GS Võ Văn Sen: Cách mạng Tháng 8 và những bài học còn nguyên giá trị

19/08/2024 06:45
Bích Ngọc
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen, điều thấm thía nhất từ cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chính là giá trị về độc lập tự do.

Cách đây 79 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là một trong những thắng lợi vĩ đại, tạo ra bước ngoặt trọng đại nhất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.

Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng giá trị, ý nghĩa, tầm vóc lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và ngày Quốc khánh 2/9 vẫn còn mãi với thời cuộc và để lại những bài học sâu sắc cho nhân dân ta.

Nhân dịp Kỷ niệm 79 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học/Nhân học năm 2024, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã dành cho phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam một cuộc trao đổi về ý nghĩa, giá trị, bài học của sự kiện lịch sử quan trọng này.

Giá trị về độc lập, tự do của Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen bày tỏ niềm vui mừng trước thềm kỷ niệm 79 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 – 19/8/2024).

Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen - Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học năm 2024. Ảnh: website Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen - Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học năm 2024. Ảnh: website Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một sự kiện trọng đại của lịch sử Việt Nam. Sau 1000 năm Bắc thuộc và 80 năm thực dân Pháp đô hộ, cuối cùng đất nước ta cũng giành được độc lập.

Cách mạng Tháng Tám thành công mở đường cho sự sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đất nước ta liền một dải, dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen bày tỏ, đây là niềm vui lớn của tất cả người dân Việt Nam chứ không riêng một cá nhân nào. Đây là dịp để nhân dân Việt Nam bày tỏ lòng tri ân, biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn của thế hệ cha anh đi trước, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh và đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong các thế hệ đi trước, chúng ta nhớ nhất đến công lao to lớn của Bác Hồ. Trước đó, có rất nhiều người đi tìm đường cứu nước nhưng đều thất bại hoặc lâm vào cuộc khủng hoảng về đường lối.

“Người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã làm được một điều mà trước đó các nhân vật lịch sử không thể làm được. Đó là tìm ra được con đường cứu nước đúng đắn và đưa đến cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân từ năm 1930 đến năm 1945. Cuối cùng, nước ta đã giành được thắng lợi với cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945”, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen nêu.

Trong lịch sử, đất nước ta đã đã nhiều lần bị các thế lực ngoại xâm xâm lược và thống trị, trong đó có gần 1000 năm Bắc thuộc. Nửa cuối thế kỷ XIX, đất nước ta bị thực dân Pháp xâm lược. Sự bất lực của nhà Nguyễn trong việc bảo vệ đất nước đã khiến chế độ phong kiến sụp đổ, nước ta trở thành thuộc địa của Pháp.

Từ đầu thế kỷ XX, đất nước ta dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phong kiến tay sai, đắm chìm trong ách nô lệ. Không chịu khuất phục, hàng trăm cuộc khởi nghĩa đã diễn ra, nhưng các con đường cứu nước mang màu sắc khác nhau, phong kiến hay dân chủ tư sản đều thất bại, bế tắc. Đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, về giai cấp lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Trong hoàn cảnh đất nước đứng trước sự khủng hoảng, bế tắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lúc đó là Nguyễn Ái Quốc - Nguyễn Tất Thành là một nhân vật lịch sử đáp ứng được đòi hỏi bức thiết của đất nước, tìm ra con đường cứu nước đúng đắn và xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Với sự lãnh đạo của Bác Hồ và Đảng Cộng sản Việt Nam, nước ta đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

“Cuộc cách mạng đã phá tan xiềng xích nô lệ của thực dân. Đây là một cuộc cách mạng thành công trên hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước do nhân dân lao động làm chủ.

Dấu ấn về Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một niềm tự hào lớn, là khởi nguồn cho rất nhiều cuộc cách mạng thành công khác ở Đông Nam Á, châu Á và các nước ở Châu Phi, Mỹ La-tinh sau này”, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học/Nhân học năm 2024 cho hay.

Ngày 19/8/1945, tại Quảng trường Nhà hát Lớn, hàng vạn người dân Thủ đô dự Lễ mít tinh chào mừng Ủy ban Quân quản. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Ngày 19/8/1945, tại Quảng trường Nhà hát Lớn, hàng vạn người dân Thủ đô dự Lễ mít tinh chào mừng Ủy ban Quân quản. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen cho biết, điều thấm thía nhất từ cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chính là giá trị về độc lập tự do. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định một chân lý của thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” ở thời khắc cực kỳ quan trọng, mang tính bước ngoặt của cách mạng Việt Nam.

Cuộc Cách mạng Tháng Tám là đỉnh cao của cao trào cách mạng trong giai đoạn 1930-1945, trong điều kiện nước ta đang là thuộc địa, thiếu thốn, yếu kém về mọi mặt như tài chính, kinh tế, lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong bối cảnh đương thời, nước ta chưa có quân đội chính quy và lực lượng vũ trang chính quy lớn. Đó chỉ là một cuộc tổng khởi nghĩa của nhân dân, với nòng cốt là lực lượng vũ trang rất nhỏ bé. Đảng và nhân dân ta đã làm một cuộc cách mạng bằng hình thức khởi nghĩa cho đến tổng khởi nghĩa và giành lấy chính quyền.

"Vì vậy, cuộc cách mạng tiếp tục phát huy một trong những truyền thống của dân tộc Việt Nam và khái quát lại chân lý của thời đại mà Bác Hồ đã nói ‘Không có gì quý hơn độc lập, tự do’, tức là vì độc lập, tự do chúng ta có thể làm nên những sự nghiệp vĩ đại mà chính người trong cuộc cũng không thể ngờ tới", Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen nhấn mạnh.

Những bài học còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những thắng lợi nổi bật và vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, là mốc son chói lọi trong lịch sử ngàn năm của dân tộc ta. Thắng lợi đó đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu tới ngày nay.

Thứ nhất, để đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước phải huy động được tinh thần yêu nước của toàn dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”. Điều đó được chứng minh qua những điều kiện đất nước gian khổ, người dân vẫn một lòng đứng lên đấu tranh vì độc lập, tự do.

“Bài học dạy chúng ta là phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại trong củng cố, bảo vệ thành tựu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Thắng lợi của Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 là một minh chứng hùng hồn trong thực tiễn, khẳng định vai trò và sức mạnh của quần chúng nhân dân trong cách mạng, của khối đại đoàn kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen nhận định.

Thứ hai là bài học về tận dụng thời cơ. Chớp đúng thời cơ khởi nghĩa là một vấn đề có ý nghĩa quyết định tới thắng lợi của mọi cuộc cách mạng.

Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 là minh chứng sinh động về sự nhạy bén trong nhận định và chỉ đạo chớp thời cơ khởi nghĩa của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

"Chúng ta phải biết chuẩn bị điều kiện chủ quan, để khi những điều kiện khách quan, thuận lợi đến, chúng ta kết hợp giữa khách quan và chủ quan để giải quyết tình hình. Hay nói cách khác là nắm được thời cơ chính xác để có những đột phá và thành công lớn.

Muốn có thời cơ thì phải biết tạo ra thời cơ, thúc đẩy thời cơ. Khi thời cơ đến, phải chớp lấy thời cơ và không được bỏ lỡ. Khi chúng ta có sức lực mà không có thời cơ và không chọn đúng thời cơ để phát huy sức mạnh, chúng ta không thể thành công", Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen nhấn mạnh.

Bài học về thời cơ vẫn có ý nghĩa thiết thực trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ngày nay. Hiện nay, xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mở ra nhiều cơ hội, chúng ta cần nắm bắt đúng những thời cơ mà lịch sử tạo ra thì mới có thể phát huy tối đa sức mạnh dân tộc và đưa đất nước phát triển giàu mạnh.

Cũng theo Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen, chúng ta có sức mạnh của dân tộc, có sự thông minh, có lòng yêu nước, có sự đoàn kết của toàn dân. Nếu chúng ta không nắm bắt, tận dụng được thời cơ mà tình hình thế giới đem đến thì sẽ không phát huy được sức mạnh đó và sẽ không thành công trong sự nghiệp hiện nay.

Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học/Nhân học năm 2024 chia sẻ thêm, tuổi trẻ là lực lượng mà lịch sử chứng minh rằng, tất cả những gì sáng tạo nhất, táo bạo nhất và thành công nhất đều bắt đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là một bộ phận rất quan trọng của xã hội, tiêu biểu cho sức mạnh của dân tộc, tuổi trẻ có mạnh dân tộc mới mạnh.

Để có thể đón đầu, nhanh chóng đuổi kịp các nước tiên tiến, không có con đường nào khác là tuổi trẻ phải dồn mọi tâm lực học hỏi, nghiên cứu, tiếp thu những thành tựu văn hoá, khoa học, công nghệ, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Thế hệ trẻ ngày nay cần ra sức đóng góp sức lực, trí tuệ góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Trong lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, thanh niên phải nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại và bắt kịp trình độ của thế giới.

"Việc học tập, rèn luyện để vươn lên trình độ khoa học - kỹ thuật của thế giới hiện nay là điều mà tuổi trẻ Việt Nam đã và đang làm, phải làm nhiều hơn nữa thì chúng ta mới bắt kịp được thế giới", nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Ngoài học tập và rèn luyện, tuổi trẻ phải có tinh thần đoàn kết dân tộc. Hơn nữa, tuổi trẻ Việt Nam luôn phải cảnh giác trước hành vi chia rẽ nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây bất ổn về chính trị - xã hội.

Trên thực tế, toàn cầu hoá không chỉ diễn ra trên lĩnh vực kinh tế, mà còn diễn ra trên nhiều mặt khác của đời sống xã hội như an ninh, đối ngoại, tư tưởng… Tuy nhiên, toàn cầu hóa cũng đòi hỏi đất nước hòa nhập mà không hòa tan, giữ nguyên được bản sắc văn hóa dân tộc.

"Toàn cầu hóa không có nghĩa là cả thế giới chỉ có một nền văn hóa. Chúng ta càng toàn cầu hóa thì càng phải làm nổi bật bản sắc của dân tộc.

Hàn Quốc, Nhật Bản nằm trong số những cường quốc về khoa học - kỹ thuật, kinh tế, công nghệ. Tuy gia nhập vào hệ thống toàn cầu mạnh mẽ, nhưng nước bạn vẫn giữ được bản sắc dân tộc trong từng lễ nghi, phong tục tập quán, suy nghĩ, cách sống, cách đối xử lẫn nhau và trong quan hệ gia đình”, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen cho hay.

Tuổi trẻ Việt Nam cần đặc biệt chú trọng đến gìn giữ bản sắc dân tộc trong thế giới toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, tuổi trẻ phải tiếp thu những văn minh, khoa học kỹ thuật hiện đại của nhân loại. Tất cả công dân phải có sự hiểu biết rộng rãi, không ngừng học tập, rèn luyện để hội nhập với thế giới.

"Tuy nhiên, nên nhớ là nước ta hội nhập chứ không hòa tan vì chúng ta vẫn có bản sắc dân tộc. Chúng ta vẫn thực hiện tiếp biến văn hóa trên tinh thần độc lập, tự chủ, xuất phát từ nhu cầu và đặc điểm dân tộc, từ truyền thống văn hoá của đất nước.

Học người để làm giàu cho mình, hội nhập mà không đánh mất bản sắc dân tộc, vẫn giữ được tinh thần thuần túy Việt Nam”, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen khẳng định.

Bích Ngọc