Mặc dù đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”, vậy mà hơn 10 năm nay, ngày nào bà Phạm Thị Cường (SN 1937, ngụ xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) cũng cặm cụi làm công việc hết sức kỳ lạ - “nhặt xác hài nhi”. Có nhiều người nói bà bị điên, bị dở hơi, nhưng mấy ai hiểu được ý nghĩ và nghĩa cử cao đẹp của bà Cường. Với bà, việc cứu rỗi những linh hồn bị bỏ rơi cũng chính là để hành thiện giúp ích cho cuộc đời.
Bà Phạm Thị Cường |
Từ nỗi ám ảnh xác hài nhi còn sống
Để tìm gặp được người đàn bà kỳ lạ này, chúng tôi phải chạy xe ròng rã hơn 4 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Bắt đầu đến thôn Quần Vinh, khi hỏi thăm về nhà bà Cường, những người dân sinh sống tại đây chẳng ai là không biết và điều hỏi ngược lại ngay: “Bà Cường chuyên đi nhặt xác phải không?”. Qua đó cũng thấy công việc của bà Cường dường như đã trở thành một điều hết sức đặc biệt ở cái xóm chài heo hút này.
Nhiều người dân tỏ ra rất khán phục kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh của bà Cường. Đối với bà con làng xóm, bà Cường là một người thật thà, tốt bụng. Đã hơn chục năm nay, bất kể ngày nắng cháy hay ngày mưa giông gió rét, người ta vẫn thấy hình ảnh một người đàn bà già nua, tóc bạc như cước, đội chiếc nón cũ kỹ, chầm chậm đạp xe trên mọi ngả đường xung quanh huyện Nghĩa Hưng, hay chạy dọc lên những thị trấn để đi tìm nhặt xác hài nhi bị vứt bỏ về, tự tay mình chôn cất.
Trái ngược với công việc đòi hỏi nhiều công sức và tiền bạc, cuộc sống của bà Cường rất khó khăn, nghề của bà là đi bán rau, củ, quả và chút đồ tạp hóa lặt vặt ở chợ trên thị trấn Đông Bình. Nơi này, có rất nhiều các cơ sở nạo, hút, phá thai. Chính vì vậy, mỗi ngày có vô số ca nạo phá diễn ra, đó cũng chính là nguyên nhân hàng trăm xác hài nhi bị vứt vương vãi khắp nơi.
Nơi ở của bà Cường là một căn nhà mái ngói đơn sơ, phủ một lớp rêu phong thời gian. Những làn khói từ trong nhà bay ra, đặc sệt thứ mùi rơm rạ ngày mùa. Thấy khách đến, bà Cường chạy từ trong bếp ra. Sau màn chào hỏi, biết chúng tôi là nhà báo lặn lội từ xa đến, bà vui vẻ mời chúng tôi vào nhà.
Ngồi nhâm nhi chén trà nóng, bà Cường trầm ngâm kể lại cơ duyên đã khiến bà nặng lòng với những linh hồn xấu số. Đó là một ngày mùa hè nóng như đổ lửa của năm 2001, khi đang đi chợ bán rau như thường nhật, lúc đi qua đoạn cầu Đông Bình, bà nhìn thấy bên vệ đường có túi ni long màu đen, ruồi, bọ bậu kín mít, trông đến buồn nôn.
Ban đầu, bà Cường tưởng đó chỉ là cái túi rác bẩn sinh hoạt vứt bừa lên đây, nghĩ bụng mặc kệ, nhưng không hiểu sao, đi qua một đoạn, bà Cường thấy lòng bất an, lo lắng, một điều gì đó như thúc giục bà quay lại. “Khẽ mở chiếc túi ni lông ra, tôi hoảng hồn vì bên trong là một thai nhi vẫn còn đang thoi thóp thở, thân thể đã bị kiến bâu đen ngòm, đặc biệt đôi mắt của thai nhi đó mở to nhìn chằm chằm, như cầu khẩn được tôi cứu giúp” – bà Cường kể lại.
Có lẽ câu chuyện đau lòng đó đã như một sự ám ảnh khó quên, chỉ nhắc lại thôi mà những hàng lệ khẽ rỉ ra bên những nếp nhăn già nua đang xô nhau chằng chịt.
Ngay lập tức, bà Cường mang đứa bé đó về nhà, tắm rửa sạch sẽ, rồi đi khắp làng xóm, tìm xem có bà mẹ nào mới đẻ, xin cho cháu bé bú nhờ. Tuy nhiên, do bị vứt quá lâu, sức khỏe yếu, sau đó không lâu, em bé đã tắt thở.
Sự việc này đã gây nên một bước ngoặt trong cuộc đời của bà lão già Phạm Thị Cường khi hình ảnh đôi mắt đen láy, mở to của hài nhi xấu số đó không thể nào nguôi ngoai trong suy nghĩ của bà. Sau những đêm dài trăn trở, cuối cùng, bà Cường quyết định sẽ phải làm một điều gì đó để cứu rỗi cho những em bé xấu số bị những kẻ lạnh lùng vứt bỏ mà không được trôn cất. Và câu chuyện về người đàn bà đạp xe đi nhặt xác hài nhi cũng được bắt đầu từ đó.
Khẽ chùi những giọt nước mắt còn sót lại, bà Cường tâm sự chân tình với chúng tôi: “Giờ, lắm người sống buông thả quá. Không hiểu thế hệ trẻ sống bừa bãi đến mức nào, nhưng ở các phòng khám trên thị trấn này, ngày nào cũng có những người đến nạo, phá thai. Mỗi lần như vậy là lại có một hài nhi xấu số phải từ giã cõi đời trước khi kịp cất tiếng khóc chào đời. Nhìn thấy hình hài non nớt bị vứt bỏ rơi nơi xó đường bẩn thỉu, thật không thể cầm lòng được.
Hành trình 10 năm làm việc phúc
Kể từ khi tự nguyện bước vào nghiệp làm phúc, cặm cụi đi tìm kiếm những thân xác hai nhi bị ném bỏ, bà Cường được rất nhiều người khán phục. Tuy nhiên, cũng có không ít lần bà bị nhiều người cười chê là dỗi hơi, là điên, là khùng. Nặng lời hơn, có người còn mỉa mai sau lưng bà “nghèo khó, ăn còn không đủ còn đi lo chuyện bao đồng”. Biết vậy nhưng bà Cường cũng chỉ bỏ ngoài tai, bởi họ đâu có hiểu được sự ám ảnh về những xác hài nhi bơ vơ đang nằm lăn lóc ngoài kia.
Đã có những lúc bà Cường thấy nản chí vì có quá nhiều hài nhi, một mình bà khó có thể làm hết được. Nhưng cứ nghĩ đến thảm cảnh những đứa trẻ vô tội, chưa kịp chào đời đã bị vứt bỏ, chết ở đầu đường xó chợ, bà lại không muốn dừng lại công việc cao cả mà mình đang theo đuổi.
Cứ thế, năm dài tháng tận, hết ngày này qua ngày khác, bà Cường lóc cóc chiếc xe đạp, đi tìm những linh hồn bé bỏng bị ruồng bỏ. Đã 10 năm, con số xác hài nhi mà bà Cường nhặt đã lên tới hàng nghìn, thật khó có thể tưởng tượng được lại nhiều đến thế. Một địa phương không lấy gì làm rộng lớn như Nghĩa Hưng lại có nhiều xác thai nhi bị vứt bỏ như vậy, không khỏi khiến người ta bàng hoàng, đau đớn.
Dẫn chúng tôi ra khu nghĩa trang chôn cất xác hài nhi bị vứt đi, bà Cường cho biết: “Mỗi xác hài nhi bị vứt đi được tìm thấy, tôi mang về tắm rửa, quấn vải, sau đó cho vào tiểu quách nhỏ, đánh số thứ tự, rồi đem chôn ở ngôi mộ chung”. Bà Cường cũng cho hay, ngôi mộ chung này có được là nhờ lòng hảo tâm của một người tận trong TP.HCM, hay tin bà làm việc thiện đã gửi tiền ra cho bà xây một nấm mồ, làm nơi yên nghỉ cho các linh hồn non nớt sớm từ giã cõi đời.
Khẽ châm lửa thắp nén nhang lên ngôi mộ của những đứa trẻ bất hạnh, chắp tay dưới làn khói ấm, bà Cường khấn vái: “Khổ thân các con phải chịu số mạng bất hạnh vì sai lầm của những kẻ lạnh lùng, nhẫn tâm vứt bỏ cốt nhục của chính mình. Mong cho các con sớm yên nghỉ, kiếp sau hóa kiếp một cuộc đời tốt đẹp hơn”.
“Có nhiều lần đi nhặt xác, có hài nhi không biết bị vứt từ bao giờ, bị chuột gặm nhấm, đến chẳng còn hình dạng. Nhiều xác, ruồi bọ bâu đen kịt, chỉ nhìn thôi đã thấy lạnh ớn rồi. Nhưng nghĩ đến sự bơ vơ ngay cả lúc chết cũng không có nơi yên nghỉ, tôi vẫn cố mang những cái xác đáng thương đó về chôn cất.” – bà Cường day dứt kể.
Rồi nhiều khi đi nhặt xác, mấy người không biết, tưởng bà Cường bị làm sao, còn sợ hãi, xa lánh bà. Đến mấy đứa trẻ con trong xóm biết bà hay đạp xe đi nhặt, mỗi khi thấy bà đi qua là lại chạy toán loạn hét to: “Bà chở xác đấy, chạy đi chúng mày ơi”.
Mới gần đây, cảm phục trước công việc âm thầm mà ý nghĩa lớn lao của bà Cường, một người bạn già cùng thôn là ông Vũ Văn Bao cũng tự nguyện cùng bà chung vai hành thiện mà không mong báo đáp. Hai thân già, hai số phận nhưng chung một tấm lòng nhân ái với những con người bất hạnh. Bà Cường chia sẻ: “Có thêm người bạn thấu hiểu, cùng mình đi cứu giúp những đứa nhỏ bất hạnh là một nguồn động viên vô cùng to lớn. Nhất là những hôm nắng nóng hay mưa bão, có thêm người để nương tựa, đỡ đần, thật tốt biết nhường nào”.
Khi chúng tôi hỏi bà định làm công việc đặc biệt này đến bao giờ, bà Cường mỉm cười đáp: “Cũng chả biết tôi còn sống được bao lâu nữa, các chú à. Ông giời bắt đi lúc nào thì đi lúc ấy, nhưng chỉ cần vẫn sống thì tôi cùng ông Bao sẽ tiếp tục đi tìm kiếm những thân xác hài nhi bị vứt bỏ”. Thật là những tấm lòng cao cả! Chào từ biệt ra về, chúng tôi không biết nói gì hơn ngoài từ cảm phục. Có mấy ai đủ cái tâm và lòng nhiệt huyết đi tìm xác hai nhi vất vưởng như hai thân già tóc đã bạc như cước ấy không?
Ngọc Tú/ Hôn nhân & Pháp luật