Trước đó, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã ra quyết định đình chỉ thi công đối với dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước Đà Nẵng (do Công ty TNHH The Sunrise Bay làm chủ đầu tư) để làm rõ nguồn gốc cát.
Phía chủ đầu tư đã giải trình với cơ quan chức năng về nguồn gốc vật liệu là do Công ty cổ phần xây dựng và lắp máy Trung Nam (gọi tắt là Công ty Trung Nam) làm nhà thầu cung ứng cát để thi công hạ tầng.
Trong đó, nhà thầu thi công lấy nguồn từ các mỏ thuộc quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu, huyện Hòa Vang, (Đà Nẵng) và huyện Đại Lộc, Tây Giang (tỉnh Quảng Nam). Căn cứ trên cơ sở này, Sở Xây dựng đã cho phép công trình thi công trở lại.
Tuy nhiên, hồ sơ chứng minh nguồn gốc cát từ huyện Tây Giang đã bị làm giả, hợp thức hóa để qua mặt cơ quan chức năng.
Điều tra nghi án giả mạo chữ ký Phó Chủ tịch tỉnh
Sau khi nhà thầu thi công cho rằng lấy nguồn cát từ xã A Tiêng (huyện Tây Giang, Quảng Nam) thì địa phương này đã lên tiếng phản đối.
Dự án lấn biển lớn nhất miền Trung từng bị đình chỉ vì sử dụng nguồn gốc vật liệu không rõ ràng. Ảnh: TT |
Theo ông Lê Hoàng Linh – Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tây Giang, thì đây là một huyện miền núi, nguồn cát làm vật liệu xây dựng chủ yếu nằm dọc theo các sông suối nhưng trữ lượng rất ít, không đủ cung cấp cho các công trình xây dựng trên địa bàn.
Có 5 tàu "cát tặc” hút trộm cát từ Cửa Đại chở ra Đà Nẵng(GDVN) - Bước đầu điều tra, công an xác định có năm tàu lợi dụng các hợp đồng để hút trộm cát ở khu vực Cửa Đại chuyển ra Đà Nẵng. |
Từ năm 2003 đến nay, Tây Giang cũng không hề có mỏ cát nào được cấp phép khai thác.
“Cát ở đây còn không đủ dùng, phải đi mua nơi khác về. Nên thông tin nói Tây Giang có cả triệu mét khối cát là không chính xác” ông Linh nói.
Theo tìm hiểu, để chứng minh nguồn gốc cát, phía Công ty Trung Nam đã đưa ra bằng chứng là hợp đồng số 27 (ký kết 20/9/2016), giữa Công ty Trung Nam và Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Tây Trường Sơn Quảng Nam về việc mua cát san nền số lượng 1 triệu khối với giá trị 45 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có quyết định số 1193 ngày 6/4/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam về việc gia hạn giấy phép khai thác cát ở khu vực xã A Tiêng (Tây Giang).
Quyết định này do ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ký, cho phép Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Tây Trường Sơn Quảng Nam (nhà thầu phụ của Công ty Trung Nam) khai thác mỏ cát 3 triệu khối ở xã A Tiêng đến tháng 5/2019.
Tuy nhiên, thực tế quyết định 1193 của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành ngày 6/4/2015 lại là một quyết định về việc gia hạn giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường và thuê đất tại khu vực mỏ đá Khe Rọm (thuộc thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang).
Như vậy, hai quyết định đều mang số 1193 ban hành cùng một thời điểm (ngày 6/4/2015), do cùng một người ký nhưng nội dung lại khác nhau dẫn đến nghi vấn có hay không chuyện làm giả hồ sơ. Trong đó, có nhiều điểm bị chỉnh sửa một cách tinh vi.
Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam (người có chữ ký trong hai công văn nói trên) cho biết, quyết định gia hạn khai thác cát ở Tây Giang là giả mạo. “Hiện cơ quan công an đang vào cuộc điều tra, làm rõ” ông Toàn cho hay.
Chủ đầu tư và nhà thầu thi công khẳng định “vô can”
Trong thông cáo gửi đến các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Kiên Cường – Tổng giám đốc Công ty TNHH The Sunrise Bay cho biết, trước thông tin về việc Công ty Trung Nam (nhà thầu) đã giả mạo giấy tờ cấp phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho việc khai thác cát tại xã A Tiêng (Tây Giang) nhằm hợp thức hóa nguồn cung cấp cát khi thi công gói thầu cho dự án của doanh nghiệp này.
Chủ đầu tư dự án là Công ty THH The Sunrise Bay khẳng định vô can trong vụ "phù phép" nguồn gốc cát. Ảnh: TT |
Phía Công ty đã gửi công văn thông báo đến nhà thầu về việc chủ đầu tư sẽ tiến hành xác minh và làm rõ những thông tin nêu trên.
Đồng thời, trong thời gian xác minh làm rõ vụ việc, để không ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án, chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu ngay lập tức ngừng sử dụng nguồn cát liên quan đến xã A Tiêng như hồ sơ mà nhà thầu đã cung cấp cho chủ đầu tư.
Đà Nẵng đình chỉ thi công dự án lấn biển lớn nhất miền Trung |
Thực hiện thay thế ngay nguồn cung ứng cát khác hợp pháp mà nhà thầu chứng minh được cho dự án.
Ông Cường cũng khẳng định, nhà thầu phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về hồ sơ, nguồn gốc cát.
Ông Bùi Xuân Định - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Trung Nam cũng đã có giải trình về vấn đề này.
Ông này xác nhận có ký hợp đồng ngày 20/9/2016 về việc “mua bán cát san nền” với Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Tây Trường Sơn Quảng Nam để phục vụ thi công san nền dự án.
Theo ông Định thì chiếu theo hợp đồng này, phía Công ty Tây Trường Sơn phải đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý của nguồn vật liệu cát khai thác và cung cấp (bán) cho bên A. Chịu trách nhiệm trước cơ quan chức năng, trước pháp luật về nguồn cát khai thác…
“Đối với bên mua cát như Công ty chúng tôi, việc bên bán cát cung cấp cát và xuất đầy đủ hóa đơn chứng từ trước khi nhận thanh toán là phù hợp với qui định của pháp luật và hoạt động kinh doanh thương mại.
Đối với trách nhiệm của bên bán cát trong việc kê khai nộp thuế các loại, Cục thuế tỉnh Quảng Nam sẽ kiểm tra và xử lý nếu như họ không chấp hành các qui định của pháp luật” ông Định cho hay.
Liên quan đến thông tin giấy phép khai thác cát tại quyết định số 1193/QĐ-UBND ngày 6/4/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam về “gia hạn giấy phép khai thác cát làm vật liệu thông thường và thuê đất tại khu vực xã A Tiêng, huyện Tây Giang” là giả.
Thực hư việc này như thế nào không rõ, nhưng ông Định khẳng định rằng, công ty không có liên quan và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu như cố tình có hành vi làm giả quyết định này, rất mong các cơ quan bảo vệ pháp luật làm sáng tỏ sự việc.
Trong khi phía chủ đầu tư và nhà thầu thi công “phủi tay” thì quả bóng trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.