Ngày 26/4, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các thành viên tổ đại biểu Quốc số 1 – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi tiếp xúc với hàng trăm cử tri quận 1,3 và 4 trước kỳ họp thứ 3 – Quốc hội khóa XIV sắp khai mạc vào tháng 5.
Tại buổi tiếp xúc này, khi được mời nêu lên những suy nghĩ của mình, cử tri Lê Minh Số (phường Cầu Kho, quận 1) đề nghị: Quốc hội nên có nghiên cứu để làm luật nào trước, luật nào sau. Vừa qua xảy ra nhiều vụ tụ tập tự phát ở nhiều nơi, nên cần thiết phải xây dựng Luật biểu tình, để tránh “bùng nhùng”.
Ngoài ra, cử tri này còn nói, Luật phòng chống tham nhũng còn nhiều kẽ hở, khiến cho tội phạm tham nhũng lách luật, tham nhũng mà không bị trừng trị, nên cần được sửa đổi chặt chẽ, nhưng cũng phải ngắn gọn hơn.
Về chủ trương hạn chế xe máy, cử tri Lê Minh Số nói rằng, đây là việc làm rất sáng suốt, cần thực hiện ngay. Bởi lẽ, cử tri này nói xe buýt hay trễ giờ, làm người dân “quay lưng”, còn xe cá nhân nhiều quá thì đường chật hết trơn rồi, làm sao xe buýt chạy được.
Cử tri thành phố phát biểu tại buổi tiếp xúc với Chủ tịch nước Trần Đại Quang (ảnh: P.L) |
“Cần phải phân làn, phân luồng hợp lý, và phải có làn đường riêng dành cho xe buýt” – cử tri Lê Minh Số đề xuất.
Đồng quan điểm này, cử tri Nguyễn Hữu Châu (phường 7 – quận 3) thì lại nói, muốn hạn chế xe máy thì cần phải bình tĩnh, không được nóng vội, chọn giải pháp sáng suốt, khả thi và thực hiện theo lộ trình lâu dài, từng bước.
“Cũng giống như học sinh tiểu học không thể bị bắt chỉ học vài năm rồi bỗng nhiên nhảy vọt lên đại học được” – cử tri Châu ví von.
Cử tri Hoàng Thị Lợi (phường Bến Nghé, quận 1) thì góp ý, dự thảo Luật tố cáo sửa đổi cần thực hiện việc công nhận hình thức gửi đơn tố cáo qua email (điều 20), công nhận chứng cứ tố cáo qua ghi âm, ghi hình, chụp ảnh bằng điện thoại.
Đồng thời, cử tri Lợi còn mong muốn cần có cơ chế bảo vệ người tố cáo, mà không nhất thiết người tố cáo cần phải có đơn xin được bảo vệ.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các đại biểu Quốc hội thuộc tổ đại biểu số 1 (ảnh: P.L) |
Phát biểu kết luận buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đề nghị, những vấn đề nào cử tri đề cập, thuộc trách nhiệm của địa phương, Chủ tịch nước yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố Hồ Chí Minh cần giải quyết ngay, trả lời thỏa đáng, tránh gây phiền hà cho cử tri.
Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, các ý kiến mà cử tri nêu tại buổi tiếp xúc đều rất thỏa đáng, tâm huyết và thẳng thắn, cá nhân ông hoàn toàn đồng tình, vì nó là các vấn đề bức xúc được đặt ra từ cuộc sống.
Nói về Luật biểu tình, Chủ tịch nước cho biết, luật này đã từng được đưa vào chương trình làm việc của Quốc hội khóa XIII, nhưng vì là một dự án luật lớn, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm, nên chưa được trình ra xem xét.
Giải đáp ý kiến của các cử tri trước yêu cầu cần thiết phải bảo vệ môi trường, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nói: Bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn của nhân loại, là vấn đề mà cả thế giới đang quan tâm.
Việt Nam không đánh đổi môi trường bằng bất cứ giá nào, nên khi xem xét các dự án, công trình đều được cân nhắc, đánh giá tác động đối với môi trường, để đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường.
“Vừa qua, Chính phủ đã chỉ thị tạm dừng triển khai một số dự án chưa chắc chắn về yếu tố tác động đến môi trường” – Chủ tịch nước thông tin.
Về hạn chế xe máy và vấn đề đảm bảo an toàn giao thông, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Đây không phải là vấn đề chỉ của Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới cũng đang gặp phải, đây là vấn đề toàn cầu.
“Giải phóng, làm cho vỉa hè sạch đẹp, giải quyết ùn tắc giao thông cũng chỉ là một giải pháp. Cần phải làm kiên quyết, lâu dài, không được để “đầu voi, đuôi chuột”. Hạn chế, hay cấm xe máy cũng chỉ là một đề xuất, giải pháp được đưa ra”.
Theo Chủ tịch nước, đề xuất này cần phải được nghiên cứu, tính toán coi có khả thi hay không, nếu có cũng cần lộ trình thực hiện như thế nào, chứ không thể nói là cấm ngay mà không phù hợp với thực tiễn, còn cấm ngay là nóng vội.