Cô giáo Kỳ Sơn nhận bằng khen của Bộ

05/12/2020 06:13
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ở cô giáo Hà, hội tụ nhiều yếu tố của một người giáo viên nhân dân. Phần thưởng Bộ Giáo dục khen tặng cho cô là vô cùng xứng đáng.

25 năm gắn bó với vùng rừng núi Kỳ Sơn mảnh đất khó khăn nhất của tỉnh Nghệ An, cô giáo Nguyễn Thị Hà đã cống hiến cho giáo dục vùng khó với tất cả lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ. Tuổi về chiều, cô vẫn chọn ở lại nơi này vì tình yêu người, yêu nghề đã thấm vào máu thịt khó lòng rời xa.

Đại diện chính quyền huyện Kỳ Sơn, trao bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho cô giáo Hà (Ảnh nhà trường)

Đại diện chính quyền huyện Kỳ Sơn, trao bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho cô giáo Hà (Ảnh nhà trường)

Những tháng ngày gian khó

Nhớ lại những ngày đầu đến với vùng đất Mường Lống, cô Hà cho biết nếu không có tình yêu nghề, yêu người thì khó có thể trụ lại một vài năm chứ nói gì đến vài chục năm đằng đẵng.

Từ thị trấn vào Trường Tiểu học Mường Lống hơn 50 ki lô mét, ngày nắng thì bụi mù đất cát nhưng còn có xe lai dù mỗi chuyến đi mất gần nửa tháng lương.

Ngày mưa, đường trơn nhầy nhụa không xe lai nào chịu chạy mà đi bộ thì mất gần cả ngày đường.

Cô Hà kể: “Năm đầu tiên, đưa các em ra thị trấn Mường Xén đi thi học sinh giỏi. Vì mùa mưa, sương mù đường trơn xe không đi được nên cả cô và trò phải đi bộ từ Thị trấn vào Mường Lống gần tròn 1 ngày trời mới tới nơi.

Sáng sớm hôm sau nhìn xuống thì 10 ngón chân sưng to vì đường trơn không đi giày được mà phải dùng 10 ngón chân bấm xuống đất để không bị trượt ngã.

Có lần, cô và người bạn bỏ hũ mắm vào trong ba lô quần áo và trượt té trên đường làm hũ mắm đổ chan trong đống quần áo. Khổ nỗi, mùa đông nơi rẻo cao trời mù sương ẩm ướt nên giặt quần áo phải phơi cả tuần chưa khô. Thế là, cái mùi mắm thum thủm ấy cứ đeo đẳng suốt cả tuần.

Đã có lúc, cô có suy nghĩ buông xuôi để trở về nhà nhưng tình yêu học trò, tình thương đối với những người dân hiền lành chất phát nơi đây đã níu giữ cô ở lại.

Cô Hà cho biết, học sinh nơi đây rất ngoan, dễ thương còn phụ huynh thì hiền lành, thật thà và vô cùng dễ mến.

Lấy công việc làm niềm vui

Sau thời gian xao động, cô đã cùng đồng nghiệp lấy lại tinh thần để mạnh mẽ hơn. Thế là, ngày dạy trẻ ở trường, đêm đêm dạy lớp xóa mù cho dân.

Để mở được lớp, cô và đồng nghiệp đã đi từng nhà vận động người dân đến lớp học. Nhiều gia đình cả nhà cùng tham gia lớp học buổi tối. Buổi sáng thì dạy con, chiều tối thì dạy chính bố mẹ các con tại các lớp xoá mù chữ.

Thông qua những lớp xóa mù, cô lại tranh thủ học tiếng Hơ Mông để thuận lợi cho việc dạy và giao tiếp với học sinh được thuận lợi.

Do nhận thức về việc học còn hạn chế, nên nhiều học sinh vẫn thường xuyên bỏ học giữa chừng. Không để học sinh mù chữ, cô đã cùng đồng nghiệp lặn lội đến từng bản làng, thôn xóm để vận động học sinh ra lớp. Đường vào nhà học sinh khá xa, có em phải đi lại đến mấy lần.

Đến nhà vận động, bố mẹ cứ bảo con gái lớn là đi lấy chồng nên không cần học, lúc đó cô Hà nói mình phải lấy tấm gương chính bản thân mình cũng là con gái được đi học, được làm cô giáo như vậy sẽ sướng hơn ở nhà, lúc đó phụ huynh mới chịu.

Thời gian độc thân còn đỡ, khi có gia đình và sinh con đẻ cái mới thật sự là thời gian khốn khó. Con nhỏ không hợp khí hậu quá lạnh nên thường xuyên bị ốm nên vợ chồng cô đành phải gửi con về quê khi thì ở với nội, lúc lại ở với ngoại.

Cô cùng chồng lại trở lại trường tiếp tục công việc dạy học. Dù nhớ con đến cháy lòng, dù thương con còn nhỏ phải sống xa cha mẹ thì một năm cô cũng chỉ có thể về nhà 2 lần vào dịp hè và dịp tết để thăm con.

Cô Hà nói, làm việc, chăm lo cho học sinh, dạy xóa mù cho người dân là cách tốt nhất để vượt qua nỗi nhớ con.

Thành quả của những nỗ lực

Luôn nỗ lực trong dạy học, cô Hà đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận như nhiều năm liền đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, có nhiều sáng kiến được áp dụng hiệu quả trong giảng dạy, nhiều năm liền đạt chiến sĩ thi đua và vinh dự nhất nhận bằng khen của Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nói về vinh dự này, ông Phan Văn Thiết, Trưởng phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết: “Cô Nguyễn Thị Hà là giáo viên rất nhiệt tình, năng nổ, có tâm với học sinh, có trách nhiệm với công việc, có năng lực chuyên môn vững vàng.

Từ khi ra trường đến nay chỉ ở miền núi, đi nhiều trường, nhiều nơi đến toàn những vùng khó khăn nhưng không hề than vãn.

Hiện, chồng cô Hà là cán bộ quản lý ở vùng khó khăn nhất của huyện, từ thị trấn vào khoảng 80 cây số đường rừng rất khó đi. Một mình cô ở nhà vừa hoàn thành tốt công việc giảng dạy, giáo dục học sinh, vừa lo nuôi con, dạy dỗ con cái nên người.

Ở cô giáo Hà, hội tụ nhiều yếu tố của một người giáo viên nhân dân. Phần thưởng Bộ Giáo dục khen tặng cho cô là vô cùng xứng đáng”.

Phan Tuyết