Tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc |
Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc vừa đăng bài viết của Trưởng ban kỹ thuật trang bị Hải quân (Trung Quốc), nguyên nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu tàu thuỷ Trung Quốc.
Bài viết dẫn lời báo chí Nhật Bản cho rằng "tàu sân bay hiện có của Trung Quốc chẳng qua là 'con hổ giấy'", "chỉ cần phóng 1 quả tên lửa từ tàu ngầm bắn trúng tàu Liêu Ninh, phá thủng một hố trên đường băng tàu sân bay, máy bay hải quân sẽ không thể cất/hạ cánh, tàu sân bay lập tức mấy sức chiến đấu".
Theo bài báo, "hổ giấy" là từ ngữ do Trung Quốc tạo ra. Ông Mao Trạch Đông từng nói tất cả "chủ nghĩa đế quốc" là “hổ giấy”, phải coi khinh họ về chiến lược, phải coi trọng họ về chiến thuật. Hiện nay, phe cứng rắn ở Nhật Bản nói tàu sân bay Trung Quốc thành "hổ giấy" là điều cần phải suy nghĩ.
Theo báo Trung Quốc, trong chiến tranh "kháng Mỹ viện Triều" (chống Mỹ, chi viện cho CHDCND Triều Tiên), Quân đội Trung Quốc từng đối mặt với quân Mỹ được trang bị đến tận răng, đó có thể là "hổ thật". Hơn 60 năm sau chiến tranh, không ít nước lớn trên thế giới đều thể hiện sự lợi hại của những con "hổ thật" khác nhau trong các cuộc chiến tranh cục bộ với các loại quy mô lớn nhỏ.
Trong khi đó, theo báo Trung Quốc tuyên truyền lại luận điệu vốn vẫn thường được "nhai đi nhai lại", do Trung Quốc "kiên trì chiến lược và con đường phát triển hoà bình", chỉ ứng phó với những khiêu khích của các nước láng giềng, Trung Quốc buộc phải tiến hành "phản kích tự vệ" (?). Những hoạt động quân sự này có phạm vi hẹp, quy mô nhỏ, thời gian ngắn, sử dụng binh lực có hạn. Vì vậy, sau chiến tranh "kháng Mỹ viện Triều", Quân đội Trung Quốc về cơ bản không được trải qua các cuộc chiến lớn.
Ngoài ra, cũng theo luận điệu này, truyền thông TQ cho rằng: từ trước tới nay, do sức mạnh quốc gia hạn chế và nhu cầu ngoại giao, Trung Quốc lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm, “kiềm chế” phát triển trang bị quân sự và huấn luyện quân sự. Trong khi đó, Mỹ và các nước lớn phương Tây khác lại không ngừng xuất binh tham chiến trên phạm vi thế giới, lấy chiến đấu thực tế nâng cao năng lực tác chiến cho quân đội. Vì vậy, về phát triển trang bị và năng lực chiến đấu thực tế, hai bên rõ ràng không thể đánh đồng. Trung Quốc có nhu cầu cấp bách phải "học bù" để đuổi kịp (!?).
Bài báo cho biết, sau khi ông Tập Cận Bình - Chủ tịch Quân uỷ Trung ương Trung Quốc phê chuẩn, Tổng bộ Chính trị - Quân đội Trung Quốc đã in và phát hành "Ý kiến về đi sâu học tập, tuyên truyền, quán triệt mục tiêu xây dựng quân đội mạnh" (gọi tắt là Ý kiến xây dựng quân đội mạnh), đã nhấn mạnh đến việc "tăng cường quy hoạch thống nhất đối với hiện đại hoá quân đội, cụ thể hoá mục tiêu, nhiệm vụ... đưa ra đối sách thực chất", "tự giác thoát khỏi sự trói buộc của quan niệm cũ, tư duy quán tính và cách làm lỗi thời".
Bài báo cho rằng, "Ý kiến" này được đưa ra rất “kịp thời”, bởi vì Trung Quốc không thể đem quân đi đánh đấm khắp nơi để nâng cao năng lực chiến đấu thực tế, mà chỉ có thể dựa vào tăng cường huấn luyện và diễn tập, do đó phải thực hiện được tư tưởng "rèn luyện gian khổ, nghiêm ngặt, cụ thể, thực tế".
Đối với vấn đề này, bài báo cho rằng, Quân đội Trung Quốc phải thoát khỏi tư duy chỉ đạo quân sự "theo đuổi an ninh tuyệt đối, yêu cầu chắc chắn tuyệt đối một cách quá mức" trước đây. Báo "Giải phóng quân" Trung Quốc từng cho rằng, trong nhiều năm qua, các cuộc diễn tập đối kháng thực tế có lúc vẫn mang tính "kịch", "vào vai phụ" dựa theo quy trình thiết kế sẵn.
Hải quân Trung Quốc cho bay thử máy bay chiến đấu J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh |
Vì vậy, bài báo kêu gọi cấp cao Quân đội Trung Quốc phải khuyến khích bộ đội nước này tăng cường tinh thần trách nhiệm, nâng cao trình độ kỹ thuật thao tác thực tế, tăng cường bản lĩnh "làm thật", không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, không sợ thất bại, thời bình đổ nhiều mồ hôi, thậm chí có thể đổ máu, thì thời chiến mới có thể thực sự giành thắng lợi, chỉ phải trả giá tương đối thấp.
Theo bài báo, trong diễn tập phải đặc biệt nhấn mạnh: Trên biển phải đối mặt với sóng gió, trên không phải vượt qua giới hạn, trên đất liền phải chấp nhận nóng lạnh… Hơn nữa, phải tăng cường sát hạch thật đối với chỉ huy chiến dịch, không vì sai lầm cục bộ của diễn tập mà dễ dàng chán nản, làm cho chỉ huy các cấp dám xông vào nguy hiểm, dám gánh vác, dám vượt các phương án sẵn có, dám tập kích bất ngờ.
Bài báo cho rằng, cấp cao cần phải sẵn sàng đón nhận những sự cố có thể xảy ra trong diễn tập quân sự có liên quan đến máy bay, tàu chiến, xe tăng..., binh sĩ có thể bị thương vong, chỉ huy chiến thuật có thể sai lầm, vì vậy đây không phải là “diễn xuất” trước người xem. Như vậy mới có thể làm bộc lộ vấn đề, mới có thể thông qua diễn tập thực sự ở "chiến trường lập sẵn", tăng cường lý luận học thuật quân sự có mục đích.
Bài báo cho biết, sau khi tàu sân bay Liêu Ninh đi vào hoạt động, đã tăng cường hoạt động huấn luyện, kỷ lục an toàn được duy trì cho đến nay là điều không hề dễ dàng. Nhưng, tổng quan phương Tây, tàu sân bay đều đã từng gặp sự cố trong quá trình huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ.
Hải quân Mỹ đã phải mất mát, trả giá rất nhiều mới xây dựng được năng lực chiến đấu cho cụm chiến đấu tàu sân bay |
Truyền thông Australia năm nay từng có bài viết cho rằng, "trong 40 năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trong quá trình phi công thích ứng với việc kết hợp giữa tàu sân bay và máy bay chiến đấu, Hải quân Mỹ đã tổn thất 13.000 máy bay và 9.000 nhân viên tổ lái, nguyên nhân chủ yếu là sự cố, chứ không phải hoả lực của kẻ thù".
Theo bài viết, đối với tàu sân bay Trung Quốc, các nhà lãnh đạo và người dân đều nên có sự chuẩn bị tư tưởng thích nghi tốt, bởi vì sức chiến đấu và khả năng bảo đảm chỉ có được bài học từ các sự cố thì mới có thể thực sự được tăng cường.