Chủ động điều chỉnh, sáng tạo trong phòng, chống dịch
Bí thư Thành ủy Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu cho biết, hiện trên địa bàn Thành phố đang theo dõi, điều trị cho 6.469 người nhiễm COVID-19. Từ ngày 23/9 đến 29/9, địa phương ghi nhận 230 ca trong khu cách ly, phong tỏa, đối tượng thuộc diện xét nghiệm tầm soát… không ghi nhận chuỗi lây nhiễm mới. Tỷ lệ ca nhiễm mới trên tổng số mẫu xét nghiệm còn 0,03%.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra hoạt động sản xuất của Công ty Saigon Precison (Khu chế xuất Linh Trung 1, Thành phố Thủ Đức), sáng 1/10. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Đến nay, Thành phố Thủ Đức đã tiêm vaccine cho 99,6% đối tượng theo quy định của Bộ Y tế, trong đó người trên 50 tuổi đạt 83%. Trong thời gian tới, Thành phố Thủ Đức sẽ tập trung tiêm vaccine mũi 2 nhanh nhất để đạt mức độ bao phủ 65% đến 70% người từ 18 tuổi trở lên.
Đánh giá mức độ nguy cơ dịch bệnh, Thành phố Thủ Đức có 2.021 tổ/270.242 hộ dân là vùng xanh (an toàn), 45 tổ/8.419 hộ dân là vùng cận xanh; vùng vàng (nguy cơ) có 109 tổ/24.530 hộ dân; vùng cam (nguy cơ cao) có 49 tổ/10.759 hộ dân; vùng đỏ (nguy cơ rất cao) có 37 tổ/9.565 hộ dân.
Về lộ trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, Thành phố Thủ Đức tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội tương ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh và đánh giá mức độ nguy cơ dịch tại từng phường.
Cùng với việc từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế, Thành phố Thủ Đức có kế hoạch sớm trả lại chức năng điều trị các bệnh khác cho bệnh viện; lập các khoa, khu điều trị riêng dành cho bệnh nhân COVID-19; củng cố hệ thống y tế cơ sở để ứng phó nhanh nhất trước các tình huống dịch bệnh có thể phát sinh trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, điểm nối bật trong công tác phòng, chống dịch của địa phương là liên tục duy trì xét nghiệm tầm soát cộng đồng, nhất là những khu trọ có rất đông công nhân; phân loại, quản lý F0 từ rất sớm; vận động được nguồn lực xã hội để bảo đảm nguồn lực điều trị đến tận F0 tại nhà.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Mục đích của chúng ta là kiểm soát được dịch bệnh, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ cho người dân, từ đó phục hồi sản xuất, tạo việc làm, thu nhập. Đây chính là hỗ trợ an sinh bền vững nhất". Ảnh: VGP/Đình Nam |
“Chính quyền và người dân Thành phố Thủ Đức đã có sự chuyển biến về nhận thức, chủ động điều chỉnh, sáng tạo trong phòng, chống dịch. Các lực lượng chống dịch từng bước trưởng thành”, ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ.
Thách thức lớn nhất của Thành phố Thủ Đức hiện nay là bảo đảm năng lực của hệ thống điều trị, quản lý nguy cơ đối với những người lớn tuổi, có bệnh nền, người chưa chưa tiêm vaccine…
Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện phòng, chống COVID-19 đề nghị Thành phố Thủ Đức cần tập trung lực lượng xét nghiệm, dập dứt điểm những vùng đỏ còn lại; ưu tiên tiêm vaccine cho đối tượng nguy cơ; thống kê hiệu quả bảo vệ của vaccine để có căn cứ mạnh dạn nới lỏng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn phục hồi sản xuất an toàn, chắc chắn.
Tăng cường hiệu lực giám sát y tế cộng đồng
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá Thành phố Thủ Đức đã phát huy chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong phòng chống, dịch, dựa trên những luận cứ, cơ sở khoa học. Thành phố đã bước đầu rút ra được một số kinh nghiệm rất tốt, cần tiếp tục điều chỉnh theo hướng đánh giá nguy cơ dịch bệnh đến tận khu phố, tổ dân phố để có biện pháp phù hợp nhằm mở rộng, giữ vùng xanh, thu hẹp vùng đỏ.
Bước sang giai đoạn từng bước mở lại các hoạt động, Phó Thủ tướng đề nghị Thành phố Thủ Đức tuyệt đối không được chủ quan, phải chủ động, an toàn, chắc chắn trong kiểm soát dịch bệnh, khôi phục sản xuất. “Những lúc tình hình tốt lên phải hết sức cảnh giác, lúc tình hình xấu đi phải hết sức bình tĩnh”.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, không chỉ chính quyền chủ động trong phòng, chống dịch mà người dân, doanh nghiệp cũng phải chủ động xây dựng phương án sản xuất bảo đảm an toàn, tự bảo vệ bản thân trước đại dịch. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Phó Thủ tướng phân tích, nguy cơ của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố Thủ Đức còn rất lớn khi: Người dưới 18 tuổi, trẻ nhỏ chưa được tiêm vaccine; không phải 100% người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine đều được bảo vệ; virus SARS-CoV-2 không ngừng biến đổi; chưa có thuốc đặc trị; khả năng lây lan dịch bệnh từ giao lưu, đi lại giữa các quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố khác... Chưa kể đến một thời điểm nào đó, các lực lượng chi viện sẽ rút đi.
Vì vậy, dù tình hình đã tốt lên nhưng Thành phố Thủ Đức phải hết sức cảnh giác, tuyệt đối không được chủ quan, không để xuất hiện tâm lý buông lỏng, xả hơi.
Thành phố Thủ Đức phải tăng cường hiệu lực giám sát y tế cộng đồng, bao gồm xét nghiệm tầm soát đánh giá dịch tễ, phát hiện đối tượng nguy cơ, chuẩn bị thuốc men, oxy, giường bệnh, khu cách ly… nhất là nắm sát tình hình sức khoẻ, nguy cơ tới từng hộ dân, từng phòng trọ.
Mạng lưới giám sát y tế cộng đồng cần huy động y tế tư nhân, kể cả những y, bác sĩ đã nghỉ hưu, nhằm phát hiện thật nhanh ca nhiễm, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị tích cực ngay từ ban đầu.
Theo Phó Thủ tướng, không chỉ chính quyền chủ động trong phòng, chống dịch mà người dân, doanh nghiệp cũng phải chủ động xây dựng phương án sản xuất bảo đảm an toàn, tự bảo vệ bản thân trước đại dịch.
Chúng ta phải vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K, cố gắng hạn chế di chuyển, không tự ý từ Thành phố Hồ Chí Minh về các địa phương khác đang có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 còn thấp, lực lượng y tế mỏng.
Các nhà máy, xí nghiệp, công sở, các hộ kinh doanh phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, đánh giá định kỳ, cập nhật lên bản đồ an toàn COVID-19 (antoancovid.vn).
Tới kiểm tra hoạt động sản xuất của Công ty Saigon Precison (Khu chế xuất Linh Trung 1, Thành phố Thủ Đức), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực duy trì sản xuất của doanh nghiệp trong thời gian qua. Hiện nay, Công ty Presion đang hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ” với 50% công suất. Lãnh đạo công ty mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục được tăng công suất hoạt động để đáp ứng được các đơn hàng; kiến nghị Thành phố Hồ Chí Minh có hướng dẫn để cho phép khoảng 30% công nhân của công ty đang làm việc tại Bình Dương được quay trở lại làm việc.
Nhấn mạnh mục đích phải thúc đẩy sản xuất an toàn, tăng công suất từng bước chắc chắn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị doanh nghiệp cần chủ động xây dựng phương án bảo đảm an toàn dịch bệnh khi hoạt động, khi phát hiện ca nhiễm thì khoanh gọn nhất theo ca, kíp, phân xưởng, nơi ở trọ, còn những bộ phận khác hoạt động bình thường.
Chính quyền địa phương, ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Thành phố Thủ Đức phải chủ động, trách nhiệm trong phê duyệt, giám sát, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện phương án sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Phó Thủ tướng nêu rõ phải giữ được an toàn, kiểm soát được dịch bệnh, từng bước mở lại các hoạt động “mở đến đâu chắc đến đấy”. “Chúng ta cố đi khẩn trương nhất, nhanh nhất có thể nhưng phải rất chắc chắn”.
“Mục đích của chúng ta là kiểm soát được dịch bệnh, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ cho người dân, từ đó phục hồi sản xuất, tạo việc làm, thu nhập. Đây chính là hỗ trợ an sinh bền vững nhất”, Phó Thủ tướng nêu rõ.