Chiếc giếng làng xây từ năm 1932 (xóm Trung tâm, Chàng Sơn) sâu hơn 20 m nhưng gần 10 năm nay luôn trong tình trạng cạn khô. Dù vậy, vài hộ dân xung quanh vẫn thả máy bơm để tận dụng ít nước dùng trong nhà vệ sinh. |
Mặc dù nhà chị Nga (45 tuổi) đã khoan giếng hơn 50 m nhưng ngày 2 lần bơm cũng chưa đầy chiếc xô nhựa này. Chị cho biết phải chờ vài tiếng cho đất, cát lắng đi mới gạn được ít nước trong để ăn. |
Bà Nguyễn Thị Vang (74 tuổi, xóm 3) nói: "Nhà tôi có 2 ông bà già nên dùng tiết kiệm. Cứ 2 ngày tôi bơm được thùng 150 lít này chứ có làm ra tiền đâu mà mua". |
"Chàng Sơn có 7 thôn với 2.600 hộ nhưng 2/3 trong số đó thiếu nước. Toàn xã có 1.100 giếng nhưng chỉ có hơn chục cái có nước. Đã nhiều năm nay, chính quyền kiến nghị lên cấp trên nhưng không biết khi nào mới có", ông Chu Thế Huấn - Phó Chủ tịch xã Chàng Sơn cho biết. |
Bà Lê Thị Mai - Hiệu trưởng trường mầm non Chàng Sơn nhấn mạnh tuy nhà trường chỉ có 600 học sinh, nhưng mỗi tháng cũng tiêu hết 4 triệu đồng mua nước vệ sinh, 5,4 triệu nước ăn nên phụ huynh phải đóng thêm 14.000 đồng. Hầu hết học sinh ở Chàng Sơn đều phải gánh thêm khoản tiền này. |
Đến Chàng Sơn vào bất cứ thời điểm nào trong ngày đều có thể bắt gặp những xe chở nước. Người người hồ hởi khi thấy xe đến dù cho họ có phải móc hầu bao. Chị Bích (30 tuổi) chia sẻ: "Một năm chỉ có vài tháng mùa mưa có nước, còn lại 8 tháng gia đình tôi cứ phải đi mua. Dù cho nhà tôi đã vô cùng tiết kiệm nhưng mỗi tháng 2 vợ chồng, 2 đứa con vẫn mất hơn 700.000 đồng". |
Người dân tự kéo xe, xếp hàng đi mua nước để tiết kiệm vài nghìn công kéo. Bà Thọ (83 tuổi) cho biết cả xóm này chỉ giếng nhà bà có nước, bất đắc dĩ mới bán mà chỉ bán cho nhà quen. Một thùng nước thế này chứa 150 lít, giá 15.000 đồng, tính ra, một khối nước khoảng gần 100.000 đồng. |
Cũng tại đây, việc biếu nhau một xô nước có giá hơn bó rau, cân hoa quả. Chị Hoa (48 tuổi) nói: "Nhà tôi khoan 3 cái giếng, có cái sâu đến 70 m nhưng không có lấy một giọt. Dù ngại nhưng thỉnh thoảng tôi cũng phải sang hàng xóm xin". |
Anh Sang ở xã bên tiết lộ 3 năm nay, anh chở nước từ nhà đến xã Chàng Sơn bán. Trung bình mỗi ngày đi từ 5 đến 7 chuyến, mỗi chuyến chở 4 khối nước. Một chuyến như vậy bán 220.000 đến 250.000 đồng. Giá này vẫn rẻ hơn so với người dân mua trong làng. |
Hằng ngày, mỗi nhà đều phải cắt cử người đi mua "tài nguyên" khan hiếm này. "Riêng khoản đi kéo về nhà cũng tốn khá nhiều thời gian. Nhà có 7 người, mỗi ngày dùng hết gần 4 thùng này nên chị em tôi phải nghỉ làm từ 4h chiều để đi lấy nước", chị Cảnh (xóm 2) chia sẻ. |
Ngại đi lấy nước từ ao hồ về xây dựng, bà Tâm xót xa bỏ ra 60.000 đồng mua 4 thùng. Bà than đã bao năm nay người dân sống như vậy rồi. Bỏ tiền ra mua nước nhưng nhiều hôm không có mà mua. |
Ngoài sử dụng hệ thống hứng nước mưa, nhà nào ở Chàng Sơn cũng có nhiều thùng, xô để tích nước. Anh Quang (43 tuổi, xóm 3) cho biết vì thiếu nước mà đến cả nghề kinh doanh xô chậu cũng phát đạt ở quê anh. |
Không có nước nên tinh thần tiết kiệm được đề cao triệt để: vài ngày mới tắm, vài ngày mới giặt. Nhiều khi các gia đình còn dồn quần áo rồi sang các xã bên giặt nhờ. |
Dù tiết kiệm nhưng mỗi tháng 5 người nhà chị Loan vẫn phải chi hơn 800.000 đồng tiền nước. Chị nói: "Tiền mua nước gấp 3 lần tiền mua gạo mà không biết có sạch không nữa. Nhà tôi không dùng vệ sinh tự hoại mà còn mất ngần ấy". Để tiết kiệm, chị dùng nước rửa rau, đãi gạo để rửa tay, dội nhà vệ sinh... |
Phan Dương/ VnExpress