Chuyên gia cho rằng thành lập Ủy ban Olympic Toán rất quan trọng, cần thiết

17/08/2024 07:12
Lưu Diễm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Thành lập ủy ban phụ trách về Olympic Toán sẽ giúp nâng cao chất lượng tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng học sinh, đồng thời không tốn kém nhiều kinh phí.

Tại hội thảo đánh giá công tác bồi dưỡng học sinh thi Olympic Toán quốc tế (IMO), nhiều ý kiến chuyên gia bồi dưỡng học sinh giỏi cho rằng cần đề xuất thành lập Ủy ban Olympic Toán nhằm mục đích tuyển chọn, bồi dưỡng và đào tạo đội tuyển thi kỹ lưỡng hơn.

Hiện nay, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và vòng chọn đội tuyển quốc tế do Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm trách. Trong vòng 50 năm qua, cả nước có 288 lượt thí sinh dự thi, giành 271 huy chương, trong đó có 69 Huy chương Vàng, 117 Huy chương Bạc, 85 Huy chương Đồng. Tỷ lệ học sinh được huy chương là 94%. Đến nay đã có 10 học sinh xuất sắc đạt số điểm tuyệt đối, 10 học sinh được 2 Huy chương Vàng. Xét theo thành tích đồng đội không chính thức, đội Việt Nam nằm trong top 10 thế giới trong phần lớn các năm dự thi.

Song, theo các chuyên gia, để nâng cao chất lượng của việc tuyển chọn cũng như đào tạo và bồi dưỡng học sinh, nước ta cần thành lập một ủy ban phụ trách về vấn đề này.

Việc thành lập uỷ ban chuyên môn đã được nhiều nước có kinh nghiệm thực hiện

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Lương - Chủ tịch Hội đồng Khoa học đào tạo, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất thành lập Ủy ban Olympic Toán của Việt Nam, cho biết:

Hiện nay, trên thế giới, có rất nhiều quốc gia đã thành lập ủy ban Olympic cho nhiều môn, không chỉ Toán học, để có thể đào tạo bài bản và tuyển chọn được đội thí sinh tốt nhất, phù hợp nhất. Mỗi nước cử ra hai người tham gia hội đồng chung trước một tuần tổ chức kỳ thi, để biểu quyết, lấy ý kiến, xây dựng ma trận đề bài. Điều này vừa giúp nâng cao về mặt chuyên môn, vừa có cơ hội nghiên cứu tiệm cận được xu hướng ra đề.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Lương - Chủ tịch Hội đồng Khoa học đào tạo, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: website nhà trường.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Lương - Chủ tịch Hội đồng Khoa học đào tạo, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: website nhà trường.

Điểm lợi thế của Việt Nam chúng ta là có rất nhiều thầy giáo cùng tham gia đưa đoàn, dẫn các em học sinh đi thi trên trường quốc tế. Có thể thấy, hiện nay ở Việt Nam, chúng ta mới chỉ giao nhiệm vụ này cho 1-2 thành viên của Cục Khảo thí với vai trò chủ yếu thiên về hành chính. Tuy nhiên, công tác này cần sâu hơn về trình độ chuyên môn, am hiểu hơn về kinh nghiệm trên các cuộc thi quốc tế.

Mặt khác, nội dung thi học sinh giỏi quốc gia ở nước ta hiện nay đôi khi chưa sát với đề bài thi quốc tế, có thể còn nặng về kiến thức ở mảng này, nhưng lại thiếu hụt ở mặt khác. Việc thành lập ủy ban như vậy sẽ giúp quy trình lựa chọn được kỹ lưỡng hơn. Nhiều cuộc thi lớn nhỏ sẽ được thực hiện, đẩy phong trào học Toán tốt hơn, những người giỏi Toán cũng được cống hiến nhiều hơn thông qua ủy ban này.

Trong khi đó, Việt Nam có một đội ngũ đặc biệt tài năng, nhiều học sinh cũ nay đã trở thành giáo sư Toán học. Vì vậy, chúng ta nên thành lập một Hội đồng Olympic trên toàn quốc bao gồm các thành viên trong Hội Toán học Việt Nam để thực hiện vai trò quyết định về mặt chuyên môn. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện vai trò quản lý hành chính, quản lý kinh phí, tặng thưởng,...

Ví dụ đơn cử, từ khi Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán ra đời, công tác đào tạo đội tuyển có nhiều sự chuyển biến tích cực rõ rệt hơn nữa. Ngoài ra, khi nhìn vào kết quả đánh giá chuyên môn, việc nghiêm túc tổ chức thi cử tại một số tỉnh, địa phương chưa thực sự đồng đều. Vì vậy, chúng ta cần nghiêm túc hơn trong việc tổ chức các kỳ thi tập trung, đánh giá, tuyển chọn ở cấp địa phương.

Nâng cao trình độ cho giáo viên, làm sao để đảm bảo chất lượng giảng dạy của thầy cô tốt là yếu tố tối quan trọng nhằm phát triển nền giáo dục. Đó là cách đầu tư thông minh, lâu dài và bền vững. Thành viên trong Ủy ban Olympic sẽ nắm được sát sao hơn về chuyên môn, có nhiều cơ hội giao lưu, trao đổi kiến thức với thế giới, từ đó tham vấn cho Bộ Giáo dục và Đào tạo phương pháp bồi dưỡng, tuyển chọn học sinh giỏi phù hợp.

Theo Tiến sĩ Trần Nam Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đề xuất thành lập Uỷ ban Olympic Toán rất quan trọng và cần thiết.

Cụ thể, Tiến sĩ Trần Nam Dũng cho rằng, về cơ bản, để góp mặt trong đội tuyển Việt Nam dự kỳ thi Olympic Toán học, thí sinh phải trải qua các vòng tuyển chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, rồi vòng chọn đội chính thức.

Trong khi đó, đề thi giữa các vòng này lại rất phong phú, đa dạng và khác nhau về cấu trúc, thời gian làm bài lẫn nội dung và phạm vi kiến thức. Nếu có Ủy ban Olympic, đơn vị này sẽ hướng dẫn các địa phương tổ chức tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh với một đề thi tương thích giống với kỳ Olympic Toán nhất, nhằm tạo sự đồng bộ và bài bản về nội dung ôn tập giữa các cấp.

TS Tran Nam Dung.JPG
Tiến sĩ Trần Nam Dũng.

Lấy một ví dụ như trong lĩnh vực thể thao thành tích cao, học tập chuyên sâu cũng phải tiếp cận với quy chuẩn thế giới thì mới thuận lợi đạt được thành tích hơn. Đó là kết quả đào tạo, huấn luyện, tuyển chọn và bồi dưỡng qua một quá trình. Mỗi quốc gia có nền giáo dục khác nhau, xây dựng nội dung học liệu ở từng cấp bậc khác nhau. Trước một khối kiến thức bao la như vậy, chúng ta nên cùng nhau đồng hành, xây dựng nội dung ôn tập một cách thống nhất hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh vươn tới đỉnh cao trên “tấm bản đồ” xếp hạng tri thức thế giới.

Cần sự thống nhất, đồng bộ trong nội dung và phạm vi kiến thức ra đề ôn luyện

Chia sẻ định hướng về một số vai trò Ủy ban Olympic Toán thực hiện, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Lương đề xuất: Ủy ban Olympic Toán sẽ tập hợp những người giỏi Toán học, có kinh nghiệm dự thi Olympic quốc tế các năm. Ủy ban này sẽ tổ chức kỳ thi chọn đội tuyển thi quốc tế, quyết định nội dung thi thế nào, chấm thi và chọn người ra sao.

Bởi lẽ, thứ nhất, quá trình để đào tạo học sinh giỏi rất kỳ công, vì hiện nay, kiến thức ngày càng mở rộng và trải dài. Học sinh của đội tuyển cần được liên tục trau dồi, rèn luyện và mài giũa. Do vậy, ủy ban này sẽ giúp cung cấp đội ngũ giáo viên đầy đủ về mặt số lượng và không ngừng nâng cao về mặt chất lượng.

Thứ hai, ủy ban là nơi chia sẻ, trao đổi và tiếp thu các kinh nghiệm biên soạn tài liệu ôn luyện giữa các trường. Nội dung kiến thức giữa hai kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và kỳ thi Olympic quốc tế cần có sự thống nhất, đồng bộ và phù hợp với nhau. Điều này đòi hỏi sự tham gia, vào cuộc của đội ngũ những người tài năng, có nhiều kinh nghiệm và giỏi về chuyên môn Toán học trên các “đấu trường” quốc tế.

Thứ ba, học sinh cần được tăng cường tính vận dụng kiến thức lý thuyết vào thực hành, thực tiễn và đẩy mạnh khả năng “cọ xát” trong nhiều kỳ thi. Đây sẽ là những mục tiêu cần thiết trong công tác giáo dục và đào tạo mà uỷ ban cần thực hiện, nhưng lại không tốn kém nhiều kinh phí.

6/6 học sinh Việt Nam đoạt huy chương và bằng khen tại Olympic Toán học quốc tế năm 2024 và trưởng đoàn. Ảnh: website của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
6/6 học sinh Việt Nam đoạt huy chương và bằng khen tại Olympic Toán học quốc tế năm 2024 và trưởng đoàn. Ảnh: website của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Từ đó, có thể thấy, việc thành lập Uỷ ban Olympic Toán để giao trách nhiệm, quyền hạn và thực hiện bài bản công tác tổ chức, đào tạo, tuyển chọn, bồi dưỡng từ địa phương đến quốc gia về mặt chuyên môn là một điều hợp lý và cần thiết.

Bên cạnh đó, một chuyên gia của Hội Toán học Việt Nam đồng thời là lãnh đạo của một trường đại học cũng nêu ý kiến về kỳ thi Olympic quốc tế: Gần đây, nhiều tỉnh, thành đưa ra mức thưởng trị giá rất cao, có thể là hàng trăm triệu đồng cho học sinh được giải Olympic quốc tế.

Song, vị chuyên gia cho rằng, chúng ta nên đưa ra một mức thưởng hợp lý để động viên các em, nhưng chỉ nên ở mức vừa phải, phù hợp với các mức thưởng khác trong nghiên cứu khoa học và giáo dục nói chung ở Việt Nam.

Đây là một cuộc thi danh giá cho học sinh, việc thưởng quá nhiều có thể sẽ gây áp lực lên người học, phụ huynh và thầy cô. Thậm chí, có thể xảy ra các trường hợp một số tỉnh, thành chạy đua thành tích cùng với mức thưởng. Vì vậy, chúng ta nên dành kinh phí phục vụ những việc khác cần thiết cho học sinh phổ thông.

Lưu Diễm