PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa: Chính sách lương, phúc lợi hợp lý sẽ giữ chân được GV

07/09/2024 07:06
Thu Thủy
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, tình trạng thiếu giáo viên đã diễn ra nhiều năm. Trong khi đó, sinh viên sư phạm ra trường vẫn thất nghiệp vì nhiều nguyên nhân.

Thời gian vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với một số địa phương để tìm hiểu về tình hình tuyển dụng giáo viên năm học 2024-2025. Rất nhiều địa phương như: Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Lai Châu… phản ánh tình trạng thiếu giáo viên diễn ra ở tất cả các cấp học.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nêu vấn đề thiếu giáo viên ở các địa phương. Theo báo cáo, tính đến tháng 4/2024, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông. Mặc dù nhiều địa phương thiếu giáo viên nhưng vẫn có không ít sinh viên sư phạm ra trường vẫn thất nghiệp.

Cả nước đang phải đối mặt với tình trạng vừa thiếu vừa thừa giáo viên

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, vấn đề thiếu giáo viên không phải là thực trạng mới xuất hiện mà đã tồn tại trong nhiều năm.

Đặc biệt, tại các thành phố lớn, tình trạng này đã được ghi nhận từ trước khi Việt Nam thực hiện đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, với sự ra đời của chương trình giáo dục phổ thông mới, tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng hơn. Cả nước hiện đang phải đối mặt với tình trạng vừa thiếu, vừa thừa giáo viên.

“Thiếu giáo viên tập trung chủ yếu ở các môn học mới được đưa vào chương trình như Tin học, Tiếng Anh và các môn Nghệ thuật. Trong khi đó, lại có sự thừa giáo viên ở một số môn văn hóa khác. Điều này cho thấy sự thiếu đồng bộ trong việc phân bổ nguồn lực giáo viên, đồng thời phản ánh rõ ràng sự lựa chọn ngành học của học sinh hiện nay”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Chí Nghĩa nhận định.

GDVN_anh1.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
(Ảnh: Thu Thuỷ)

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Chí Nghĩa, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên là công tác tuyển dụng giáo viên hiện nay chưa hiệu quả. Việc quản lý và điều chuyển giáo viên giữa các địa phương gặp nhiều khó khăn.

“Nhiều nơi thừa giáo viên, nhưng không thể điều chuyển sang những khu vực thiếu hụt do quản lý phân cấp giữa các cấp chính quyền. Thực tế, chính sách tuyển dụng giáo viên hiện nay còn thiếu linh hoạt, không thể đáp ứng nhanh chóng và kịp thời nhu cầu giáo viên ở các địa phương.

Điều này đặc biệt đúng đối với các khu vực có sự tăng trưởng dân số nhanh chóng như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, nơi số lượng học sinh tăng đột biến do dân di cư và tăng dân số tự nhiên. Sự thiếu hụt giáo viên tại các địa phương này đã khiến cho nhiều trường học phải đối mặt với tình trạng sĩ số lớp học quá tải, có khi lên đến 50, 60 học sinh một lớp”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Chí Nghĩa cho hay.

Mặt khác, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc triển khai chương trình sách giáo khoa mới cũng tạo ra nhiều thách thức. Những môn học mới như Tin học và Tiếng Anh đòi hỏi giáo viên có trình độ cao và được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, các trường sư phạm hiện chưa đáp ứng được yêu cầu này, dẫn đến sự thiếu hụt giáo viên ở các môn học mới.

Thiếu giáo viên, sinh viên sư phạm ra trường vẫn thất nghiệp

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Chí Nghĩa, sinh viên sư phạm sau khi ra trường thường phải đối mặt với mức lương không như kỳ vọng và điều kiện làm việc không thuận lợi, dẫn đến tâm lý chán nản và có xu hướng làm trái ngành.

“Theo các khảo sát, nhiều sinh viên sư phạm bày tỏ sự lo lắng về vấn đề tài chính sau khi ra trường. Nhiều người cảm thấy không rõ ràng về hướng đi nghề nghiệp của mình, trong khi số ít còn lại cảm thấy nghề giáo không đúng với nguyện vọng và không còn phù hợp với định hướng phát triển. Điều này cho thấy vẫn còn một khoảng cách lớn giữa những gì sinh viên sư phạm được đào tạo và công việc thực tế”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Chí Nghĩa bày tỏ.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Chí Nghĩa có 3 yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng sinh viên sư phạm ra trường vẫn thất nghiệp hoặc làm trái ngành.

Thứ nhất, việc chuẩn hóa giáo viên và thiết bị giáo dục chưa kịp thời. Để cải thiện chất lượng giáo dục và đáp ứng yêu cầu quốc tế, các cơ sở giáo dục cần có những tiêu chuẩn cụ thể cho việc đào tạo giáo viên cũng như bổ sung các thiết bị và công cụ dạy học hiệu quả hơn. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra làm thế nào để chuẩn hóa giáo viên và thiết bị giáo dục một cách hiệu quả? Liệu những tiêu chuẩn quốc tế có được áp dụng một cách đồng bộ và chính xác hay không? Liệu sinh viên sư phạm có đủ khả năng và kiến thức để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhân lực hiện tại và tương lai?

Thứ hai, sự chuyển dịch liên tục của thị trường lao động. Trước đây, việc đào tạo đại học có thể đảm bảo rằng sinh viên ra trường sẽ có cơ hội làm việc trong ngành nghề đã học. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI), sự chuyển dịch này đã trở nên phức tạp hơn. AI và công nghệ đang thay thế nhiều công việc truyền thống, bao gồm cả những công việc trong lĩnh vực giáo dục.

Để đối phó với tình trạng thất nghiệp, việc đào tạo sinh viên sư phạm cần được điều chỉnh để phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường lao động hiện tại và tương lai. Do đó, cơ sở đào tạo giáo viên cần có một kế hoạch dài hạn, bao gồm việc cập nhật nội dung giảng dạy, phát triển kỹ năng mềm và chuyên môn cho sinh viên, đồng thời tăng cường các cơ hội thực hành thực tế. Ngoài ra, cũng cần chú trọng đến việc cải thiện điều kiện làm việc và mức lương cho giáo viên để thu hút và giữ chân nhân tài trong ngành giáo dục.

Thứ ba, trong bối cảnh chuyển đổi số và sự phát triển không ngừng của công nghệ, các cơ sở giáo dục cần cân nhắc kỹ lưỡng về cách mà hệ thống giáo dục có thể thích nghi và phát triển. Điều này không chỉ đảm bảo rằng sinh viên được đào tạo tốt nhất mà còn đảm bảo rằng họ có thể tìm được việc làm phù hợp và bền vững sau khi ra trường. Giải quyết được những vấn đề này, chúng ta mới có thể xây dựng một hệ thống giáo dục hiệu quả và đáp ứng nhu cầu của xã hội và thị trường lao động hiện đại.

gdvn-ke-hoach-nam-hoc-1540-7304-4936.jpg
Tình trạng thừa - thiếu giáo viên đang xảy ra ở nhiều cấp học. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Cần một chiến lược tổng thể và dài hạn để tháo gỡ vướng mắc

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, thu hút người học vào các ngành sư phạm, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2020/NĐ-CP Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Nghị định nêu rõ, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học và được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Chí Nghĩa nhận định, việc triển khai Nghị định 116 trong thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Đặc biệt, mặc dù có chính sách hỗ trợ, nhiều sinh viên sư phạm vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, dẫn đến tình trạng thất nghiệp gia tăng.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Chí Nghĩa, dự thảo Luật Nhà giáo đang được soạn thảo và dự kiến trình Quốc hội trong kỳ họp tới, nếu được thông qua sẽ tạo ra một khung pháp lý rõ ràng hơn cho việc tuyển dụng, đào tạo và nâng cao chất lượng giáo viên. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng cần có sự đồng thuận và thống nhất trong việc triển khai luật này, tránh tình trạng luật ra đời nhưng không thể áp dụng hiệu quả vào thực tiễn.

Một vấn đề khác cũng được đề cập trong dự thảo Luật Nhà giáo là việc cấp giấy phép hành nghề cho giáo viên. Điều này có thể giúp nâng cao chất lượng giáo viên, đảm bảo rằng chỉ những người thực sự có năng lực và được đào tạo bài bản mới được phép giảng dạy. Tuy nhiên, việc triển khai cấp giấy phép hành nghề cũng cần được nghiên cứu kĩ lưỡng, cân nhắc thận trọng, tránh gây ra những khó khăn không cần thiết cho giáo viên.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên nhưng sinh viên sư phạm ra trường vẫn thất nghiệp trước tiên, cần phải có những dự báo chính xác về nhu cầu giáo viên trong tương lai dựa trên sự phát triển của xã hội và xu hướng lựa chọn ngành học của học sinh.

Thứ hai, việc nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường sư phạm là yếu tố then chốt. Các trường sư phạm cần được trang bị tốt hơn về cơ sở vật chất, chương trình đào tạo phải được cập nhật để phù hợp với yêu cầu của chương trình giáo dục mới. Đồng thời, cần có chính sách thu hút giáo viên giỏi, có kinh nghiệm từ các địa phương khác về làm việc tại các vùng khó khăn.

Thứ ba, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền trong việc phân bổ giáo viên. Để làm được điều này, cần cải cách hệ thống quản lý giáo dục hiện nay, tạo ra một cơ chế linh hoạt hơn cho phép điều chuyển giáo viên giữa các địa phương một cách hiệu quả.

Thứ tư, cần có chính sách lương bổng và phúc lợi hợp lý để giữ chân giáo viên. Hiện nay, thu nhập giáo viên ở nhiều địa phương vẫn còn quá thấp, không đủ để đảm bảo cuộc sống cơ bản. Điều này dẫn đến việc không ít giáo viên phải làm thêm nhiều công việc khác để trang trải cuộc sống, gây ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.

“Việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục mà còn cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý giáo dục và xã hội, vấn đề này mới có thể được giải quyết một cách triệt để, đảm bảo chất lượng giáo dục cho thế hệ tương lai”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Chí Nghĩa nêu quan điểm.

Thu Thủy