Nhìn nhận vấn đề một cách khách quan
Nhắc tới cao nguyên đá Đồng Văn, người ta thường nhắc tới “địa chỉ đỏ” cho khách du lịch bởi sự hùng vĩ, trùng điệp do thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất nơi này. Nhưng suốt hành trình trên cao nguyên đá Đồng Văn, không khó để bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ nghịch đùa hai bên đường, thậm chí ngay cả ở những khúc cua, bên bờ vực… Thỉnh thoảng chúng lại đòi tiền khi có du khách chĩa máy ảnh về phía mình.
Những ngày gần đây, trên một tờ báo mạng có đăng tải hình ảnh: Suốt dọc đường đi từ Thành phố Hà Giang lên Đồng Văn, mấy người đàn ông ngồi trong chiếc xe Pajero cứ thấy có trẻ nhỏ người dân tộc đang tha thẩn chơi ven đường là họ liền hạ cửa, thò tay qua cửa kính và tung một vốc kẹo về phía bọn trẻ. Mấy đứa trẻ nhem nhuốc hồn nhiên xô lại nhặt.
Những đứa trẻ dọc đường đi lên cao nguyên đá Đồng Văn hồn nhiên chạy ra nhặt kẹo do những người ngồi trên xe Pajero vứt ra - ảnh: nguoiduatin.vn |
Nhiều người bức xúc và đưa ra ý kiến: “Những đứa trẻ hồn nhiên đã đành, nhưng hành động của những người trên xe, dứt khoát không phải là “từ thiện” mà là một cách “mua vui” của họ”.
Nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc độ, PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: Bàn về hành động của những người này, chúng ta phải xét trong hoàn cảnh cụ thể, xem đoạn đường đó như thế nào để đưa ra kết luận vì sao họ làm như vậy.
Nhiều khi cũng là hành vi vô ý. Lý giải cho giả thiết đây là hành vi vô ý, PGS. TS lấy ví dụ: trên đường đi, những người này cũng không chủ trương là trên đường đi có trẻ con đứng. Họ đi qua và vô tình bắt gặp những hình ảnh đó nhưng vì là những khúc cua, những đoạn đường nguy hiểm… khiến họ không thể dừng xe được. Trong hoàn cảnh đó, hành động vứt bánh kẹo qua cửa kính để trẻ em ở đây xô vào nhặt không phải là hành động xấu hay một cách “mua vui”. Thậm chí có thể xuất phát từ lòng tốt.
Nhưng nếu trong trường hợp, những người đi trên đường mà hành động trên lại có tính chủ ý thì theo PGS. TS Lê Quý Đức đó là hành vi rất đáng phê phán. Vì xét ở khía cạnh này, đây giống như sự ban phát và khinh miệt người nghèo. Cụ thể ở đây là trẻ em nghèo vùng cao.
Nếu là cố ý thì toát lên qua hành động đó, PGS. TS khẳng định, “xin” – “cho” như thế nào cho đúng cũng là một nét văn hóa ứng xử. Nhưng cho trong bối cảnh này thì văn hóa ứng xử đó không là mẫu mực cho doanh nhân Việt Nam, không phải là cái để giáo dục cho giới trẻ, giúp các bạn có cái nhìn đúng đắn nhất về xã hội hiện nay.
PGS cũng chia sẻ: Hình ảnh đó dù là vô ý hay cố ý nhưng chúng ta cũng nên có cái nhìn khách quan. Nếu có người nước ngoài qua đó và bắt gặp hình ảnh ấy, họ sẽ nghĩ gì về hình ảnh Việt Nam, rồi khoảng cách giữa người giầu và người nghèo ở đất nước ta?...
Một vấn đề mà PGS muốn bàn tới là, việc để trẻ em ở đây chạy ra nhặt tiền từ phía du khách có trách nhiệm của cả chính quyền địa phương vì vừa ảnh hưởng tới an toàn giao thông, lại vừa làm xấu đi hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Hơn nữa, việc cho tiền, cho kẹo trẻ em đi trên đường còn vô tình dung dưỡng thói quen trẻ con bám theo du khách xin tiền.
Trả lại sự trong sáng cho trẻ em vùng cao
Trao đổi với Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ông Hoàng Văn Thịnh, Phó Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn (Hà Giang) cho biết: khoảng nửa năm trở lại đây, ở cao nguyên đá Đồng Văn xảy ra tình trạng du khách vừa đi trên xe vừa ném bánh kẹo, tiền… cho trẻ em ở đây. Hình ảnh ấy nhìn rất phản cảm.
Trước đây, mỗi du khách đến với cao nguyên đá Đồng Văn, ngoài sự hùng vĩ của miền sơn cước, họ còn hay nhắc tới hình ảnh rất đỗi thân thương, trong sáng của trẻ em vùng cao bởi những cái vẫy tay chào và nụ cười thân thiện.
Vẻ hùng vĩ của cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) - ảnh: internet. |
Nhưng sau đó, mỗi đoàn du khách đi qua đây, bên cạnh cảnh đẹp, họ còn bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ vùng cao, nhiều đứa nhem nhuốc đứng hai bên đường. Các lữ khách xuất phát từ tình thương, người cho đồ ăn, người cho tiền… và dần dần ăn sâu vào suy nghĩ của trẻ em nơi đây là hễ có du khách tới định chụp ảnh hay làm quen với các em là chúng lại đòi tiền.
“Trẻ em như tờ giấy trắng, vô tình chúng ta đang làm hư các em”, ông Thịnh trầm ngâm.
Ông Thịnh cũng lo ngại, hình ảnh vứt đồ qua cửa xe để trẻ em nghèo chạy theo nhặt sẽ làm xấu đi hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt người nước ngoài.
“Cách đây gần 1 tuần, huyện Đồng Văn đã có văn bản yêu cầu các xã, các trường và hộ gia đình tuyên truyền cũng như quán triệt các em không ra đường, nhằm chấn chỉnh lại tình trạng trên. Đồng thời, chúng tôi cũng kêu gọi các du khách không nên vứt quà xuống cho các em”, ông Hưng cho biết thêm.
Có những đoàn du khách khi liên hệ qua huyện, cũng đã được cơ quan chức năng trên địa bàn huyện tuyên truyền, nhắc nhở, họ cũng không để xẩy ra tình trạng này. Bên cạnh đó, cũng có không ít khách không liên hệ qua huyện và trong quá trình đi du lịch tại cao nguyên đá, bắt gặp hình ảnh trẻ em nhem nhuốc, đi chân đất trong cái nắng bỏng rát… họ cũng động lòng trắc ẩn và cho các em một số đồ.
Nhiều đồng bào nơi đây cũng không đồng tình với ứng xử đó của du khách. Xuất phát từ thực trạng này, ông Thịnh mong muốn: Các du khách có tấm lòng hảo tâm có thể liên hệ với lãnh đạo địa phương, với trường học để có thể xây dựng những quỹ học bổng nhằm khuyến khích các em vùng dân tộc tới trường và vượt khó vươn lên trong học tập.
Chính vì vậy, ông Thịnh đưa ra quan điểm: Chúng ta nên trả lại sự trong sáng cho các em học sinh dân tộc vùng cao.