tay săn xe siêu hạng. Giới chơi xe biết đến ông Bản qua những thương vụ mua bán xe cổ đình đám mà sau mỗi vụ, ông kiếm vài cây vàng là chuyện bình thường. Để có được chiếc xe, ông Dũng phải đổi một chiếc BMW R5 (sản xuất 1954), một chiếc Chrysler (sản xuất 1966), bù thêm 5.000 USD tiền mặt. Chiếc Chrysler này là xe 2 cửa được ông Dũng phục dựng trở thành chiếc xe toàn đồ “origin” duy nhất ở Việt Nam. Ngoài ra, với giá vàng 400 USD một cây thì chỉ riêng số tiền mặt đã hơn chục cây vàng.

Ngoài chiếc BMW R2 mang biển số 001, ông Dũng còn một chiếc ô tô mà dân chơi xe nhìn thấy cũng phải lác mắt. Đó là chiếc Dodge được sản xuất năm 1936 ẩn chứa những dấu ấn như một huyền thoại. Dodge chỉ là xe xo 6 máy, sang hơn hẳn những loại ô tô hạng sang chỉ 4 máy theo xu hướng tiết kiệm nhiên liệu thời ấy. Đặc biệt hơn, 2 bên hông xe có 2 bệ đỡ to bản. Đây là nơi dành cho 4 cận vệ đứng bảo vệ cho những người ngồi trong xe.

Sở hữu được chiếc Dodge này với ông Dũng cũng là một may mắn, vì chiếc xe này được truyền lại đến 3 đời, ai cũng thề chết không bán. Được nhập về Việt Nam bởi ông Trần Phước Tứ ở Bến Nghé, một chủ xuất khẩu gạo lớn ở Đông Dương thời đó, cà vẹt xe được đăng ký tại Sài Gòn ngày 15/10/1937. Biết tiếng xe quý nhưng ông Dũng cũng không làm gì được. Cho đến một ngày cháu nội ông Tứ đánh tiếng bán. Hay tin, ông Dũng tìm đến ngay.

Khi vào nhà người này, ông Dũng không thấy xe đâu. Sau khi tìm hiểu và biết ông Dũng thật sự muốn mua thì người này mới “đập tường” cho xem. Vì là đồ gia truyền, người này xây tường bao kín hết chiếc xe. Nói đến đây, ông Dũng cũng có chút ưu tư: “Sở hữu được những thứ quý như vậy thì ai mà muốn bán. Gia cảnh khó khăn quá người ta mới đốt nhang xin phép ông nội cho phép bán”.

Muốn sở hữu thứ độc nhất

Đam mê xe thì không thiếu gì người nhưng để đi đến cùng đam mê như ông Dũng không hẳn là nhiều. Xe ông Dũng mua về thường đã được tân trang bằng phụ tùng khác, không còn “zin” nữa. Để phục chế nguyên trạng và giữ giá trị cho xe cổ, ông phải mất ít nhất 2 năm cho mỗi chiếc chỉ để tìm mua phụ tùng gốc. Với chiếc BMW R2, ông Dũng phải nhờ người quen bên Đức lùng mua giúp.

“Mà người ta không rành về xe, muốn chuyển hàng về cũng phải tùy lúc người ta rảnh chứ đâu như ý mình được”, ông kể.

Cái khó nữa là đồ phụ tùng đã khó kiếm lại còn đắt, mà mình không mua cũng không được. “Món đồ đáng giá 1 triệu mà người ta nói 10 triệu cũng phải mua. Nếu mình không mua người ta nói để người ta đem về nấu thành cục chì để chơi thì tiêu chiếc xe mình rồi”, ông Dũng vừa cười khà khà vừa sờ từng chi tiết trên chiếc Dodge. Mà những năm 1990, khi ông bắt đầu sưu tầm xe cổ, thợ sửa xe hiểu biết về xe cổ cũng không nhiều. Bởi vậy, quá trình dựng rất tốn kém tiền bạc và thời gian.


Chiếc xe BMW R2.
Chiếc xe BMW R2.


Cái khó nữa là đồ phụ tùng đã khó kiếm lại còn đắt, mà mình không mua cũng không được. “Món đồ đáng giá 1 triệu mà người ta nói 10 triệu cũng phải mua. Nếu mình không mua người ta nói để người ta đem về nấu thành cục chì để chơi thì tiêu chiếc xe mình rồi”, ông Dũng vừa cười khà khà vừa sờ từng chi tiết trên chiếc Dodge. Mà những năm 1990, khi ông bắt đầu sưu tầm xe cổ, thợ sửa xe hiểu biết về xe cổ cũng không nhiều. Bởi vậy, quá trình dựng rất tốn kém tiền bạc và thời gian.

“Vì sao anh lại mê xe cổ”, tôi buông một câu tò mò của kẻ ngoại đạo. Đáp lời tôi, ông Dũng không cười hào sảng như lúc đầu mà nói với giọng trầm ấm: “Tôi muốn sở hữu thứ độc nhất”. Hai chiếc xe này của ông Dũng giờ cả khu vực Đông Dương đỏ mắt cũng tìm không ra chiếc thứ hai. Ngay như chiếc BMW R2, trên thế giới chắc cũng chỉ còn vài chiếc. “Hãng xe Dodge mà thấy chiếc này của tôi ắt cũng phải giật mình”, ông nói. Trước đây ông còn vài chục chiếc xe cổ khác có xuất xứ từ Mỹ, Đức nhưng ông đã bán hết. “Như chiếc Chrysler đời 1966 trước đây, dù còn “zin” gần như toàn bộ nhưng Việt Nam có đến vài chiếc nên tôi không tiếc đổi luôn”, ông nói.

Mặc dù sở hữu 2 chiếc xe quý, ông Dũng cho rằng độ quý xe của ông chưa phải là nhất trong các loại xe cổ. Ông nói xe cổ có 2 loại quý nhất là dòng xe Mỹ và Đức, họa hoằn mới có dòng xe Anh như Rolls-Royce. Loại thông thường gọi là Classic, loại cao cấp hơn là Heritage và Vintage là hiếm nhất. Loại Vintage thường là những dòng xe được sản xuất vào những năm 1800 và trước năm 1920. Bởi vậy, ông cũng chỉ muốn giữ xe này lại thành di sản như đúng nghĩa Heritage của đời xe này.

Mỗi ngày, khi đi làm về đến nhà ông ghé qua nhìn mấy chiếc xe một chút. Thỉnh thoảng ông mới chạy ra đường để tận hưởng cái thú chơi xe cổ và cảm giác sở hữu cái độc nhất không ai có. “Nhưng mỗi lần ra đường là gặp phiền phức. Người ta cứ bám theo mình chụp hình xe, xin số điện thoại rồi hỏi bán không, bán bao nhiêu. Tôi không bán đâu, chỉ để cho con cháu thôi”, ông Dũng lại khề khà.

Nói đến đây, ông cầm điện thoại lên xem và bảo phải đi. Trước khi đi, ông còn kịp nói với tôi về chiếc xe cổ khác mà ông đang phục chế. Đó là chiếc Chaika mà ông sưu tầm được từ đại sứ quán Liên Xô trước đây. Đây là chiếc xe được sản xuất từ năm 1947, chỉ dành riêng cho cấp lãnh đạo Liên Xô đi. Tôi tò mò muốn hỏi thêm, ông Dũng nói ngay: “Ngay cả CIA của Mỹ cũng rất tò mò muốn biết công nghệ sản xuất chứ nói gì cậu”. Rồi ông quay ra bước lên chiếc xe đã chờ sẵn, không quên cho tôi một cái hẹn, khi nào phục chế xong sẽ kể cho tôi nghe tiếp về chiếc xe huyền thoại ấy.

Theo Nhịp cầu đầu tư