Ngày 30/5, Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi). Trong dự thảo Luật Tố cáo lần này, 2 vấn đề được các đại biểu quan tâm đó là việc đơn tố cáo nặc danh, tố cáo qua tin nhắn điện thoại, thư điện tử và cơ chế bảo vệ người tố cáo.
Hiện có một sự mâu thuẫn, trong khi yêu cầu người tố cáo phải "danh chính ngôn thuận" thì những quy định về bảo về người tố cáo lại chung chung, không rõ ràng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội) - ảnh nguồn quochoi.vn. |
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính (Chánh án Tòa án nhân dân Hà Nội), hình thức tố cáo có thể bằng nhiều con đường như trực tiếp, bằng đơn, qua fax, email, qua điện thoại đều hợp pháp. Điều này phù hợp với một số luật như Luật Phòng chống tham nhũng.
Về tố cáo nặc danh, đại biểu Chính đưa ra quan điểm: "Về nguyên tắc không xem xét đơn tố cáo nặc danh. Tuy nhiên, tố cáo nặc danh mà có những nội dung, chứng cứ xác đáng (hình ảnh, ghi âm…) thì nên được xem xét.
Nhiều người tố cáo sợ bị trả thù hoặc không đảm bảo về quyền lợi hoặc bị đe doạ tính mạng, sức khoẻ nên họ phải nặc danh".
Ai dám gọi cho Cục chống tham nhũng khi chưa tố cáo đã nơm nớp sợ bị trả thù? |
Về bảo vệ người tố cáo, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính đánh giá dự thảo còn rất chung chung. “Muốn người ta tố cáo để tìm ra sự thật khách quan thì điều đầu tiên phải bảo vệ người tố cáo. Nếu không có quy định rõ ràng thì sẽ có thể nguy hiểm đến tính mạng” - ông Chính nhấn mạnh.
Liên quan đến hai vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Ngô Tuấn Nghĩa (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: “Các hình thức tố cáo nặc danh, tố cáo nhắn tin điện thoại, điện tử... mà người tố cáo sợ bị trả thù không muốn lộ diện thì trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị cần bố trí người thẩm định, thẩm tra nếu có sai phạm thì anh tiến hành xử lý.
Tuy nhiên, mình không nên thừa nhận hình thức tố cáo này vào trong luật".
Về quy định bảo vệ người tố cáo, vị đại biểu này có ý kiến: "Quy định bảo vệ người tố cáo có tới 10 điều nhưng thiếu, không quy định lực lượng nào là người bảo vệ. Thậm chí, cần thiết phải nghiên cứu kinh phí chi trả để bảo vệ người tố cáo.
Từ khi người tố cáo yêu cầu bảo vệ nhưng thực tế rất khó để bảo toàn tính mạng cho họ. Do đó, cần có một điều quy định khi bảo vệ khẩn cấp thì giải quyết làm sao, lực lượng nào đứng ra?
Nhiều trường hợp bị đe dọa, bị trả thù, thậm chí người tố cáo bị mất mạng nên cần quy định rất rõ làm sao người tố cáo được an tâm, không sợ bị trả thù”.
Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) góp ý: “Cái bất cập của Luật tố cáo là có tình trạng người tố cáo trung thực, tốt bụng, dũng khí quyết tâm không được bảo vệ đầy đủ.
Rơi vào trường hợp người bị tố cáo có quyền lực, thậm chí là quyền lực xã hội đen, những trường hợp đó người bị tố cáo rất là tội nghiệp.
Có người tám năm sau mới được biểu dương trong khi trong tám năm đó họ rất cô đơn, không loại trừ có người bi quan dẫn tới có hành vi tiêu cực”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chiến , Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội (ảnh quochoi.vn). |
Liên quan đến đơn thư, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chiến (đoàn Hà Nội) có quan điểm cứng rắn hơn: "Các hình thức email, fax… người tố cáo không trực tiếp, không xác nhận thì không có giá trị pháp lý.
Vì vậy, chỉ nên coi tố cáo qua mạng, thư điện tử là tin báo tội phạm, vi phạm để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết, xử lý.
Tố cáo là quyền và trách nhiệm của công dân. Công dân thực hiện quyền tố cáo phải danh chính và phải chịu trách nhiệm nếu tố cáo sai sự thật. Nhiều cá nhân lợi dụng tố cáo nặc danh để tố cáo sai sự thật".
Liên quan đến vấn đề bảo vệ người tố cáo, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chiến nhận định: “Vấn đề bảo vệ người tố cáo nêu ra trong dự thảo còn chung chung về trách nhiệm bảo vệ người tố cáo của cơ quan hữu quan.
Thời gian qua, nhiều người dân thực hiện quyền tố cáo đã bị đe dọa, cản trở, thậm chí còn bị xem xét về tội vu khống nếu trong nội dung tố cáo có một vài điểm sai”.