Ngày 24/9, người đàn ông 65 tuổi (trú tại thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) sau khi ăn hàu sống đã bị ngộ độc và phải nhập bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí điều trị. Ít ngày sau đó, bệnh nhân đã bị tử vong.
Được biết, người bệnh nhập viện với biểu hiện của bệnh lý nhiễm trùng, nhiễm độc, có tiểu cầu giảm trên nền bệnh xơ gan.
Qua xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus (tả biển) gây tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc. Các bác sĩ xác định việc ăn hàu sống là lý do khiến bệnh nhân nhiễm vi khuẩn này.
Hàu sống chứa nhiều vi khuẩn vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus. (Ảnh minh họa) |
Chia sẻ về vấn đề trên, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Vibrio parahaemolyticus là một loại phẩy khuẩn (vi khuẩn có hình cong khi quan sát trên kính hiển vi). Cùng loại với loài vi khuẩn này là loại vi khuẩn nguy hiểm hơn rất nhiều có tên là Vibrio vulnificus. Hai loài vi khuẩn này chỉ sống ở nước biển và khác với vi khuẩn gây bệnh tả (tên khoa học là Vibrio cholerae, sống trong đất liền).
“Qua nhiên cứu tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Vibrio Parahaemolyticus là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn sau ăn hải sản", Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên. (Ảnh: CT) |
Vị này cũng cho biết, vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus ưa mặn, sống tốt ở môi trường kiềm và mặn, tồn tại rất nhiều trong môi trường nước biển, hải sản và các bề mặt dính nước biển. Chúng dễ bị tiêu diệt trong môi trường a xít và nhiệt độ đủ sôi, bởi khi vào nước ngọt thì tế bào vi khuẩn này nhanh chóng bị vỡ và chết. Ở trong thịt tôm, cua, vi khuẩn này có thể sống được vài phút ở nhiệt độ 80 độ C.
"Bệnh dễ mắc khi ăn hải sản nấu không chín hoặc dính chút nước biển có vi khuẩn. Tuy nhiên, bệnh lại không lây từ người này sang người khác. Rửa tay xà phòng hoặc các thuốc sát trùng thông thường dễ dàng loại bỏ hoặc tiêu diệt vi khuẩn.
Bệnh thường khởi phát trong vòng 24 giờ đến 72 giờ sau ăn hải sản. Người bệnh có biểu hiện tiêu chảy, đau quặn bụng, có thể giống như lỵ, có thể có nôn, sốt. Thường người bệnh mất nước nhẹ hoặc vừa, một số ít trường hợp mất nước nặng", bác sỹ Nguyên chia sẻ.
Bệnh nặng hơn đối với người có bệnh nền
Theo Tiến sỹ Nguyên, ngoài các nguyên nhân lây bệnh trên, con người có thể nhiễm vi khuẩn tả biển qua các vết thương khi tiếp xúc với nước biển hoặc vết thương chạm vào hải sản và gây nhiễm trùng vết thương. Thường bệnh sẽ tiến triển tốt với việc điều trị tại y tế cơ sở.
Các trường hợp bị bệnh nặng thường xảy ra ở người có bệnh lý nền có sẵn, đặc biệt bệnh gan (xơ gan, viêm gan mạn tính,…), suy giảm miễn dịch (ví dụ đái tháo đường, người dùng các thuốc gây giảm miễn dịch thường trong các bệnh tự miễn dịch, hen,…), người có bệnh thận, ung thư, người cao tuổi, trẻ nhỏ.
Các trường hợp bệnh nặng này sẽ là nhiễm trùng máu, vi khuẩn gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau, trên da có thể các vùng hoại tử da chân tay, thậm chí rải rác toàn thân tương tự như bệnh do liên cầu lợn, tỷ lệ tử vong rất cao, có thể tới 30%.
Chúng ta cũng phải nói thêm về một loại vi khuẩn gần giống với Vibrio parahaemolyticus là Vibrio vulnificus. Vibrio vulnificus cũng sống trong nước biển tương tự nhưng thường gây ngộ độc thực phẩm với bệnh cảnh nhiễm trùng đường tiêu hóa, sau đó dễ dàng chuyển sang nhiễm trùng máu, sốc nhiễm khuẩn suy đa tạng, tỷ lệ tử vong hơn 50%.
Ở Mỹ, vi khuẩn Vibrio vulnificus là nguyên nhân tử vong của 90% các trường hợp tử vong sau ăn hải sản. Vibrio vulnificus cũng rất dễ xâm nhập từ nước biển hoặc hải sản vào cơ thể người qua vết thương và gây nhiễm trùng phần mềm hoại tử.
Gia vị không giúp loại bỏ vi khuẩn tả biển
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Duy Thịnh (chuyên gia về Công nghệ thực phẩm) cho biết, hàu biển sống có rất nhiều vi sinh vật, bởi nó là sinh vật sống dưới đáy bùn và là loại động vật thân mềm nhuyễn thể.
Hàu, ốc, trai, ngao, hến đều chứa nhiều chất độc và nhiều vi sinh vật, vì vậy việc ăn sống là rất nguy hiểm.
Bên trong dạ dày của những loại này có rất nhiều nhớt, chất bẩn và còn có kí sinh trùng, giun sán. Đồng thời chúng còn nhiễm nhiều loại kim loại nặng do sống ở dưới đáy bùn.
Theo chuyên gia, việc người dân thường ăn kèm với hàu là mùi tạt, rau kinh giới, tía tô và nước cốt chanh thì cũng đều không có tác dụng ngăn chặn vi khuẩn. Nó chỉ giúp cho hàu đỡ tanh.
Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Duy Thịnh. (Ảnh: DH) |
“Kể cả việc nặn hết phân của con hàu sống thì cũng chỉ đỡ bẩn, đỡ vi khuẩn hơn. Nguyên tắc vẫn là nấu chín để diệt vi khuẩn, kí sinh trùng và chất độc kim loại nặng cũng sẽ tan trong nước.
Trong con hàu không chỉ có một loại vi khuẩn mà còn nhiều loại vi sinh vật khác nữa. Ở nhiệt độ 100 độ C, đa số sinh vật sẽ chết nhưng còn một số loại biến thành dạng bào tử, chết chậm hơn", vị này chia sẻ.
Theo Phó Giáo sư Thịnh, việc ăn đồ hải sản luộc thì dễ mất chất, nên nhiều người chọn nướng hoặc hấp thì cũng được.
Đối với những người bị ngộ độc do ăn hàu, chuyên gia Thịnh cho rằng chỉ có cách nhanh nhất là tháo dạ, tức là uống nhiều nước để tống chất độc ra nhanh khỏi cơ thể.
“Người bệnh bị ngộ độc phải cấp cứu nhanh có thể uống nước lã cũng được, chứ không nhất thiết phải chờ để đi kiếm nước sôi hay nước khoáng”, Phó Giáo sư Thịnh nói.
Chuyên gia công nghệ thực phẩm cũng lưu ý đối với những loại hải sản khác như cá, thì người dân cần phải bỏ ruột, bỏ mang và loại bỏ nhớt ở da cá, sau đó cho vào tủ lạnh bảo quản để tránh các nguy cơ mất an toàn thực phẩm.