Những ngày qua, tội ác giết em bé 4 tuổi, cưỡng hiếp bé 9 tuổi mà Đặng Trần Hoài (27 tuổi, trú tại Hà Đông) gây ra ở Sơn Tây, Hà Nội không chỉ gây nên sự bức xúc cao độ trong xã hội, mà còn trở thành nỗi lo lắng cho nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ. Đồng thời, vụ án cũng là một hồi chuông báo động về tình trạng trẻ nhỏ ở nước ta bị xâm hại đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao có thực trạng đáng buồn này, làm thế nào các bậc phụ huynh có thể bảo vệ con em mình khỏi những “yêu râu xanh” thú tính? Để giải đáp những vấn đề trên, phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thực hiện cuộc trao đổi với Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Kim Quý, cố vấn đường dây Tư vấn bảo vệ trẻ em (Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội).
Đặng Trần Hoài, kẻ giết em bé 4 tuổi, hiếp dâm em bé 9 tuổi. |
Tiến sĩ Nguyễn Kim Quý cho biết, từ đầu năm tới nay, bà đã thực hiện tư vấn tâm lý cho 160 ca trẻ em bị xâm hại tình dục. Theo bà, con số 160 ca này cho thấy thực trạng đáng buồn là số lượng trẻ em bị xâm hại tình dục ở nước ta đang tăng rất nhanh về số lượng, trong đó phần lớn số trẻ bị xâm hại là trẻ nhỏ (nhất là trẻ đang học mẫu giáo).
Tiến sĩ nói thêm, thông thường, các ca xâm hại mà bà tiếp nhận chủ yếu khi “việc đã rồi”, nghĩa là khi đứa trẻ đã bị xâm hại nhiều lần, bố mẹ mới phát hiện ra, hoặc đã bị viêm nhiễm, sưng tấy đi khám được bác sĩ phát hiện ra. Và chuyện bị xâm hại từ lúc còn nhỏ tuổi chắc chắn sẽ là nỗi ám ảnh lớn đi theo các em trong suốt cuộc đời. Do đó, việc học cách bảo vệ con em là điều hết sức cần thiết ở nước ta hiện nay.
Về mặt biểu hiện bên ngoài để có thể phỏng đoán các em nhỏ có bị xâm hại hay không, bà Quý nhắc tới một số biểu hiện sau: đứa trẻ đi lại khó khăn, ngồi lệch người; có dấu hiệu chảy máu, sưng tấy hoặc viêm nhiễm ở cơ quan sinh dục; có dấu hiệu hoảng loạn, sợ người lạ, nhất là đàn ông; không ăn, không ngủ, hoặc ngủ không yên giấc,… Với những biểu hiện trên, nếu phụ huynh nhạy cảm một chút, thì hoàn toàn có thể phát hiện sớm để có biện pháp bảo vệ con em, bà Quý khẳng định.
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Kim Quý, cố vấn đường dây Tư vấn bảo vệ trẻ em (Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động Thương binh Xã hội). |
Nói về những đối tượng có khả năng trở thành kẻ xâm hại tình dục các cháu nhỏ, Tiến sĩ Nguyễn Kim Quý cho biết, có nhiều đối tượng có thể trở thành “ác thú’ trong chuyện này. Thông thường hàng xóm là đối tượng xâm hại nhiều hơn cả, sau đó có thể là họ hàng xa, hay có trường hợp đau lòng hơn là “yêu râu xanh” có thể là bố dượng hoặc chính bố đẻ của các em nhỏ. Và đó là hệ quả của việc họ bị rối loạn hành vi tình dục, thích quan hệ với những đối tượng đặc biệt như người già, trẻ nhỏ, thậm chí cả động vật…
Bài học bảo vệ con nhỏ của người nước ngoài
Tiến sĩ Nguyễn Kim Qúy cho biết, khách quan mà nói, một trong những nguyên nhân khiến số lượng các em nhỏ bị xâm hại tình dục gia tăng là do cha mẹ chưa ý thức đúng về việc dạy con cái cách tự bảo vệ từ khi còn nhỏ. Trong khi ở nhiều nước phát triển, ngay từ khi 2 tuổi, cha mẹ đã dạy các con bài học về việc biết quý trọng cơ thể mình.
Về bài học này, tiến sĩ Kim Quý nói rằng, khi các em nhỏ lên 2 tuổi, có thể hiểu được lời bố mẹ, khi tắm cho con, họ dạy con cái rằng, cơ thể này là của con, vì thể có phải biết quý trọng nó. Con cho phép ai động vào người con, thì người đó mới được động. Tuy nhiên, những bộ phận như đùi, mông, cơ quan sinh dục,…thì chỉ có bố, mẹ, ông, bà và cô giáo (lúc rửa cho con sau khi vệ sinh ở trường) mới được đụng vào. Ngoài ra, nếu ai đó động vào những bộ phận trên, con phải đẩy tay họ ra, hét lên, báo ngay cho mẹ và cô giáo biết…
Nếu tất cả các em nhỏ đều được bố mẹ dạy bài học phòng ngừa này từ nhỏ, chắc chắn tình trạng bị xâm hại tình dục trẻ nhỏ ở nước ta sẽ giảm thiểu trông thấy, Tiến sĩ Nguyễn Kim Quý khẳng định.