Dáng người thấp, ăn mặc tuyềnh toàng, nhưng đôi mắt rất sáng và thông minh, không ai nghĩ vị Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thanh Bình, Phạm Văn Bình từng có một quãng đời “bất hảo” – ngang dọc tung hoàng – đúng nghĩa...
Anh Phạm Văn Bình (Ảnh VTC News) |
Anh Bình sinh ra ở ngõ Thổ Quan (Hà Nội). Trong ký ức tuổi thơ của anh là những năm tháng trèo me, trèo sấu. 10 tuổi, học đòi theo đám thanh niên trốn vào rạp Dân chủ xem phim, bắt chước họ móc túi của khách. Học đến lớp 7 thì nghỉ học, gia nhập vào đội quân “hai ngón” chuyên móc túi. Rồi bị bắt, đưa vào trại giáo dưỡng. Ra trại, vẫn không “hoàn lương”, lại tiếp tục bị đưa vào trại Thanh Hoá. Quãng thời gian ở đây đã “tôi luyện” Bình lì lợm, ngang tàng hơn. Ngày được ra trại, cùng đồng bọn quay lại, vượt qua 3 lớp bảo vệ: rào thép, cảnh sát, chó nghiệp vụ, vào kho lấy 3 khẩu Khẩu K54, khẩu K59, 4 quả lựu đạn...
Có “chó lửa” trong tay, Bình càng khét tiếng, cướp bóc tàn bạo, liều lĩnh. Một lần, cùng “đồng bọn” đang đi săn “hàng” trên địa phận Hà Tây (cũ) thì chạm mặt với đại uý Đỗ Văn Quảng, đội trưởng cảnh sát hình sự Thanh Oai.
Trận đấu súng chớp nhoáng đã khiến đại úy Quảng ngã gục. Sau trận đấu súng nẩy lửa này, Bình trở thành đối tượng bị công an truy nã trên phạm vi toàn quốc. Thời điểm này, anh mai danh ẩn tích ở nhà một chiến hữu ở thị trấn Phú Xuyên.
Chính quãng thời gian này, dường như được Bình được hồi sinh. Khi lần đầu tiên anh bị mê mẩn bởi một cô thôn nữ tên Huyền, tình yêu nẩy nở giữa hai người. Nhưng khi gia đình Huyền biết sự thật đã phản đối quyết liệt. Tuy nhiên, trái tim Huyền đã trót trao cho kẻ sát nhân... Huyền bảo: Nếu, anh thật sự thương hai mẹ con em thì nên ra đầu thú ngay đêm nay, còn có cơ hội làm lại cuộc đời. Dù, anh phải ngồi tù 20, em vẫn sẽ đợi.
Ngay tối hôm ấy, Bình đã quyết định đến công an đầu thú, nhận án tù 12 năm. “Ngày ấy, nếu không có sự giúp đỡ của nhà vợ thì tôi đã không phục thiện được. Có lẽ, cũng đã xanh cỏ từ lâu”... Bình tâm sự chân thành.
Năm 1995, dịp đất nước kỷ niệm 20 ngày hoàn toàn được giải phóng, trong lệnh công bố ân xá phạm nhân, khi cán bộ trại giam đọc tên Phạm Văn Bình, anh đã đã rưng rưng khóc. Những ngày đầu rời trại, không có việc làm, Bình chỉ quanh quẩn ở nhà.
“Nhàn cư vi bất thiện” có thời điểm, Bình đã nghĩ quẩn. Nhưng bằng tình yêu thương của vợ, anh đã vượt qua, không cho phép mình... trở lại vết xe đổ ngày xưa.
Rồi Bình đi đóng gạch thuê. Sau một thời gian, cán bộ trại giam đã tận tình giúp đỡ anh. Bình gom góp thêm của gia đình nhà vợ, anh em để mua một chiếc máy xúc. Anh Bình kể lại. Gom gió thành bão, đến nay Bình đã có một công ty riêng, làm ăn phát đạt, được anh em bạn bè và đối tác tin cậy.
Người đàn ông với một quá khứ “anh chị” bất hảo, giờ đây đã là ông chủ của một công ty Cổ phần với tài sản hơn 10 tỷ đồng, vẫn miệt mài với rất nhiều ước mơ chân chính “làm giàu cho mình và cho xã hội”...
“Nếu tôi không xác định hoàn lương sớm thì không có cơ hội làm lại cuộc đời. Đó là quyết định cực kỳ sáng suốt. Tôi đã được hồi sinh một lần nữa...” anh Bình bộc bạch chân thành...
Con đường hoàn lương của Đại ca tướng cướp Điềm Khắc Kim
Theo lời ông Trương Văn Thuận thì Sài Gòn trước năm 1975, người ta biết đến Điềm Khắc Kim, một tướng cướp kỳ lạ với nhiều giai thoại lẫn chuyện có thật trăm phần trăm mà giới giang hồ cũng như lực lượng cảnh sát phải kiêng nể. Sau ngày giải phóng hắn cũng làm khuynh đảo trật tự trị an một thời ở các tỉnh miền Tây và Sài Gòn. Nhưng ít ai biết Điềm Khắc Kim một thời chính là đàn em của ông - một tay giang hồ nổi tiếng dao búa trước giải phóng tại khu vực ngã ba Cây Thị (quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp, Sài Gòn)
Ông Tư Thuận tâm sự vào lúc bạo bệnh: Đời ông giang hồ có, tội lỗi có, hoàn lương giúp người giúp đời cũng có. Còn cái có đáng quý hôm nay là mình đã sống tốt với mọi người hơn nửa đời còn lại… Dẫu cuối đời có lệ tràn mi mình vẫn vui khi đã trút bỏ được những nỗi niềm.
Ông Trương Văn Thuận (Ảnh Phunutoday) |
Được phóng thích trở về địa phương, Tư Thuận quyết tâm làm lại cuộc đời. Nhưng con đường hoàn lương của anh cũng lắm chông gai. Thời bấy giờ không dễ tin ngay một con người đã từng làm giang hồ chọc trời khuấy nước, dám xả súng giết người nên Tư Thuận đã gặp không ít khó khăn trên con đường tìm về nẻo thiện.
Nhà Tư Thuận gần đường ray xe lửa. Thời điểm năm 1978, 1979, việc cướp bóc trên tàu ở khu vực này thường xuyên xảy ra, Tư Thuận bị “chấm” và anh có lệnh tập trung theo chủ trương những người tù tha về phải được tiếp tục cải huấn. Ngày 17-6-1979, Tư Thuận tập trung lên Trại Tống Lê Chân. Ý chí hoàn lương đã thôi thúc Tư Thuận luôn nghĩ về con đường tương lai phía trước và anh đã từng ngày phấn đấu cho mục tiêu tốt đẹp ấy.
Một ngày cuối tháng 3-1982, Tư Thuận ra trại. Sau khi về phường 11, quận Bình Thạnh, Tư Thuận thật sự hoàn lương.
Với uy danh giang hồ của mình, Tư Thuận đã cảm hóa thuyết phục nhiều đàn em giang hồ, trộm cắp, cướp giật… từ bỏ con đường phạm pháp để làm lại cuộc đời. Trong 10 năm (1982 - 1992), với tư cách một người lương thiện, sống có trách nhiệm với xã hội, Tư Thuận đã có phần đóng góp vào việc giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.
Thời gian thấm thoát trôi đi, người dân càng thấy rõ bản chất hoàn lương, đoạn tuyệt giang hồ của Tư Thuận. Đối với ông, hoàn lương không có nghĩa tự thân mình tu nhân tích đức mà còn là việc giúp người đời, sống có trách nhiệm với xã hội, góp sức giữ gìn an ninh trật tự địa phương.
Không ít lần Tư Thuận bỏ công việc làm ăn buôn bán để cùng lực lượng dân phòng ngăn chặn hoạt động của kẻ xấu, giúp bà con vượt qua lúc khó khăn hoạn nạn. Trong thôn xóm, khi xảy ra mâu thuẫn đánh nhau, ông đều can thiệp hòa giải. Đầu năm 2003, chính quyền địa phương phân công ông làm Đội phó Đội dân phòng. Với trách nhiệm được giao, ông cùng anh em dân phòng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Gần 20 năm trôi qua, ý chí hoàn lương đã giúp tay giang hồ khét tiếng Tư Thuận gác kiếm, thật sự trở về tính bổn thiện của con người. Bằng ý chí và nghị lực của mình, tư Thuận không chỉ thành công trên quá trình dừng bước giang hồ mà cả trên lĩnh vực làm ăn kinh tế. Từ chỗ hai bàn tay trắng đến nay vợ chồng ông đã có một cơ ngơi nhà cửa khang trang, vườn cây trái sum suê hoa trái, thu nhập ổn định.
Hoàn lương cùng đá
Người đàn ông ấy phạm tội tày trời, án tù chung thân cũng khó gột rửa đi trong đời ông những tội lỗi. Những tưởng tất cả đã khép lại, nhưng từ những tháng năm miệt mài với sự hoàn lương nơi công trường khai thác đá Phú Cường (Cẩm Phả- Quảng Ninh), ông như hòn đá khô khốc nhận ra giá trị của mình giữa cuộc đời bận rộn.
Ông Nguyễn Văn Hoàn gắn bó với công trường khai thác đá này cũng được hơn chục năm rồi. Thoắt cái, sau những năm tháng ở tù trở về, mái tóc mới đó còn mang màu thanh xuân, giờ bạc thêm mấy phần. Và dù đã ngấp nghé ở tuổi 70 nhưng trong trí nhớ của người đàn ông ấy thì dường như những biến cố diễn ra trong cuộc đời ông từ mấy chục năm trước vẫn chẳng nhòa đi được. Nụ cười buồn buồn gượng gạo, đôi mắt mẫn tuệ trên gương mặt gầy, khi nhìn thẳng, khi xa xăm rụt rè như nói với chúng tôi phần nào về nỗi ám ảnh, về tội lỗi mà ông khó lòng “vùi sâu chôn chặt”: “Tôi đã giết vợ”!
“Tôi không yêu vợ, hơn nữa đã quá mê đắm người con gái kia rồi. Nghĩ tới mọi lý do để ly hôn vợ, nhưng không đành, vì bố mẹ quá nghiêm khắc. Và “bán linh hồn cho quỷ” từ lúc nào không biết, trong một lần về thăm nhà, tôi đã giết vợ! Lẽ ra đã là một cái án tử hình nếu không phải vì hoàn cảnh bố mẹ tôi đã già mà tôi còn 3 đứa con nhỏ. Và cũng vì cải tạo tốt, tôi đã được đặc xá….”. Ông Hoàn tâm sự.
Ra trại bơ vơ, ông miệt mài tìm đường sống quay lại vùng mỏ Cẩm Phả. Nhưng chàng thanh niên sức vóc khi xưa giờ trở về là người đàn ông với mái tóc thời gian phủ bạc. Nếu không có ân nhân cưu mang ở lại công trường này, chắc chắn cuộc đời ông sẽ rẽ một ngả xa xôi và chênh vênh nào đó. Tại nơi này, những đứa con của ông cũng lần lượt có vợ, có chồng. Những tưởng sự cô độc sẽ làm bạn mãi với ông, thì cũng chính tại đây, ông được ân nhân giới thiệu cho một người phụ nữ đã quá thì, để hai người cùng đùm bọc, đỡ đần nhau.
Với những kẻ phạm tội, coi cuộc đời như canh bạc thì làm lại cuộc đời chẳng phải dễ dàng. Tính từ thời điểm những người “công nhân đặc biệt” đầu tiên được nhận về làm việc tại công trường, tới nay đã có không biết bao nhiêu người đã từng vào tù ra tội trở về và gắn bó với nơi này.